Báo Ai Cập đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam

Trương Anh Tuấn| 01/09/2020 09:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài viết trên chuyên mục “Sự kiện và Bình luận” của Al-Ahram đã nêu bật những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật trong chặng đường phát triển của Việt Nam mà tác giả cho rằng rất đáng ngạc nhiên.

Báo Ai Cập đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam - Ảnh 1.

Bài viết về Việt Nam trên báo Al-Ahram. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)


Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 31/8, trên chuyên mục “Sự kiện và Bình luận” của Al-Ahram - tờ báo điện tử uy tín hàng đầu của Ai Cập, nhà báo Kamal Gaballa đã có bài viết với tựa đề "Những thành công lớn của Việt Nam trong ngày lễ Kim cương - kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh”. Bài viết đã nêu bật những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật trong chặng đường phát triển của Việt Nam mà tác giả cho rằng rất đáng ngạc nhiên.

Theo nhà báo Gaballa, mỗi năm, những ngày đầu tháng Chín là dịp mà tác giả rất mong chờ vì với Ai Cập, ngày 1/9 hàng năm là dịp kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong khi đối với Việt Nam, ngày 2/9 là ngày Quốc khánh với những mốc son lịch sử hào hùng.

Ông Gaballa lưu ý ngày 1/9 năm nay là mốc đánh dấu 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Việt Nam và là lúc để chúng ta ôn lại các mốc son của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Ai Cập là một trong những quốc gia Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cựu Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối quan hệ thân thiết và là những người cùng nhau đặt nền móng cho sự phát triển của mối quan hệ song phương tốt đẹp đến tận ngày nay.

Nhà báo Gaballa cho rằng năm 2020, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kim ngạch thương mại song phương được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức độ tích cực với kết quả lạc quan.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ai Cập đạt 256 triệu USD. Trong năm 2019, tổng giá trị kim ngạch thương mại song phương giữa Ai Cập và Việt Nam đạt 500 triệu USD và cho đến nay, Ai Cập đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ai Cập bao gồm thủy sản, dệt may, giày dép, phụ tùng và phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị và các mặt hàng nông sản như rau quả, hạt tiêu, cà phê. Trong khi đó, Ai Cập xuất khẩu sang Việt Nam nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, nguyên phụ liệu nhựa, dược phẩm, hoa quả tươi, sữa và các sản phẩm từ sữa, phân bón…

Trong tương lai, cả Ai Cập và Việt Nam đều có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và kinh tế biển.

Đáng chú ý, kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 phải đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương 1,81%. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ chính trị và ngoại giao toàn cầu thông qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với đó là sự đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Như những lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay."

Báo Ai Cập đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam - Ảnh 2.

Dệt may đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập. (Ảnh: TTXVN)

Gaballa là một nhà báo kỳ cựu và có uy tín trong báo giới Ai Cập. Ông có tình cảm quý mến đặc biệt với Việt Nam và đã viết nhiều bài báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam trong những năm qua nhằm đưa Việt Nam đến gần hơn với công chúng Ai Cập nói riêng và người dân các nước Arab nói chung./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo Ai Cập đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO