Diễn đàn

AI biến đổi nhanh chóng, người dùng cần học tập và cập nhật liên tục để phát triển

Vân Khanh 08:48 23/10/2023

Thế giới không ngừng phát triển dẫn đến việc phát triển nguồn dữ liệu khổng lồ của nhân loại. Nếu coi dữ liệu số là tài nguyên đất mới thì trí tuệ nhân tạo (AI) là một cỗ máy khai thác hiện đại, tạo ra nhiều giá trị mới trong tương lai.

Ông Lê Công Thành, Chủ tịch Công ty công nghệ InfoRe Technology - công ty chuyên xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hồ dữ liệu (datalake) trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), đồng thời cho biết việc bảo mật dữ liệu an toàn là một trong những điều kiện cần có để phát triển kinh tế số tất cả các ngành hay các lĩnh vực khác nhau.

Dữ liệu và AI mang tính gợi mở giá trị tiềm năng cho nhà nước và các doanh nghiệp (DN). Đây có thể là một mô hình mới ở Việt Nam, nhưng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thực thi những chính sách chiến lược CĐS cho tổ chức, DN”, ông Thành nhấn mạnh.

ho-du-lieu-1.png

Hồ dữ liệu - nền tảng cho xã hội số

Khi nói đến dữ liệu, các nước trên thế giới đã triển khai mô hình này từ khá lâu nhưng với Việt Nam, đây vẫn là một mô hình mới mẻ. Theo ông Lê Công Thành, có thể coi dữ liệu như một nguồn nguyên liệu để vận hành bộ máy hiện đại chính là AI. AI sử dụng chính những dữ liệu đó để tạo ra hàng loạt thông tin hỗ trợ cho con người.

Một hồ dữ liệu xử lý tốt sẽ tạo ra thông tin, dựa trên 3 yếu tố cơ bản nhất là hình ảnh, giọng nói và văn bản. Một điều khi nhắc đến dữ liệu, đó là dữ liệu không sinh ra liên tục từ DN hay nhà nước, mà dữ liệu sinh ra hoàn toàn từ các cá thể trong xã hội. Lợi ích của dữ liệu được kể đến là rất lớn, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu trong năm nay 80% dân số trên cả nước sẽ sử dụng smartphone. “Mục đích chính của việc này để người dân dễ dàng tạo ra dữ liệu cá nhân trên điện thoại di động”, ông Thành cho hay.

Theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023), Chính phủ quy định rất rõ về quyền của các chủ thể dữ liệu. Về các nền tảng (platform) phần mềm bây giờ cũng sẽ phải trả dữ liệu cho người dùng. Tuy nhiên, hiện nay người dùng chưa có hệ thống để lưu trữ và xử lý các loại dữ liệu của mình. Thậm chí những phần mềm như Facebook dưới áp lực của châu Âu đã có tính năng tải về (download) thông tin từ lâu. Hệ thống xử lý dữ liệu cá nhân sẽ là nguồn giúp cho cá nhân người dùng sử dụng dữ liệu trên điện thoại cá nhân dễ dàng hơn nhiều.

Trợ lý cá nhân bằng AI, hai mặt khác nhau của dữ liệu

Theo ông Lê Công Thành: “AI gần đây đã có những bước tiến rất vượt bậc như robot nói chuyện tự động, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI y tế cho bác sĩ; trợ lý AI tra cứu cho bộ, ngành; trợ lý AI chăm sóc khách hàng, hỗ trợ người dân tra cứu dịch vụ công; trợ lý AI hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định (triển khai trong nhiều Trung tâm giám sát điều hành thông minh - IoC các tỉnh, thành)… Hầu như trong tất cả các ngành nghề đều có trợ lý cá nhân AI. Việc này hỗ trợ rất nhiều trong việc thúc đẩy CĐS cho các ngành nghề trong tương lai. Nhưng vấn đề quan trọng cần quan tâm song hành là làm sao để bảo mật dữ liệu một cách an toàn mà vẫn có thể chia sẻ được”.

Dữ liệu cũng có hai mặt, gọi là dữ liệu mở và dữ liệu đóng: dữ liệu mở là dạng dữ liệu được công khai để tạo ra những khối dữ liệu lớn hơn. Dữ liệu đóng là những dữ liệu mang tính cá nhân của một cá thể, một DN hoặc một tập thể không thể chia sẻ rộng rãi. Đối với loại dữ liệu đóng chúng ta cần chú trọng đến việc bảo mật chặt chẽ.

Ông Lê Công Thành cho rằng: “Việc chia sẻ bài toán bảo mật thông tin sẽ giúp các DN hay tổ chức dễ dàng bảo vệ dữ liệu. Một khi bài toán bảo mật thông tin được giải quyết, có thể liên thông dữ liệu ở các tầng khác nhau. Đối với DN, có thể chia sẻ vào hộp dữ liệu của DN, liên thông tập đoàn ở mức cao hơn”.

Hiện nay, cũng theo nhận định của ông Lê Công Thành, “Dữ liệu và AI đang được coi là tài nguyên (nguyên liệu) và cỗ máy hiện đại, AI sẽ giúp một quốc gia giải quyết các bài toán ngành nghề với nhiều cách mới và hiệu quả. Không chỉ vậy, nếu sử dụng AI đúng cách, có thể thúc đẩy kinh tế của đa dạng ngành nghề, lĩnh vực với kiến trúc tương đồng. Tương lai, tất cả các lĩnh vực đều sẽ thực hiện CĐS, các bộ ban ngành cần tận dụng sức mạnh của AI tạo sinh hiện đại để triển khai các mô hình đổi mới trong lĩnh vực mình.

Với sự biến đổi nhanh chóng của AI, ông Lê Công Thành khuyến nghị: “Người dùng cần học, cập nhật và tiến bộ liên tục. Có thể sử dụng AI để phá tan rào cản ngôn ngữ, kinh doanh trên thị trường nước ngoài. Một trong số những mục tiêu cần phải làm để xây dựng kinh tế số vững chắc là xây dựng xã hội số”./.

Bài liên quan
  • AI, robot đã và đang thay thế các công nhân, nhà báo, lập trình viên
    Trước bối cảnh doanh nghiệp (DN) tuyển dụng ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn ở ứng viên, theo các chuyên gia, người lao động (NLĐ) cần chủ động nâng cấp bản thân, học thêm những kỹ năng mới thay vì chờ đợi sẽ bị trí tuệ nhân tạo (AI), robot.. thay thế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI biến đổi nhanh chóng, người dùng cần học tập và cập nhật liên tục để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO