Báo chí cần mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Bình Minh| 12/08/2022 15:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí cần chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Báo chí cần mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - Ảnh 1.

TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Vai trò nòng cốt của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Định hướng các cơ quan báo chí về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 5 nhiệm vụ, giải pháp chính.

Thứ nhất, cần xác định vị trí, vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của các cơ quan báo chí để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Các cơ quan báo chí có vị trí tiên phong, xung kích, đấu tranh trực diện với các thế lực thù địch trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết "đi đầu trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị; định hướng dư luận xã hội; công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam". 

Phát huy vị trí tiên phong, đi đầu, cơ quan báo chí, người làm báo cần chủ động, nhạy bén, nắm bắt, sử dụng hình thức tuyên truyền nhanh nhất để là những người đầu tiên tuyên truyền thông tin tích cực, phản bác lại những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch, từ đó dẫn dắt, định hướng dư luận. 

Mỗi cơ quan báo chí cần chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền thông tin tích cực, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, từng năm gắn với từng sự kiện của đất nước, ngành, địa phương, kết hợp chặt chẽ và sử dụng đồng bộ các loại hình báo chí, phát huy tối đa báo điện tử để chủ động đăng tải, chia sẻ thông tin một cách nhanh nhất đến với độc giả, nhất là thông tin liên quan đến các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm.

Báo chí cũng là một bộ phận của lực lượng thông tin truyền thông, giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, các cơ quan báo chí chính là những chủ thể công khai, trực diện, thường xuyên tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, tuyến tin, bài để tuyên truyền hấp dẫn thông tin tích cực với số lượng chiếm vị trí chủ đạo, lấn án những thông tin xấu độc; đấu tranh công khai, có tính thuyết phục cao bằng những luận cứ sắc bén, khoa học để phản bác những quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả. 

Thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, tuyến tin bài, phóng sự, bài viết phản ánh chân thực, khách quan, phong phú hơi thở cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ thông tin, hấp dẫn, thu hút, dẫn dắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ trên báo chí, Internet, mạng xã hội nhằm tuyên truyền thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện tốt vai trò của các cơ quan báo chí như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "cần đổi mới để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền… và định hướng dư luận xã hội" và "Báo chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, Internet, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng".

Ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong hoạt động quản lý báo chí theo hướng hiện đại hóa

Thứ hai, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác báo chí, trước hết cần tập trung xây dựng đảng bộ các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ theo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung; với đảng bộ các cơ quan báo chí nói riêng. 

Xây dựng đảng bộ các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh là cơ sở để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và truyền thông. Các cấp ủy Đảng tại các cơ quan báo chí cần tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần xây dựng, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí chặt chẽ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập quốc tế và sự phát triển của truyền thông số; ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong hoạt động quản lý báo chí theo hướng hiện đại hóa. Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mạng của báo chí cách mạng.

Định hướng chung, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo là quán triệt sâu sắc cho các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo đúng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 35 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác báo chí, mười điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ được tuyên truyền sâu rộng trên báo chí mà còn được triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong chính các cơ quan báo chí.

Trong nhóm giải pháp này, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đặt ra yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí là cần kịp thời, nhạy bén đồng thời phải đảm bảo tính khoa học, thuyết phục, có lý có tình, theo kịp sự vận động phát triển của thực tiễn; chủ động, sắc bén, kịp thời trong việc dự báo, định hướng chính trị tư tưởng, nhất là trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong đời sống xã hội; phối hợp chặt chẽ thông tin đối nội và đối ngoại…

Trong tuyên truyền, đấu tranh, cần kết hợp tốt giữa "xây" và "chống"

Thứ ba, nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thứ tư, tổ chức xây dựng lực lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ năm, cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong đó, các cơ quan báo chí cần chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; huy động sự tham gia thống nhất, hiệp đồng tác chiến của các loại hình báo chí. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; tăng cường số lượng, chất lượng các tuyến chương trình, bài viết tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó mỗi chương trình, bài viết phải có cơ sở lý luận chắc chắn, quan điểm, luận cứ sâu sắc, mang tính thời sự và có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với bạn đọc, để mỗi tác phẩm báo chí thực sự là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đất nước. 

Trong tuyên truyền, đấu tranh, cần có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp tốt giữa "xây" và "chống", trong đó "xây" là cơ bản, lâu dài, "chống" là cấp bách, thường xuyên, quyết liệt; chủ động lan tỏa thông tin tích cực trên báo chí và Internet; nghiêm túc, quyết liệt đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, để báo chí cách mạng thực sự là "vũ khí sắc bén" trong sự nghiệp "phò chính trừ tà", bảo vệ chính nghĩa, đồng hành với lẽ phải, lên án cái xấu cái ác, chống lại những nhận thức, hành động sai trái, phi nghĩa; một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí cần coi trọng xây dựng báo chí truyền thông hiện đại, đa phương tiện, bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số. Đây vừa là một thách thức, vừa là một yêu cầu, nhiệm vụ rất cao đối với ngành, từng cơ quan và đội ngũ người làm báo nước ta. Chính sự tụt hậu về công nghệ, quy mô tổ chức và lực lượng báo chí theo xu hướng hiện đại của nước ta so với thế giới thời gian qua là khoảng trống để các thế lực thù địch đã triệt để khai thác để truyền bá, thẩm thấu các luận điệu sai trái, thù địch, làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. 

"Vì vậy, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ quan báo chí truyền thông và đội ngũ cán bộ báo chí ở nước ta theo xu hướng công nghệ số đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư đổi mới, phát triển hệ thống các tạp chí điện tử lý luận chính trị, lý luận chuyên ngành về công tác xây dựng Đảng, trên cơ sở ứng dụng các tính năng, tiện ích, kỹ thuật và hình thức thể hiện của báo chí hiện đại một cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện nay", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Tiếp đó, tranh thủ các kênh để đưa báo chí phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, giúp họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về tình hình tại Việt Nam. Phát triển thông tin đối ngoại lý luận - một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác thông tin đối ngoại - là phương thức đối ngoại theo chiều sâu, đưa hệ tư tưởng tiến bộ, khoa học, cách mạng và lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đến với đông đảo bạn bè trên thế giới, góp phần thu hẹp những sự khác biệt, thiếu thiện chí, xung đột liên quan tới quan điểm chính trị, từ đó gia tăng sự hiểu biết, đồng thuận, tôn trọng sự khác nhau về thể chế chính trị, tạo dựng sự ủng hộ và những mối quan hệ quốc tế sâu sắc, bền vững với Đảng, đất nước ta. Đây là một phương cách đấu tranh chủ động với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, từ sớm, từ xa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO