6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng

Hoàng Linh| 19/07/2022 06:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ TT&TT ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo những kết quả nổi bật của Ngành.

6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin một số kết quả nổi bật của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2021 (1.568.141 tỷ đồng). Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 137.276 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ 2021 (121.193 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách nhà nước toàn ngành là 60.883 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ 2021 (61.158 tỷ đồng).

Trong 6 tháng, ngành TT&TT đóng góp vào GDP là 461.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021 (398.827 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ TT&TT đã ban hành 36 chiến lược. Hiện nay, còn chiến lược lĩnh vực công nghiệp ICT, chiến lược game online.

6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tổng doanh thu và lợi nhuận của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm 2022

Lĩnh vực Bưu chính: doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 15%

Doanh thu dịch vụ bưu chính trong 6 tháng đầu năm ước đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2021 (23.500 tỷ đồng). Sản lượng bưu gửi trong 6 tháng đầu năm ước đạt 870 triệu bưu gửi, tăng 25% so với cùng kỳ 2021. Bộ TT&TT đã ban hành kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. CSDL địa chỉ số tính đến nay là 24 triệu địa chỉ. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện ứng dụng cập nhật và thông báo đến chủ địa chỉ.

Tính đến tháng 6/2022, kết quả thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (Số liệu tính từ khi bắt đầu thực hiện Kế hoạch theo quyết định 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ TT&TT từ tháng 8/2021): Tổng số lượng giao dịch trên sàn TMĐT (voso và Postmart) đạt 512.748 giao dịch; Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn TMĐT đạt 193,85 tỷ đồng. Tổng số tài khoản được đủ điều kiện giao dịch (active) trên sàn TMĐT đạt 4,4 triệu tài khoản. Số loại sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT đạt 146.000 loại sản phẩm.

Lĩnh vực viễn thông: đã phủ sóng được 1857/2212 thôn lõm sóng

Tính doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 đạt 71.063 tỷ đồng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021 (65.934 tỷ đồng); tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020 (66.510 tỷ đồng).

Tính đến 30/6/2022, các doanh nghiệp (DN) đã phủ sóng được 1857/2212 thôn lõm sóng, ưu tiên triển khai phủ sóng vùng lõm tại các khu vực vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Dự kiến hoàn thành phủ sóng toàn bộ số thôn còn lại (355 thôn) trước 30/7/2022.

Trong khi đó, sau 6 tháng triển khai, thuê bao di động sử dụng dịch Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại tăng 4 lần so với tháng 1/2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%; trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. 

Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng) đến cuối tháng 6/2022 là 1.720.827 tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Để dịch vụ Mobile Money phát triển hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Các DN tập trung phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán, tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi dịch vụ".

Về tỷ lệ thuê bao bang rộng di động (BRDĐ)/100 dân và băng rộng cố định (BRCĐ/100 dân), Thứ trưởng cho biết sau đại dịch, hết giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng thuê bao BRDĐ tăng mạnh đạt 19%/năm, xếp hạng thứ 69/144 quốc gia và thuê bao BRCĐ giữ tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 13%/năm, xếp hạng thứ 60/144 quốc gia.

Về chỉ tiêu thuê bao BRDĐ/100 dân, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 82 thuê bao/100 dân tăng 13 thuê bao/100 dân so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 16 thuê bao/100 dân so với cùng kỳ tháng 6/2020. Mục tiêu đến tháng 12/2022 đạt 85 thuê bao/100 dân.

Chỉ tiêu thuê bao BRCĐ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21 thuê bao/100 dân tăng 3 thuê bao/100 so với cùng kỳ năm 2021, tăng 6 thuê bao/100 dân so với cùng kỳ năm 2020. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2022 đạt 22 thuê bao/100 dân. Khả năng sẽ đạt mục tiêu năm 2022.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang 6 tháng đầu năm 2022, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Mục tiêu đạt 75% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang vào năm 2022 là khả thi.

Về xử lý SIM rác, từ tháng 9/2021 đến nay, 100% các SIM thuê bao được đăng ký mới của các cá nhân (tương ứng với hơn 8 triệu SIM) đều đã được các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone) xác thực qua video call. Từ tháng 6, tất cả các SIM thuê bao đang hoạt động của các DN viễn thông đã có đầy đủ thông tin, đáp ứng các tiêu chí mà Bộ TT&TT đã đề ra.

Tổng số thuê bao di động toàn mạng hiện nay đang được duy trì ở mức 124 triệu thuê bao (so với mức 127-129 triệu của giai đoạn 2018-2019). Trong thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy việc kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin thuê bao (TTTB) của DN với CSDL quốc gia về dân cư từ đó thực hiện việc đối soát, bảo đảm TTTB trùng khớp với thông tin trong CSDL dân cư từ đó triển khai các biện pháp nâng cao tính chính xác, chính chủ của SIM.

Về chuyển đổi IPv6 Việt Nam, hiện tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam đạt 50%, tăng 3% so với 2021 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 toàn cầu với hơn 50 triệu thuê bao BRCĐ, BRDĐ hoạt động tốt với IPv6. Khối cơ quan nhà nước có tiến triển tích cực khi 76/85 Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch IPv6 (tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7% so với hết năm 2021); 41/85 Bộ, ngành, địa phương  đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công (DVC) (tăng 141% so với cùng kỳ năm trước và tăng 86% so với hết năm 2021).

Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CNTT, CĐS): Một số DVCTT phát huy hiệu quả rõ rệt

Theo số liệu tổng hợp, tỷ lệ DVC trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương đã triển khai việc giao chỉ tiêu về DVCTT cho từng sở ngành, quận huyện, do đó các chỉ số về DVCTT gia tăng đáng kể. Một số DVCTT phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Về kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ CĐS, tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021, trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.

Lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT): khai trương nền tảng điều phối xử lý sự cố ATTT mạng quốc gia

Kết quả nổi bật trong 6 tháng của lĩnh vực là khai trương nền tảng điều phối xử lý sự cố ATTT mạng quốc gia tại Hội thảo và triển lãm quốc tế Việt Nam CyberSecurity Summit 2022. Nền tảng cho phép tất cả các cơ quan nhà nước, thành viên Mạng lưới Ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia và tổ chức, DN sử dụng để báo cáo, đề nghị hỗ trợ và phối hợp xử lý các sự cố tấn công mạng.

Trong lĩnh vực, tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu đạt 64,1%, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021; Tỷ lệ doanh thu dịch vụ/tổng doanh thu đạt 56,8%, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021.

Số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet trong 6 tháng đầu năm 2022 là 704.939 địa chỉ, giảm 34,7% so với cùng kỳ 2021. Số lượng cuộc tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2022 là 6.641, tăng 37,9%% so với cùng kỳ 2021. Số lỗ hổng bảo mật trong 6 tháng đầu năm là 12.273, tăng 28,6% so với cùng kỳ 2021. Số lượng website lừa đảo bị chặn trong 6 tháng đầu năm là 674 website, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2021.

Kinh tế số: tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (số liệu ước tính Quý II/2022) đạt 10,41%, tăng 0,81% so với thời điểm cuối năm 2021.

Số lượng DNNVV tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx trong 6 tháng năm 2022 đạt 318.064 DN, tăng 281.064 DN so với thời điểm cuối năm 2021. Số lượng DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx là 47.564, tăng 31.564 DN so với thời điểm cuối năm 2021. Số DN tham gia đánh giá mức độ CĐS trên cổng thông tin dbi.gov.vn là 129 DN.

Lĩnh vực công nghiệp ICT: tăng 3.422 DN công nghệ số

Doanh thu 6 tháng năm 2022 đạt 48% ước cả năm 2022. Đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp ICT đạt 26,72% với giá trị ước đạt 19,4 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2022, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam sẽ tăng lên 27% tương đương giá trị 41,4 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tăng 3.422 DN CNS so với năm 2021 (Ảnh minh hoạ: Nguồn: Báo Công thương)

Tính đến tháng 6/2022, tổng số DN công nghệ số (CNS) thành lập là 67.300 DN, tăng 3.422 so với năm 2021. Tỷ lệ trung bình DN CNS/1.000 dân trong cả nước đạt 0,69. TP. HCM là địa phương có tỷ lệ DNCNS/1.000 dân cao nhất, đạt 3,19. Cao Bằng là địa phương có tỷ lệ DN CNS/1.000 dân thấp nhất, đạt 0,07. Đã có 41/63 tỉnh/thành ban hành Kế hoạch phát triển DN CNS.

Báo chí truyền thông

Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, cơ quan báo chí in, báo chí điện tử là 815 cơ quan báo chí in và báo chí điện tử, trong đó có 138 báo và 677 tạp chí. Tổng số thẻ nhà báo toàn quốc là 18.977 (số thẻ cấp tại cơ quan báo in, báo điện tử là 11.600; Số thẻ cấp tại cơ quan báo nói, báo hình là 7.377).

Về phát thanh, truyền hình (PTTH), có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH, gồm 67 Đài PTTH trung ương và địa phương; 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Về thông tin cơ sở có 9.793 đài/10.599 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, đạt 92,39%; trong đó có 640 đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông (tăng 12 đài so với năm 2021), chiếm 6,53%.

Trong lĩnh vực, tỷ lệ đáp ứng chặn, gỡ thông tin xấu độc của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, Youtube, TikTok…) đạt 97%

Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền OTT TV trong nước 6 tháng đầu năm ước đạt 370 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021 (317 tỷ đồng). Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 2.610 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021 (1.859 tỷ đồng).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: "Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, ATTT mạng, công nghiệp CNS, DN CNS Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
6 tháng đầu năm 2022: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO