An toàn thông tin

Cơ quan báo chí là mục tiêu bị tấn công mạng cao

Hoàng Linh 23/10/2024 11:40

Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Để giúp cán bộ các cơ quan báo chí truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) và có thêm những kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) với sự đồng hành của tổ chức Word Vision Việt Nam, tổ chức buổi hội thảo - tập huấn với chủ đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông”.

Báo chí không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo - tập huấn, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng toàn cầu và là điều kiện tiên quyết trong phát triển bền vững của mỗi người dân, doanh nghiệp (DN) và quốc gia. Tại Việt Nam, các ngành nghề, lĩnh vực đều coi đó là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi theo những xu hướng vận động mới. Báo chí và truyền thông cũng không nằm ngoài xu thế đó.

ong-nguyen-thanh-hung.jpg
Ông Nguyễn Thành Hưng: Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Để thực hiện quá trình CĐS báo chí đáp ứng mục đích đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Chiến lược này nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Báo chí, biên tập viên đều có thể là mục tiêu bị tấn công

Hiện nay tại Việt Nam, Chủ tịch VNISA cho biết đại đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Theo đó đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, có thể là người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên (BTV), phóng viên (PV) cơ quan báo chí, truyền thông.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết, báo chí và truyền thông đóng góp vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội và góp phần không nhỏ vào việc định hướng nhận thức của công chúng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng không gian mạng, những mối đe dọa về ATTT đối với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn.

ong-tran-quang-hung.jpg
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục ATTT.

Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết các cơ quan báo chí, PV, BTV, đồng thời phải thực hiện 2 trách nhiệm và sứ mệnh lớn, đó là: (1) tự bảo vệ cơ quan, tổ chức khỏi tấn công mạng, các rủi ro ATTT mạng; (2) truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ATTT mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, rộng khắp.

Theo ông Trần Quang Hưng, trong quãng thời gian dài 10 - 20 năm gần đây khi nói về các chiến dịch được tài trợ bởi chính phủ, tổ chức khủng bố nhắm vào các chính trị gia, người nổi tiếng thì đối tượng cũng được nhắm tới nhiều nhất trên thế giới là PV báo chí.

“Tất cả các vụ việc tấn công mã độc vào người dùng để thu thập, đánh cắp thông tin hoặc các chiến dịch nghe lén thông tin đều nhắm tới PV báo chí, truyền hình trên khắp thế giới, cho thấy vai trò của PV báo chí rất quan trọng bởi họ nắm giữ các thông tin quan trọng, là người trung gian truyền tải thông tin đến với cộng đồng, xã hội”, ông Trần Quang Hưng cho hay.

Theo đó, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh cần tăng cường bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin của cơ quan báo chí vì khi hệ thống cơ quan báo chí bị tấn công sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Mặt khác, các PV báo chí là đại sứ truyền đi thông điệp tới các cộng đồng không chỉ trên báo chí và mạng xã hội nên việc đảm bảo ATTT cho mỗi nhà báo là một việc cấp thiết, quan trọng không kém việc bảo đảm ATTT cho hệ thống cơ quan báo chí, vì vậy, Cục ATTT mong muốn VNISA đồng hành với Cục có nhiều chương trình tăng cường kỹ năng ATTT cho chính phóng viên báo chí trong quá trình tác nghiệp.

“Các nhà báo có kỹ những kỹ năng đảm bảo ATTT cũng là giúp ích cho công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTT”, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội thảo - tập huấn.

Không quá lệ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thuê ngoài đối với vấn đề ATTT

Từ thực tiễn của báo VietnamNet, ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật - công nghệ cho biết, bảo vệ hệ thống thông tin đối với các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và báo điện tử nói riêng luôn là công việc khó khăn, nhiều thách thức, chạy đua với công nghệ, tốn khá nhiều chi phí, nhân lực, vật lực và phải làm liên tục.

Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mất ATTT có thể xảy ra, ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu cho biết các cơ quan báo chí điện tử cần nêu cao cảnh giác, kỹ năng thường xuyên rà soát, kiểm tra định kỳ để tránh việc bị khai thác các lỗi bảo mật.

Các cơ quan, tổ chức cũng cần tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, PV, BTV kèm theo thiết lập các chính sách, quy trình bắt buộc, tuân thủ nghiêm túc về ATTT cũng như đảm bảo các trang thiết bị an toàn cho các hoạt động tác nghiệp.

Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí cho hệ thống ATTT, bản quyền phần mềm, quy trình, công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Sử dụng các dịch vụ ATTT của các đơn vị chuyên nghiệp, hoặc chủ động đầu tư hạ tầng riêng, làm chủ công nghệ, không quá lệ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thuê ngoài đối với vấn đề ATTT.

Theo Phó Cục trưởng Cục ATTT Trần Quang Hưng, hiện nay không gian mạng đang là ngôi nhà chung của khoảng 78 triệu người Việt Nam. Không gian mạng được xác định là tương lai thịnh vượng của Việt Nam với Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng nghĩa với nó, bảo đảm an toàn an ninh mạng chính là xây đắp cho tương lai, để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo đà cho sự bứt phá của kinh tế số, xã hội số.

Giống như môi trường thực, ông Trần Quang Hưng cho biết không gian mạng cũng cần có bầu trời quang đãng và không khí trong lành, có hệ sinh thái tốt và một cơ sở hạ tầng chất lượng để phục vụ người dân, DN để phát triển kinh tế - xã hội.

"Một làn khói mù mịt, ô nhiễm trên không gian mạng không phải là điều kiện sống lý tưởng. Không ai muốn sống trong một không gian đầy rẫy sự giả dối, lừa đảo, tấn công mạng, lạm dụng, khủng bố hay bạo lực. Trong năm 2023, thế giới ước tính mất hơn 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng (tương đương với 21 tỷ USD mỗi ngày)"./.

Bài liên quan
  • Chống lừa đảo trên mạng khởi đầu là nhận thức
    Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng trên không gian mạng, đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp để bảo vệ khách hàng của mình.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan báo chí là mục tiêu bị tấn công mạng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO