Sự kết nối này đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể số lượng các công ty khởi nghiệp (startup) thương mại xã hội ở Đông Nam Á, khi các doanh nhân nhận ra giá trị của việc khai thác các cộng đồng và sử dụng mạng lưới này để bán sản phẩm của họ.
Tỷ lệ sử dụng Internet trung bình của thanh niên tại ASEAN là 70% (không bao gồm Lào, Myanmar và Đông Timo). Các lĩnh vực như thương mại điện tử, trò chơi và phương tiện truyền thông xã hội tiếp tục tăng trưởng mạnh trong bối cảnh hậu đại dịch, làm thay đổi xu hướng thương mại xã hội và mở ra nhiều cánh cửa hơn cho việc kiếm tiền trực tuyến.
Những doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại xã hội thường được đặc biệt quan tâm vì họ đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong danh sách mong muốn của các nhà đầu tư đang tìm kiếm các dự án trong khu vực để tài trợ. Dưới đây là 5 startup thương mại xã hội lớn nhất trong khu vực hiện tại:
Super
Tiếp cận các vùng nông thôn và vùng kém phát triển của Indonesia để cung cấp cho các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh một cửa hàng là mục tiêu chính của ứng dụng Super. Quần đảo Indonesia bao gồm khoảng 17.000 hòn đảo, nhiều trong số đó là những hòn đảo nhỏ, hẻo lánh và dân cư thưa thớt. Mặc dù có diện tích 1,9 triệu dặm vuông, nhưng phần lớn dân số (56,7%) sống trên đảo Java, với hơn 11 triệu người sống ở Jakarta.
Dân số đông dẫn tới những thách thức hậu cần cho người dân quốc gia này. Super giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các trung tâm cộng đồng nhỏ hơn của các nhà bán lẻ trên khắp đất nước. Với sự hỗ trợ của chương trình vườn ươm, Y Combinator và vòng tài trợ series C do NEA dẫn đầu gần đây trị giá 70 triệu USD, startup thương mại xã hội này hiện có vốn để phát triển và đạt được các mục tiêu của mình.
Resellee
Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển Philippines (DSWD) là một trong những đối tác hỗ trợ của ứng dụng Resellee, nhằm nỗ lực mang lại thu nhập cho mọi người thông qua việc bán hàng trên mạng xã hội. Người bán tham gia ứng dụng và tạo mạng để bán lại sản phẩm từ những người bán và thương hiệu khác. Người bán có thể kiếm tiền hoa hồng từ doanh số bán hàng của họ và hiệu suất của bất kỳ đội nào họ xây dựng và ứng dụng khuyến khích sự phát triển của các doanh nhân trực tuyến trong nước.
Được thành lập vào năm 2019, Resellee đã bổ sung vào vòng gọi vốn hạt giống (seed round) vào tháng 11/2020 với khoản đầu tư 2 triệu USD vào tháng 3/2021. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (VC) sẽ giúp công ty phát triển sản phẩm của mình và tiếp cận nhiều đại lý tiềm năng hơn ở Philippines.
Mio
Khi ứng dụng Mio ngày càng phổ biến ở Việt Nam, ứng dụng này giúp nhiều phụ nữ kiếm tiền hơn nhờ hoạt động kinh doanh vi mô. Nền tảng bán lại hàng tạp hóa và nông sản tươi sống có hơn 10.000 lượt tải xuống trên Android và được xếp hạng thứ 147 trong các ứng dụng đồ ăn và thức uống của Apple.
Được thành lập vào tháng 6/2020, Mio hiện có hàng trăm đại lý hoặc người bán lại, chủ yếu là phụ nữ từ 25 - 35 tuổi sống ở các thành phố nhỏ hơn hoặc các khu vực nông thôn. Hầu hết những người phụ nữ tham gia Mio vì họ muốn bổ sung thu nhập hộ gia đình của họ, thường dưới 350 USD, CEO kiêm nhà sáng lập Huỳnh Hữu Trung và cộng sự đầu tư của Venturra, Valerie Vu đã từng chia sẻ với TechCrunch trong một email.
Mô hình thương mại xã hội phù hợp với họ vì họ là một phần của các cộng đồng gắn bó chặt chẽ đã quen với việc thực hiện các đơn đặt hàng theo nhóm với nhau. Theo Mio, trung bình người bán lại của họ kiếm được khoảng 200 - 300 USD, với nguồn thu 10% hoa hồng cho mỗi đơn đặt hàng và hoa hồng bổ sung dựa trên hiệu suất hàng tháng của người bán lại mà họ đã giới thiệu cho nền tảng.
Với tham vọng mở rộng ra ngoài các khu vực đô thị của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội và vươn ra các khu vực phía Bắc của đất nước, Mio gần đây đã nhận được một khoản đầu tư. Vào tháng 1/2022, vòng gọi vốn series A đã mang về 8 triệu USD từ các nhà đầu tư hàng đầu như Jungle Ventures và Patamar Capital. Số tiền này sẽ giúp Mio cải thiện mảng hậu cần và tăng diện tích trung tâm thực hiện.
WEBUY
Nền tảng thương mại xã hội WEBUY của Singapore gần đây đã mua một startup tương tự ở nước láng giềng Indonesia nhằm mở rộng sang một thị trường lớn. Sử dụng các cộng đồng mạng xã hội để bán, bán lại và quảng cáo sản phẩm, WEBUY mang yếu tố mua theo nhóm đến khu vực.
Ứng dụng này cung cấp cho người tiêu dùng mức giảm chi phí từ 20 - 50% bằng cách bán sản phẩm trực tiếp từ nhà cung cấp, đồng thời cung cấp phần thưởng và ưu đãi cho những người tổ chức các phiên mua hàng theo nhóm và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu của họ.
WEBUY đã huy động được 9 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2018, với 6 triệu USD được bổ sung vào kho quỹ của mình vào tháng 10/2020. Bằng cách mua lại đối thủ Chilibeli, startup này hiện có thể tiếp cận vào 10.000 nhà lãnh đạo tập đoàn hiện đang thúc đẩy việc mua theo nhóm ở Indonesia.
Elloe
Elloe có trụ sở tại Mỹ đang tìm cách mở rộng sang thị trường Đông Nam Á, với Philippines là điểm dừng chân đầu tiên. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cho phép các doanh nhân và DN nhỏ cung cấp trao đổi thương mại thông qua các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, startup này cũng giúp các nền kinh tế địa phương phát triển bằng cách địa phương hóa việc bán sản phẩm trực tuyến.
Sứ mệnh của Elloe bao gồm giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và chuỗi cung ứng hậu cần tự động.
Để hỗ trợ việc mở rộng hoạt động của mình tại Philippines và có được chỗ đứng trên thị trường ASEAN, Elloe đã huy động được 7 triệu USD đầu tư cho vòng tiền hạt giống vào tháng 4/2022, do công ty quản lý Philippines Mad Ventures, Inc dẫn dắt.
Các xu hướng thương mại xã hội hiện nay cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ phát triển các DN nhỏ của riêng họ với sự trợ giúp của các nền tảng như đã đề cập ở trên. Và, với việc các startup thương mại xã hội ở Đông Nam Á đang nhanh chóng mở rộng thị phần, các khoản đầu tư vào các DN như vậy có thể sẽ tăng lên, biến đây trở thành lĩnh vực sinh lợi cho khu vực./.