Theo BrokerChooser, một nền tảng tìm kiếm và so sánh các nhà môi giới, Ấn Độ có 100,7 triệu chủ sở hữu tiền điện tử - cao nhất trên thế giới. Quốc gia này cũng đứng thứ năm về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử theo tỷ lệ phần trăm dân số, với 7,30% công dân sở hữu.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: “Việc giới thiệu tiền tệ số của ngân hàng trung ương sẽ tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho nền kinh tế số. Nó cũng sẽ giúp tạo ra một hệ thống quản lý tiền tệ hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn”.
Bên cạnh đó, việc ra mắt đồng rupee số cũng sẽ tạo ra sự thích thú đối với tiền điện tử, blockchain và vô số các đổi mới và cơ hội việc làm mà những công nghệ này có khả năng mang lại. Đặc biệt, đồng rupee số có thể giúp người Ấn Độ quen thuộc với những lợi ích và hiệu quả của tiền ảo.
Piyush Gupta, Giám đốc điều hành giao thức cho vay blockchain Polytrade cho biết: "Sự phát triển này sẽ giúp cho tiền tệ kỹ thuật số dễ tiếp cận hơn với mọi người cũng như UPI (giao diện thanh toán thống nhất), làm cho tiền mặt kỹ thuật số dễ sử dụng hơn".
Tháng 11/2021, chính phủ Ấn Độ cho biết RBI đang triển khai chiến lược giới thiệu một loại tiền tệ số của ngân hàng trung ương (CBDC) theo từng giai đoạn, chiến lược này có thể làm giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào tiền mặt.
Kế hoạch phát hành phiên bản kỹ thuật số của đồng rupee được đưa ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang xúc tiến các kế hoạch tương tự.
Nhận định về xu hướng này, Chetan Ahya, Nhà kinh tế trưởng châu Á tại Morgan Stanley cho biết, các nỗ lực giới thiệu CBDC đang được các quốc gia đẩy mạnh phát triển, với 86% ngân hàng trung ương thế giới đang khám phá các loại tiền số của riêng họ.
Trung Quốc cũng đang trong quá trình phát triển một phiên bản số của đồng nhân dân tệ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý từ năm 2014 và là quốc gia có bước tiến triển nhất trong quá trình ra mắt CBDC trên toàn cầu.
Theo Tech in Asia, các chuyên gia nhận định những nhà cung cấp ứng dụng và thanh toán có thể sẽ bắt đầu chuẩn bị cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền tệ không giấy tờ của Ấn Độ, như đã thấy ở Trung Quốc, nơi các ứng dụng thanh toán số lớn hỗ trợ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Chia sẻ với Tech in Asia, Harish Prasad, người đứng đầu bộ phận ngân hàng Ấn Độ tại FIS cho biết: "Có thể sẽ có một mô hình tương tự như của Trung Quốc được triển khai ở Ấn Độ để hỗ trợ việc áp dụng và sử dụng đồng rupee số".
Trong nỗ lực thúc đẩy triển khai tiền rupee số, Ấn Độ cũng có lập trường cứng rắn hơn đối với tiền điện tử như bitcoin và sẽ đưa ra các quy định cho lĩnh vực này.
Theo đó, Ấn Độ sẽ đánh thuế đến 30% đối với các nguồn thu nhập từ giao dịch tiền mã hóa và các tài sản số khác chẳng hạn như các token không thể thay thế (NTF -Non fungible token).
Đây có thể được coi là một bước nhằm tiến tới việc hợp pháp hóa tiền điện tử và NFT ở Ấn Độ. Chính phủ nước này cũng sẽ đánh thuế việc nhận tài sản kỹ thuật số làm quà tặng và việc di chuyển của chúng từ ví này sang ví khác.
"Chúng tôi hy vọng rằng sự phát triển này sẽ loại bỏ mọi sự mơ hồ đối với các ngân hàng và họ có thể cung cấp các dịch vụ tài chính cho ngành công nghiệp tiền điện tử", Nischal Shetty, Người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử WazirX chia sẻ với Tech in Asia.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được đặt ra đó là những rủi ro của các nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số có nguy cơ mất tiền do các cuộc tấn công và các hoạt động liên quan đến tội phạm mạng khác, điều này đặt ra việc cần phải làm rõ về cách chính phủ sẽ giúp giải quyết những tổn thất đó như thế nào.
"Chúng tôi sẽ làm việc với chính phủ để giúp đưa việc đánh thuế tài sản tiền số ngang bằng với các loại tài sản khác và tham gia vào tầm nhìn của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia", Ashish Singhal, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền điện tử CoinSwitch khẳng định./.