Chất lượng có như quảng cáo?
Nhập cụm từ "thực phẩm online" trên trang Google, chỉ trong 0,42 giây đã cho 157 triệu kết quả là các website, mạng xã hội (MXH) rao bán thực phẩm trực tuyến. Còn nếu tỷ mỉ hơn, gõ "thực phẩm sạch' cũng có tới 94 triệu kết quả trong vòng 72 giây. "Rảo" một vòng "chợ" thực phẩm online, dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào: từ chưa chế biến đến chế biến sẵn, giá từ bình dân đến cao cấp, các món đặc sản ở mọi miền đất nước... Và tất nhiên, điểm bán nào cũng giới thiệu hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon, kèm lời bảo đảm chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Rất nhiều các mẹ "bỉm sữa" đã và đang là thành viên của các hội như "Sống sạch", "Chợ nông sản thực phẩm sạch Hà Nội", hay "Chợ đồ ăn online siêu rẻ"…
Tuy nhiên, thực tế ai cũng nhận thấy phần lớn thực phẩm rao bán không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng tận nơi. Thỉnh thoảng những trang này cũng nhận một số ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.
Kinh doanh thực phẩm online càng trở nên phổ biến hơn khi cả thế giới đang phải đối mặt với sự phức tạp của đại dịch COVID-19. Danh sách cửa hàng cung cấp từ thực phẩm tươi sống đến đồ đã sơ chế, thực phẩm chín ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Người tiêu dùng dù tỏ ý e dè trước chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng lại khá dễ dãi khi chọn lựa thực phẩm trên "chợ mạng". Đa phần lựa chọn các shop thực phẩm online theo cảm tính.
Chị Hoàng Thị Phượng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba cho biết: "Chúng tôi làm trong ngành Y tế, phải trực luân phiên để bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; công việc bận rộn nên thường phải mua bán thực phẩm online. Với hình thức mua bán này thì rất khó kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, tôi thường mua thực phẩm online của những người thân quen".
Về thực trạng kinh doanh thực phẩm online hiện nay, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...
Phản ứng từ cơ quan chức năng
Theo thông tin từ Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương, hiện nay các cá nhân kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, phần lớn mặt hàng rao trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ... Do đó, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện. Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Khi mua hàng cần tìm hiểu thật kỹ, xem xét cửa hàng đó có uy tín hay không. Thậm chí có thể đặt hàng ít một để kiểm tra chất lượng chứ không nên ngay lập tức đặt hàng với số lượng lớn. Khi lựa chọn thực phẩm online, người tiêu dùng nên học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm; nên chọn các sản phẩm được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích...
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, thời gian tới Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc quản lý hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng... Ông cho biết: "Chúng tôi yêu cầu các cửa hàng kinh doanh online phải công khai giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm... để khách hàng được biết. Các cửa hàng kinh doanh online hay kinh doanh bình thường đều phải được kiểm tra, thẩm định, đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mới được kinh doanh; cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Vào lúc dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh online ngoài việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến thì cần bảo đảm người đi giao hàng có các trang thiết bị bảo hộ an toàn, đeo khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách ít nhất hai mét khi tiếp xúc với khách hàng"
Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình
Thực tế hiện nay cho thấy bên cạnh một số các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm online có nhãn mác, có thương hiệu, có uy tín và đặc biệt chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng, vẫn còn không ít cá nhân kinh doanh trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội chưa có giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng
Theo Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" mà không biết kêu ai.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng nên chú ý vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu vận chuyển. Thực tế cho thấy trong các thành phố lớn, hình thức giao hàng chủ yếu bằng vận chuyển xe máy, không đảm bảo được môi trường nhiệt độ cho thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, để tránh ngộ độc thực phẩm, đối với người tiêu dùng mua hàng online, ông Tụ đưa ra khuyến cáo: Người mua hàng thực phẩm qua hình thức online cần nắm rõ được điều kiện bảo quản thực phẩm (có ghi trên bao bì sản phẩm). Nếu nhà sản xuất quy định điều kiện bảo quản phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng hóa thì mới nên mua hàng theo hình thức này.