Bắc Giang: Tăng cường truyền thông góp phần phát triển du lịch

Linh Đồng| 24/10/2022 21:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Hình thành, phát triển du lịch cộng đồng

Phát triển du một cách bền vững gắn bảo tồn phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 112-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Bắc Giang vốn thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa có truyền thống ngàn năm văn hiến. Từ khi thành lập tỉnh (ngày 10/10/1895) đến nay, Bắc Giang đã trải qua 127 năm trưởng thành và phát triển. Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; 

Du lịch cũng được phát triển một cách bền vững gắn bảo tồn phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Đặc biệt, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh vùng trung du miền núi có địa hình đa dạng, có vùng cây ăn quả rộng lớn và di sản văn hóa UNESCO công nhận.

Vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thích ứng, linh hoạt để trở thành là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội dẫn đầu trên cả nước. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022, từ đó Bắc Giang mở ra cơ hội, lợi thế lớn trong việc phát huy lợi thế sẵn có và thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Hiện nay, 8 khu công nghiệp cơ bản được phủ kín, và quy hoạch mới nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh trong tương lại 28 khu, có khoảng trên 230.000 công nhân đang hoạt động, đặc biệt có các chuyên gia từ nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Bắc Giang - nơi được lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, với trên 2.300 di tích, trong đó có 746 di tích đã được xếp hạng, nổi bật là: Thành cổ Xương Giang; khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm - nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012; đình, chùa Thổ Hà, Điểm du lịch Chùa Bổ Đà và các lễ hội truyền thống.

Bắc Giang: Tăng cường truyền thông góp phần phát triển du lịch - Ảnh 1.

Lễ hội Vật Cầu nước- tại đền thờ Thánh Tam Giang, ở thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên.

Cùng với đó, Bắc Giang là vùng đất địa hình có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng; cao nguyên Đồng Cao; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền, vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn… hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các vùng, tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển mạnh và kết nối với cửu khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sân bay quốc tế Nội Bài,…; kết hợp với các làng nghề truyền thống của tỉnh như Bánh đa Kế, Mỳ Chũ, Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân, Sâm nam núi Dành, Gốm làng Ngòi, và hệ thống các sân Golf đạt chuẩn. Đây là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, thế mạnh này chưa được khai thác thực sự hiệu quả; chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn; hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh vào mùa lễ hội với số ngày lưu trú ngắn và hạn chế trong các dịch vụ sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022 - 2030.

Mục đích của Đề án nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, kết nối vùng miền và kiến tạo những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách và tạo việc làm cho người dân… Theo Đề án, đến năm 2030, toàn tỉnh xây dựng khoảng 30 điểm du lịch cộng đồng. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó, khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030, các điểm du lịch cộng đồng có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10.000 khách quốc tế.

Tăng cường tuyên truyền phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

Triển khai nhiệm vụ được giao về công tác tuyên truyền phát triển du lịch theo Kế hoạch số 633/KH-BCĐ ngày 19/02/2022 của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Giang đã chủ trì phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương tập trung tuyên truyền giới thiệu về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, tiềm năng tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa của tỉnh. 

Nhiều tin, bài, phóng sự về du lịch đã được đăng tải như: Báu vật linh thiêng của người Cao Lan ở Bắc Giang, Du lịch Tây Yên tử; Hành hương về vùng đất thiêng Tây Yên tử; Bắc Giang phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; Bắc Giang bảo tồn và gìn giữ nét văn hoá dân tộc; Bắc Giang đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa; Bắc Giang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch sườn Tây Yên Tử; Bắc Giang xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hút khách; Bắc Giang: Du khách tìm đến địa điểm nhiều suối, thác tham quan dịp nghỉ lễ; Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử 'theo dấu chân Phật Hoàng.

Sở cũng phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh cung cấp thông tin về các điểm du lịch của tỉnh Bắc Giang để tổ chức tuyên truyền nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sườn Tây núi Yên Tử, huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch. 

Trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì và tăng thời lượng các chuyên trang Văn hóa, Du lịch; đồng thời thông qua hoạt động tuyên truyền về công tác chuẩn bị và tổ chức thi đấu môn Cầu lông Seagame 31 tại Bắc Giang; Đại hội thể dục thể thao của tỉnh là dịp để quảng bá vùng đất, con người, các địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nét văn hóa đặc sắc của tỉnh tới bạn bè trong nước và quốc tế. 

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin cơ sở, cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng du lịch, cổng thông tin đối ngoại, chuyên trang Tây Yên tử và các trang mạng xã hội (zalo, facebook) đăng tải, quảng bá nhiều hoạt động, sản phẩm về du lịch tỉnh Bắc Giang, góp phần thu hút lượng khách khá lớn đến với tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có trên 01 triệu lượt khách, tăng 80% so với cùng kỳ 2021; công suất sử dụng phòng lưu trú ước đạt khoảng 75%.

Thời gian tới, để phát huy hết tiềm năng du lịch cộng đồng, tỉnh Bắc Giang tập trung truyền thông, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm quảng bá xúc tiến, thu hút khách du lịch, thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ xây dựng đối với khu du lịch (KDL) có quy mô lớn, gồm: KDL Tây Yên Tử; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền, gắn với du lịch golf; KDL văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà; KDL văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà; KDL sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang; hình thành không gian du lịch gắn với "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử". 

Các hoạt động xúc tiến du lịchgóp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Tăng cường truyền thông góp phần phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO