Cổng thông tin giúp DN ASEAN mở rộng thị trường
Ngày 16/6 vừa qua, Ủy ban Điều phối ASEAN về DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME) đã chính thức ra mắt ASEAN Access, một cổng thông tin một cửa cho các DN trong khu vực muốn mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường trong ASEAN và hơn thế nữa.
Với khẩu hiệu "Cổng thông tin DN đến ASEAN và xa hơn", ASEAN Access được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực quốc tế hóa giữa các MSME. Cổng thông tin một cửa này cung cấp miễn phí thông tin liên quan đến thương mại và cơ hội thị trường cho các DN ASEAN từ cả nhà cung cấp và khách hàng, để các DN đưa ra các quyết định sáng suốt trước khi gia nhập một thị trường ASEAN cụ thể.
Để giúp giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào một thị trường mới, cổng thông tin được thiết kế để kết nối các DN với các nhà cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực phân phối, vận chuyển và hậu cần, nghiên cứu thị trường và tư vấn về sở hữu trí tuệ, luật và quy định, v.v... Người dùng đã đăng ký có thể tải xuống hồ sơ quốc gia, bản tóm tắt ngành, ngoài thông tin chi tiết về các quy định của ASEAN đối với hàng hóa và dịch vụ để giúp họ đưa các quyết định gia nhập thị trường.
Nhóm xây dựng ASEAN Access, bao gồm khu vực công và tư nhân, sẽ tập hợp các nguồn lực nhằm vận hành và cung cấp các dịch vụ cho cổng thông tin này, trong đó có dịch vụ kết nối kinh doanh dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Phó Tổng thư ký ASEAN Satvinder kêu gọi các cơ quan đầu mối quốc gia tích cực đóng vai trò trong việc thúc đẩy, đóng góp nội dung và huy động các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng, qua đó cho phép cổng thông tin này phục vụ cộng đồng DN khu vực.
ASEAN Access là một sáng kiến hàng đầu của ACCMSME, do OSMEP và Thái Lan dẫn đầu và được hỗ trợ của Chính phủ Đức cũng như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Việc xây dựng cổng thông tin này nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động Chiến lược ASEAN về phát triển các DN nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu tạo ra các MSME có sức cạnh tranh toàn cầu.
MSME là "trụ cột" của các nền kinh tế ASEAN
MSME chiếm khoảng 99% tổng số DN và 80% lực lượng lao động tại ASEAN, và trở thành xương sống của nền kinh tế tại hầu hết các quốc gia thành viên.
Thương mại nội khối ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thương mại của ASEAN, đạt 22,5% tổng hàng hóa vào năm 2019, cho thấy mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia thành viên ASEAN rất cao. ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Liên minh châu Âu bên ngoài châu Âu (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) vào năm 2020.
Tuy nhiên, các MSME trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ quá trình toàn cầu hóa và các tiến bộ công nghệ. Nhiều MSME gặp hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin về thị trường khu vực và quốc tế cũng như bí quyết kỹ thuật để mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Hơn nữa, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các DN trong khu vực càng bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh. Những vấn đề này đã ngăn cản các MSME tận dụng các cơ hội trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), kết quả là khối lượng xuất khẩu và doanh thu trung bình do các MSME trong khu vực tạo ra chiếm từ 10 - 30% tại mỗi quốc gia.
Trao quyền cho các MSME
Các nước ASEAN có mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau và việc xây dựng hệ sinh thái MSME trong khu vực đòi hỏi phải liên tục tái tạo.
Để tăng cường tinh thần kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực, các quốc gia thành viên ASEAN đang phát triển một gói chính sách nhằm thúc đẩy chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức, tăng cường hệ thống thuế và các quy định lao động, cũng như nâng cao trình độ lao động. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 68% dân số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương 1,3 tỷ người.
Indonesia có lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức lớn nhất ở ASEAN, chiếm 60% tổng lực lượng lao động với hơn 64 triệu người. Do đó, sự hội nhập tốt hơn của khu vực kinh tế phi chính thức với nền kinh tế chính thức là cần thiết để tạo ra thị trường lao động năng động hơn và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương.
Một trong số các sáng kiến do ACCMSME đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này là Học viện SME ASEAN, nơi cung cấp các công cụ học tập trực tuyến do các công ty trong danh sách Fortune 500 phát triển nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các DN nhỏ và vừa với các sản phẩm tài chính, công nghệ mới cũng như các dịch vụ tư vấn.
Ngoài ra, trong năm 2020, ACCMSME đã phối hợp với Quỹ châu Á ra sáng kiến "Go Digital ASEAN" (ASEAN kỹ thuật số), với khoản tài trợ 3,3 triệu USD từ Google.org. Sáng kiến Go Digital ASEAN tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách số trên toàn ASEAN, hỗ trợ cho tầm nhìn được đưa ra trong Chương trình hành động của ACCMSME về số hóa MSME thông qua việc xây dựng năng lực.
Cụ thể, sáng kiến sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ năng số và nhận thức về an toàn trực tuyến, mở rộng sự tham gia vào nền kinh tế số cho các MSME. Thông qua sáng kiến này, những người tham gia sẽ học cách sử dụng Internet và các công cụ kỹ thuật số có liên quan để phát triển DN của họ và giảm nguy cơ bị tấn công từ các mối đe dọa trên mạng.
Một sáng kiến khác là Học viện Thương mại SME của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), là một cơ quan phát triển chuyên hỗ trợ việc quốc tế hóa các MSME./.