Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam

03/11/2015 20:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén của sự nghiệp cách mạng, của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân

Lịch sử đã ghi nhận, báo chí cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Xứng đáng là công cụ sắc bén của sự nghiệp cách mạng, của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, định hướng dư luận, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Bác Hồ là người đã khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền móng của báo chí cách mạng

Báo Thanh Niên – cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp phụ trách công tác biên tập và cũng là cây viết chủ yếu.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác đã sớm nhận ra thứ vũ khí đắc lực cho cách mạng là báo chí. Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký.

Hồ Chủ tịch tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962) (ảnh: T.L)

Người còn sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942) và Tạp chí Đỏ (1930).

Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 19/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11/3/1951. Trong quá trình hoạt động Người đã sử dụng 150 bút danh và viết bằng nhiều thứ tiếng tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước.

Lịch sử báo chí nước ta cũng luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ “tìm đường cứu nước”; “vận động cách mạng”; “kháng chiến giải phóng dân tộc”; “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; và ngày nay là “đổi mới và hội nhập quốc tế”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Báo chí cách mạng Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể như V.I.Lê-nin từng yêu cầu, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ngày nay, trong kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống làm cho báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quá trình phát triển

Những năm qua, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt như: tăng loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức; tăng phạm vi phát hành, phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và số công chúng của báo chí trong và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ hiện đại…

Cho đến nay, hệ thống báo chí truyền thông ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 2/2013, Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình (2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài cấp tỉnh).

Trong lĩnh vực thông tin điện tử, có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước có gần 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ, trên 19.000 hội viên hội nhà báo. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng mạng lưới thông tin khách quan, dân chủ và rộng rãi trong toàn xã hội.

Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức xã hội; kịp thời đấu tranh phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp Đổi mới.

Ngay từ năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Năm 1965, trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi Bác nhấn mạnh: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết...”.

Trong Văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức ghi nhận và yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”.

Đây là yêu cầu cao và mới, đòi hỏi báo chí phải tiếp tục vươn lên để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng của loại hình văn hóa đặc biệt quan trọng này. Trong thời gian vừa qua chức năng phản biện của báo chí tuy đã có những cố gắng nhưng vẫn chưa thể hiện rõ nét, và vẫn còn những nhận thức rất khác nhau, tình trạng né tránh những vấn đề gai góc nhạy cảm vẫn tồn tại.

Tình hình trong nước, khu vực, quốc tế hiện nay đã và đang đặt ra cho công tác báo chí nhiệm vụ nặng nề, quan trọng là giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, động viên mọi tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Báo chí phải đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, chiến đấu, chân thật và thẩm mỹ; phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích và lập trường chính trị của Báo chí cách mạng; phải chống khuynh hướng thương mại hoá, chạy theo lợi nhuận; phải chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận, xúc phạm và trù dập công dân.

Báo chí phải góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, đồng thời đấu tranh chống ảnh hưởng xấu độc của văn hoá ngoại lai, góp phần bảo vệ và xây dựng văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Báo chí cũng có trách nhiệm vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc Đổi mới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày nay, trong điều kiện mới, các chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo đang phải hàng ngày hàng giờ xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén và đắc lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO