Diễn đàn có chủ đề "CĐS - động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022" của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Xây dựng hệ sinh thái CĐS trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX
Tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh CĐS là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Nếu không quyết liệt đổi mới gắn với CĐS đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng cho biết theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là đưa CĐS vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28.000 HTX, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%.
"CĐS sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị", Thủ tướng khẳng định.
8 nhóm giải pháp thúc đẩy CĐS khu vực kinh tế hợp tác
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, Ủy ban Quốc gia về CĐS, ban chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm và nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.; Xây dựng CSDL chuyên ngành về HTX, liên thông với các CSDL quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, KHCN; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...
Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững…
Ba là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KHCN, CĐS, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án CĐS để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện CĐS.
Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương... Lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển knh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy CĐS HTX và mô hình OCOP hiệu quả nhất.
Năm là, HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động SXKD, CĐS mạnh mẽ để tồn tại và phát triển….; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, CĐS phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình CĐS hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Sáu là, hệ thống liên minh HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; Bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền. Về thúc đẩy CĐS trong các HTX, liên minh HTX, các cấp phải vào cuộc sâu hơn, khảo sát và tư vấn phương án CĐS phù hợp cho các HTX; hướng dẫn các thủ tục để giúp các HTX tăng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bảy là, các cơ quan chức năng, Liên minh HTX và các địa phương cần quan tâm, đầu tư, làm tốt công tác truyền thông chính sách về khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Tám là, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển, trong đó có CĐS./.