Chuyển đổi số

Ba dự án ứng dụng AI giúp nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Tuấn Trần 13:24 08/08/2024

Ngành đại học Úc và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã được Chính phủ Úc tài trợ 1,45 triệu đô la Úc thông qua chương trình Aus4Innovation để phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ hoạt động nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Được Cơ quan khoa học quốc gia của Úc (CSIRO) quản lý, chương trình Aus4Innovation đã công bố tài trợ cho 3 dự án giải quyết những vấn đề phức tạp của nền nông nghiệp hiện đại thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ cao.

grants-are-awarded-on-a-competitive-basis-to-existing-partnerships-between-australian-and-vietnamese.jpg
Aus4Innovation công bố tài trợ cho ba dự án giải quyết những vấn đề phức tạp của nền nông nghiệp hiện đại thông qua sử dụng các giải pháp công nghệ cao.

Tác động của các dự án này giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, bao gồm cả việc phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, giải quyết các nỗ lực thích ứng, và giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu.

TS. Kim Wimbush, của CSIRO tại Việt Nam và Giám đốc Chương trình Aus4Innovation, cho biết, các dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện nông nghiệp carbon (các phương pháp nông nghiệp nhằm mục đích lưu trữ carbon trong đất, rễ cây trồng, gỗ và lá); công nghệ không gian địa lý để cung cấp dữ liệu cây trồng theo thời gian thực; khả năng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận kỹ thuật số để cho phép canh tác bền vững hơn.

TS. Wimbush cho biết: "Việc thúc đẩy các giải pháp công nghệ cho nông dân địa phương tại Việt Nam thông qua việc hợp tác với nông dân, ngành công nghiệp và viện nghiên cứu sẽ xây dựng năng lực và kỹ năng bền vững, giúp định hình lại các hoạt động nông nghiệp của Việt Nam".

Những dự án này không chỉ tác động đến từng hộ nông dân nhỏ lẻ mà còn định hình lại ngành thông qua việc áp dụng các giải pháp này rộng rãi hơn.

“Việc hợp tác giữa Đại học (ĐH) Griffith và ĐH Nam Queensland với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có nghĩa là các trường ĐH có thể thử nghiệm sản phẩm ở quy mô lớn và tốc độ cao tại một thị trường độc đáo như Việt Nam, và đưa các kỹ thuật triển khai thành công trở lại cho ngành nông nghiệp Úc",
theo TS. Kim Wimbush.

Dự án Cải thiện việc theo dõi mùa màng và khả năng tiếp cận thông tin của người nông dân sản xuất nhỏ, và những người ra quyết định của chính phủ Việt Nam là sự hợp tác giữa ĐH Nam Queensland và Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam, sẽ khai thác các công nghệ không gian địa lý để cung cấp thông tin quan trọng về mùa màng, nhằm mục đích thúc đẩy việc tăng năng suất.

GS. Robbie Girling, Giám đốc Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp Bền vững của ĐH Nam Queensland, cho biết: Dự án này sẽ có tác động thực tế đáng kể tại Việt Nam bằng cách cải thiện hình ảnh và thông tin giám sát cây trồng, từ đó giúp nông dân và những người ra quyết định khác đưa ra những quyết định sáng suốt để cải thiện năng suất cây trồng và thu nhập hộ gia đình.

Tiếp theo là dự án Nông nghiệp carbon chủ động với AI và bản sao số để phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa. ĐH Griffith và ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển một nền tảng dựa trên AI để định lượng tốt hơn lượng khí thải nhà kính và tăng cường canh tác carbon, cuối cùng góp phần vào các hoạt động nông nghiệp bền vững và cơ hội doanh thu thông qua tín chỉ carbon.

Dự án này do PGS. Henry Nguyễn từ ĐH Griffith chủ trì cho biết: "Dự án này sẽ thúc đẩy nông nghiệp bền vững và mang lại lợi ích kinh tế thông qua tín chỉ carbon, hướng tới tầm nhìn phát thải ròng bằng 0"

Cuối cùng là dự án Trao quyền cho nông dân sản xuất nhỏ thông qua chứng nhận và khả năng truy xuất nguồn gốc dựa trên AI để hướng tới nền nông nghiệp bền vững - ĐH Griffith hợp tác với Uỷ bản Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Quốc gia Việt Nam nhằm nâng cao tiêu chuẩn trong nông nghiệp thông qua hệ thống AI và số hóa đảm bảo hiệu quả cho việc giám sát trang trại, và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả.

TS. Nguyễn Thanh Tâm từ ĐH Griffith là người dẫn đầu dự án cho biết: "Bằng cách hợp tác với Uỷ ban Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Quốc gia Việt Nam, chúng tôi mong muốn trao quyền cho những người nông dân sản xuất nhỏ với chứng nhận và khả năng truy xuất nguồn gốc do AI thúc đẩy. Dự án này sẽ cải thiện đáng kể các hoạt động canh tác bền vững và cải thiện tính minh bạch trong toàn ngành nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy phát triển nông nghiệp rộng rãi hơn".

Aus4Innovation là chương trình trọng điểm kéo dài 10 năm (2018 - 2028) với tổng kinh phí 33,5 triệu đô la Úc nhằm mục đích tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.

Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), đồng tài trợ và quản lý bởi CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia của Úc, và được thực hiện thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam./.

Bài liên quan
  • Những nỗ lực chuyển đổi số trong nông nghiệp của Ấn Độ
    Các sáng kiến chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp Ấn Độ đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, bao gồm tăng năng suất, thu nhập và hiệu quả, thúc đẩy tính bền vững trong nông nghiệp bằng cách giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, giúp nông dân tiếp cận với tài chính và các công nghệ mới.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ba dự án ứng dụng AI giúp nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO