Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cách mạng chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu hụt nhân lực có kỹ năng phù hợp để thực hiện quá trình này.
Số lượng chưa song hành chất lượng
Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% DN được nâng cao nhận thức về CĐS. Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các DN và các cơ quan bộ, ban, ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.
Để giải quyết bài toán nhân sự cho quá trình CĐS, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số”; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục đại học. Đề án thí điểm triển khai 5 trường đại học (ĐH) tham gia mô hình ĐH số trong đào tạo nhân lực số được xúc tiến triển khai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cho CĐS của Việt Nam đang thiếu và yếu. Theo tbáo cáo công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Cả nước hiện có 168 trường ĐH, 520 trường nghề đào tạo về ICT với tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt hơn 84.000 người, gồm khoảng 50.000 người bậc ĐH và khoảng 34.000 người bậc cao đẳng, trung cấp.
Như vậy, theo tính toán, để có đủ nhân lực phục vụ CĐS, từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong khi đó, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan trực tiếp tới CĐS rơi vào khoảng 65.000 người. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện CĐS, bất chấp nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, DN ngày càng cao để thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Trong khi đó, tại Sự kiện công bố kết quả Nghiên cứu “Triển vọng Doanh nghiệp tại Việt Nam” do UOB tổ chức vào tháng 8/2024, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp (DN), ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, nhiều DN đang và sẽ đối mặt với không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng (34%), rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu và đặc biệt là thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên (49%).
Một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam hiện nay đó là, nói đến CĐS, các công ty thường giao cho đội ngũ công nghệ thông tin (CNTT). Trong khi đó, chuyên viên CNTT không phải người làm dữ liệu, họ chỉ là đối tác để giúp các chuyên gia thu thập, tìm kiếm dữ liệu. Hơn nữa, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia, như phân tích dữ liệu, AI…, mà hiện mới chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT do Bộ TT&TT ban hành từ năm 2014.
Cần đào tạo bài bản và chuyên sâu
Cũng tại Sự kiện công bố kết quả Nghiên cứu “Triển vọng Doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, DN Việt đang thiếu trầm trọng nhân lực cấp cao như trong lĩnh vực về chip, CNTT,… thậm chí là thiếu hụt nhân lực cấp trung và sơ cấp như các vị trí vận hành máy móc, phần mềm trong tổ chức. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến chương trình đào tạo hiện tại vẫn chưa bắt kịp được với xu hướng phát triển quá nhanh về CNTT của thế giới.
Trong tập 12 của DxTalks mùa 2 lên sóng vào ngày 2/1/2024, với chủ đề "Các dấu mốc chuyển đổi số 2023 và cơ hội cho 2024" (thực hiện bởi FPT Digital), ông Albert Antoine nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trí thức, được đào tạo bài bản, nhất là với nguồn nhân lực công nghệ trong quá trình CĐS tại Việt Nam.
Theo ông Albert Antoine, Việt Nam có nguồn nhân lực trí thức dồi dào nhưng cần đầu tư bài bản và chuyên sâu hơn nữa vào việc đào tạo.
Hiện nay, nắm bắt được xu thế CĐS tại Việt Nam, các công ty nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng các chương trình học bổng và thực tập hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực. Tổ chức nghiên cứu Seoul AI Hub của Chính quyền thành phố Seoul có kế hoạch tổ chức chương trình thực tập 3 tháng cho sinh viên Việt Nam tại các công ty thiết kế chip Hàn Quốc, bắt đầu từ tháng 9/2024. Bộ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và Khởi nghiệp Hàn Quốc đang hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam để xây dựng các quy định về nới lỏng thị thực cho người Việt Nam.
Đồng thời, việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa tư duy số và kỹ năng số, tiếng Anh, các kỹ năng mềm, bảo đảm cho sinh viên ra trường có đầy đủ tư duy logic, đổi mới, sáng tạo đang được quan tâm.
Theo đó, một số trường ĐH tiên phong trong đào tạo nhân lực số trình độ cao về CĐS. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã áp dụng thử nghiệm mô hình ĐH số trên nền tảng công nghệ PTIT-Slink. Nền tảng đã được triển khai thử nghiệm tại một số trường ĐH. Trường Đại học FPT thực hiện liên kết chặt chẽ với các DN, gắn đào tạo với thực tiễn, nghiên cứu - triển khai - ứng dụng với nhiều chuyên ngành đào tạo, trong đó CNTT là trọng tâm.
Một số nền tảng hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực số đã đi vào hoạt động. Nền tảng “Nhân lực số” đã đem lại những kiến thức về thị trường việc làm, tạo xu hướng phát triển nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Các nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả thông qua nền tảng này. Bộ TT&TT đã xây dựng “Nền tảng học trực tuyến mở đại trà” (One Touch) và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức là nòng cốt CĐS của các bộ, ngành, địa phương/.