Theo Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long, từ dấu mốc đầu tiên của tiến trình hình thành và phát triển ASEAN vào ngày 8/8/1967, đến nay tổ chức khu vực được đánh giá là rất hiệu quả và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều thành quả ASEAN đã đạt được trong 55 năm qua và trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Những thành quả này cũng có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đạt được trong quá trình hình thành và phát triển từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt.
Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên chuyên trách về ASEAN đã lắng nghe đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam chia sẻ về chiến lược truyền thông ASEAN, tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gắn kết và lấy người dân làm trung tâm…
5 kết quả đặc trưng và 3 bài học kinh nghiệm của ASEAN
Tiếp đó, Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương trình bày về tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành tựu và trọng tâm trong thời gian tới, định hướng hợp tác với ASEAN của Việt Nam. Theo khái quát của đại diện Bộ Công Thương, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được tuyên bố chính thức hình thành năm 2015, ASEAN tiếp tục Kế hoạch xây dựng Cộng đồng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng: Một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm và một ASEAN toàn cầu.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch xây dựng AEC 2025 trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) của ASEAN (công bố năm 2021), có 3 bài học chính của giai đoạn này gồm:
Một là, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong xây dựng AEC nhưng vẫn chưa đủ. ASEAN sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tập trung vào chất lượng và các biện pháp có tác động lớn, đảm bảo việc thực hiện các hiệp định quan trọng, giải quyết các vấn đề có tính chất xuyên suốt, tăng cường phối hợp liên ngành và liên Cộng đồng.
Hai là, giai đoạn hội nhập kinh tế ASEAN tiếp theo (2021-2025) đang diễn ra trong một bối cảnh khác. Thế giới đã thay đổi rất nhiều so với năm 2015 khi Kế hoạch xây dựng AEC 2025 được thông qua. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, khó dự đoán, ASEAN cần quan tâm hơn đến các xu thế mới như chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững và bao trùm.
Ba là, ASEAN cần tăng cường sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Để xây dựng thành công AEC, chính phủ các nước ASEAN cần tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan thông qua các chương trình truyền thông, cơ chế hợp tác và tham vấn hiệu quả.
Việt Nam cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98% (các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam).
Về ngoại khối, thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này. Trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN.
Đáng chú ý, ASEAN đã cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN – tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng) với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhiều lợi ích từ việc gia nhập ASEAN
Các chuyên gia cũng nhận định, việc tham gia vào cộng đồng ASEAN đem lại nhiều lợi ích của các nước trong khu vực. Không nằm ngoài phạm vi đó, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đã được tạo thuận lợi khi tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á. Đồng thời, tiếp cận thị trường các nước đối tác của ASEAN có trên 1 tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các thị trường phát triển "khó tính" như Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên gấp nhiều lần so với thời điểm ký kết các FTA tương ứng. Thực tế cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ hơn 3 tỷ USD lên gần 56 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng từ 664 triệu USD lên 21,9 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ mức 8,5 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD năm 2021,…
Nhiều lợi ích từ gia nhập ASEAN cũng được ghi nhận như: kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt; tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện); tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN khác, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng.
Chưa kể, việc tham gia vào cộng đồng chung của khu vực đã tạo động lực để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng minh bạch, qua đó giúp nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)…
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN
Mục tiêu đầu tiên của ASEAN trong thời gian tới là ổn định và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, giảm phụ thuộc và thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, củng cố các liên kết khu vực; trên tinh thần này, Cam-pu-chia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 - đã đưa ra chủ đề "ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức" với 19 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế cho Năm ASEAN 2022 trong nhiều lĩnh vực trọng tâm như nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN; tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học, công nghệ; tăng trưởng và phát triển ASEAN hội nhập.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch. Tiếp tục cùng các nước ASEAN khác ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi, nhất là trong thương mại và đầu tư tại khu vực.
Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và tham gia có trách nhiệm vào các sáng kiến chung tạo thuận lợi thương mại, dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN, củng cố các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất khu vực.
Theo nhìn nhận của các cơ quan quản lý nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động ASEAN, tiến trình 27 năm hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể khẳng định rằng việc gia nhập ASEAN là một quyết định sáng suốt, kịp thời, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, hợp tác một cách hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện thành công định hướng hợp tác với ASEAN trong thời gian tới.
Một số nội dung quan trọng đang được các nước ASEAN triển khai nhằm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 bao gồm: Đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA); đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ôt-xtrây-lia-Niu Di-lân; đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc; đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada; đàm phán Hiệp định Khung về Kinh tế số (DEFA); đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh; xây dựng Khung ASEAN về chứng nhận uy tín trong thương mại điện tử…