Bắc Giang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19

Đỗ Thêu| 19/08/2021 08:50
Theo dõi ICTVietnam trên

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND, về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện các được mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS, Kế hoạch đặt ra 7 nhóm giải pháp chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS; phát triển chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM); phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; CĐS trong các lĩnh vực ưu tiên.

Kế hoạch "thông minh hóa" các lĩnh vực trọng điểm

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang cho biết để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN) về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS, Sở TT&TT Bắc Giang đã tổ chức các Hội nghị, phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành CĐS thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản, thông tin.

Bắc Giang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng (Việt Yên) số hóa toàn bộ quá trình sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cao.

Lãnh đạo Sở TT&TT Bắc Giang cho biết tỉnh đã có các chiến lược chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, phục vụ tiến trình CĐS quốc gia. Ngoài ra, chiến lược CĐS cũng sẽ đảm bảo hạ tầng kết nối xây dựng ĐTTM, thiết lập các trung tâm dữ liệu phân tán và tập trung phục vụ lưu trữ dữ liệu cho các thiết bị Internet vạn vật (IoT) và phục vụ các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số.

Sắp tới đây, Sở TT&TT sẽ trình UBND tỉnh ban hành Quy định về chuẩn tích hợp và trao đổi dữ liệu trong sử dụng hệ thống nền tảng tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP). Nền tảng LGSP được xây dựng từ năm 2020, dự kiến sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng chính thức để phục vụ việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), CĐS của tỉnh. 

Hiện nay, nền tảng LGSP) đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) của Bộ TT&TT theo lộ trình của Chính phủ quy định, bảo đảm tuân thủ Kiến trúc CQĐT tỉnh Bắc Giang, phiên bản 2.0. Sở TT&TT đang thống nhất quy trình nghiệp vụ đối với các hệ thống phần mềm dùng chung để tích hợp, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và kết nối liên thông với hệ thống thông tin của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương.

Đến năm 2025, hạ tầng số Bắc Giang sẽ đảm bảo dữ liệu sử dụng bình quân thuê bao băng rộng di động là 14GB/tháng/thuê bao và 2030 là 27GB/tháng/thuê bao. Bảo đảm bán kính phục vụ có một trạm truy nhập thông tin di động (bao gồm cả small cell 5G) tối thiểu đạt 0,22km.

"Tỷ lệ thiết bị IoT/100 dân đạt từ 75 - 100 thiết bị/100 dân vào năm 2025 và đạt từ 150 - 200 thiết bị/100 dân năm 2030, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh và môi trường thông minh để xây dựng hạ tầng ĐTTM", theo lãnh đạo Sở TT&TT.

Đến năm 2025, Bắc Giang phát triển hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến 100% thôn, tỷ lệ mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang đạt trên 80%. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Đến năm 2030, đạt 100% hộ gia đình có một đường Internet cáp quang.

Bắc Giang đặt mục tiêu mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% khu dân cư trong năm 2025. Đến 2030, ưu tiên triển khai các công nghệ thông tin di động thế hệ 5G. Điện thoại thông minh sẽ được phổ cập đến người dân trong năm 2025. Bắc Giang cũng sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng số và thực hiện chuyển đổi IPv6 trên 100% thiết bị viễn thông vào năm 2025, thiết bị truy nhập có kết nối Internet của toàn bộ hệ thống thông tin kết nối Internet băng rộng của các các Sở, Ban, Ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố phục vụ phát triển chính phủ số.

Ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội và an toàn sức khỏe nhân dân, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường ứng dụng CNTT trong phòng và chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời phát triển kinh tế, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chống dịch bệnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp nhận Hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo thời gian thực, ngày 15/5/2021 vừa qua, Sở TT&TT đã tổ chức Hội nghị làm việc để triển khai Hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid -19 theo thời gian thực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, tỉnh đã tiến hành triển khai hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo thời gian thực của Công ty CP công nghệ ATALINK, phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của Công ty CP Sao Mai. Sở TT&TT đã chuẩn bị hạ tầng máy chủ, đường truyền, tạo lập đường link đến hệ thống trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thực hiện tiếp nhận quản trị, vận hành và phối hợp cập nhật dữ liệu lên hệ thống.

Sở Y tế Bắc Giang đã cung cấp số liệu và chủ trì cập nhật dữ liệu dịch tễ trên Hệ thống và cung cấp, tiếp nhận các thông tin qua đường dây nóng về tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Bắc Giang cũng xây dựng phần mềm Quản lý và truy vết Covid-19 cho DN trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian thử nghiệm tại 05 DN với tổng số 7.200 công nhân (UBND huyện Lạng Giang: Công ty CP Casablanca - Nhà máy Tân Thịnh, Công ty LGG Lạng Giang; UBND huyện Hiệp Hòa: Công ty CP thời trang Hà Thanh, Công ty TNHH MTV Việt Pan Pacific World; Ban Quản lý các khu công nghiệp: Công ty TNHH Fuhong Precision Component); ngày 14/6/2021, phần mềm chính thức triển khai cho tất cả các DN trên địa bàn tỉnh, coi đây là điều kiện bắt buộc đối với các DN để được sản xuất trở lại.

Ngoài những ứng dụng và phần mềm đã triển khai, Bắc Giang đang xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phiếu xét nghiệm, phục vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang (CDC) và báo cáo UBND tỉnh; phần mềm In phiếu kết quả xết nghiệm phục vụ CDC. Tỉnh cũng xây dựng ứng dụng website để tập trung quản lý các phiếu xét nghiệm từ tuyến huyện lên CDC, chia sẻ phối hợp giữa CDC và các cơ sở xét nghiệm. Phần mềm quản lý dữ liệu công nhân được Bắc Giang nghiên cứu và phát triển nhằm phục vụ công tác quản lý công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các DN bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn tỉnh; thực hiện tăng cường ứng dụng CNTTn, tổ chức các hội nghị trực tuyến trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở TT&TT Bắc Giang đã phối hợp với Viettel Bắc Giang tiến hành khảo sát, triển khai lắp đặt hệ thống camera cho 130 khu cách ly với 1.330 chiếc camera; thực hiện kết nối với hệ thống giám sát tập trung, giúp cho Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, Bộ Chỉ  huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện, thành phố theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động của các khu vực cách ly tập trung.

Bắc Giang cũng tích cực tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, như: ứng dụng Bluezone, Ứng dụng khai báo y tế toàn dân - Ncovi; tỉnh Bắc Giang đưa vào hoạt động các ứng dụng công nghệ như: Vietnamhealth, Bản đồ dịch tễ, Hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid -19 tỉnh Bắc Giang, 6 phần mềm khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến…); tuyên truyền nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong việc tham gia, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh; các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Chiến thắng dịch bệnh với "mục tiêu kép"

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, dịch Covid-19 đã được ngăn chặn và kiểm soát kịp thời. 

Cùng với cả nước, Bắc Giang đã thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đạt được kết khá toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, đạt 13,02%. Các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. Sản xuất công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp ổn định, các sản phẩm nông sản được mùa, tiêu thụ tốt. Đặc biệt, lần đầu tiên Vải thiều của tỉnh xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, bưởi Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Bắc Giang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Lần đầu tiên Vải thiều của tỉnh xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.

Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát trở lại; trong đó, Bắc Giang là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp. Tỉnh đã nhanh chóng khống chế được dịch Covid-19, làm chủ được tình hình, không để dịch bệnh lây lan. Nhiều nhiệm vụ khó đã được hoàn thành, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên xây dựng xong quy hoạch tỉnh gửi Hội đồng Trung ương thẩm định; tích cực, chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng 03 khu công nghiệp (KCN) hiện có và thành lập mới 03 KCN với tổng diện tích trên 1.100 ha; mở ra triển vọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 được an toàn, hiệu quả, đồng thời vẫn duy trì các công việc cần thiết hàng ngày, Bắc Giang đã tiến hành tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến thủ tục đất đai và tạo lập tài khoản công dân. Sở TT&TT đã phối hợp với đầu mối Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục thuế Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế Bắc Giang triển khai kết nối kỹ thuật, tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân.

Việc kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và phần mềm của Tổng Cục thuế về thực hiện nghĩa vụ tài chính trực tuyến lĩnh vực đất đai đã hoàn thành.

Về kế hoạch CĐS, Bắc Giang sẽ thực hiện trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trọng tâm là triển khai các nền tảng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong năm 2021, tỉnh đặt  mục tiêu đạt 100% dịch vụ hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên môi trường mạng và các thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và tại cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO