Truyền thông

Báo chí có nên trở thành mạng xã hội?!

TS. Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền 26/03/2024 11:18

Với độ phủ toàn cầu của các mạng xã hội xuyên biên giới như hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Nếu không được nhận diện, và có cách thích ứng kịp thời, những thách thức này thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn vong của từng cơ quan báo chí chứ không chỉ dừng lại ở việc làm lung lay vị thế.

Tóm tắt:
Báo chí cần hiểu và tận dụng mạng xã hội trong tương quan thế mạnh và hạn chế để báo chí phát triển trong
bối cảnh mạng xã hội đang phát triển như vũ bão:
- Là đối thủ cạnh tranh;
- Là nguồn tin;
- Là “cánh tay nối dài”;
- Là đối tượng để báo chí “thanh lọc” tin giả;
- Là nơi cung cấp đề tài cho nhà báo;
- Nơi nhà báo thể hiện uy tín;
- Nơi tương tác với công chúng.

Nhưng thực tiễn cũng đã cho thấy trong thách thức luôn tồn tại cơ hội, những cơ quan báo chí hay nhà báo tận dụng được các thế mạnh của mạng xã hội đều có thể xoay chuyển tình thế. Vì vậy, việc mạng xã hội trở thành đối thủ hay đối tác của báo chí sẽ phụ thuộc vào chính khả năng nhận thức và hành động của báo chí.

Nhận thức cần thiết của cơ quan báo chí đối với mạng xã hội

Cạnh tranh với đối thủ có nhiều lợi thế như mạng xã hội (MXH), trước mắt mỗi cơ quan báo chí (CQBC) cần nghiên cứu để hiểu được nội dung, cách thức hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt hiểu về các thế mạnh và các hạn chế của mạng xã hội trong tương quan so sánh với những thế mạnh và hạn chế của chính mình. Từ đó, có phương án đổi mới thích hợp với tiềm lực cụ thể của mình và bối cảnh chung.

Mạng xã hội là đối thủ cạnh tranh của báo chí

Một đặc điểm khiến MXH nhanh chóng phủ rộng toàn cầu chính là ở khả năng thông tin nhanh và vô hạn, nhờ vào số người dùng lên đến cả tỷ. Báo cáo Digital 20231 công bố tháng 1 năm 2023 cho biết trong số 8 tỉ người dân toàn cầu, có 4,76 người dùng MXH đang hoạt động, chiếm gần 60% dân số. Tại Việt Nam, con số này lần lượt là hơn 98,5 triệu người dân và 70 triệu tài khoản MXH đang hoạt động (chiếm 71% dân số).

Thông tin trên MXH có đặc tính này là nhờ chính nguồn nhân lực của mạng xã hội: những người dùng MXH. Họ không chỉ là người khởi tạo, truyền tải tin tức, mà còn là người tiêu thụ các tin tức, tương tác với tin tức không ngừng. Mỗi một “dấu chân” trên MXH của người dùng (nhấn nút cảm xúc, chia sẻ bài viết, đăng bài viết mới v.v.) đều trở thành kích tác để một thông tin được sản sinh và lan rộng, đóng góp vào kho tin tức khổng lồ đang nhân lên không ngừng từng giây trên MXH dưới nhiều hình thức - phương tiện khác nhau (bài viết, bài viết kèm ảnh, video, story, reel, livestream, chat…).

Không chỉ vậy, với khả năng kết nối tri thức muôn phương, không giới hạn, MXH có thể quy tụ được nhiều ý kiến, quan điểm, nguồn thông tin trong một bài viết. Đồng thời, nó có công cụ để đo đếm được mức độ tương tác với từng ý kiến, quan điểm đó trong chính bài viết ấy. Tính tương tác tức thời và dễ định lượng này khiến MXH ở vị thế cạnh tranh lấn át so với đặc điểm tương tự ở báo chí. Chính vì thế, trong cùng một tình huống thông tin, nếu chất lượng thông tin trên MXH cũng đảm bảo về tính khách quan, chính xác như báo chí, thì báo chí sẽ phải đối mặt với sự quay lưng của công chúng, do khó có thể cạnh tranh được với mạng xã hội ở tốc độ và sự phong phú, đa chiều trong khả năng thông tin.

Mạng xã hội là nguồn tin cho báo chí

Cũng thống nhất với đặc điểm đã đề cập của MXH ở trên, thông tin trên MXH xuất hiện liên tục, không ngừng nghỉ, không giới hạn, vì thế nó là nguồn tin “không đáy” cho báo chí. Không chỉ cung cấp nhiều thông tin, MXH còn khiến nhà báo rút ngắn được việc xác minh thông tin. Người cung cấp thông tin có thể được liên hệ nhờ tài khoản mạng xã hội, từ đó có thể được xác minh danh tính, xác minh độ chính xác của thông tin.

Ở góc độ khác, MXH cũng là nơi có thể gợi mở nhiều nguồn tin để giới thiệu cho báo chí. Người cung cấp tin dễ dàng liên hệ với tài khoản mạng xã hội của cơ quan báo chí để phản ánh những vi phạm, bức xúc, vấn đề đáng quan tâm của đời sống. Họ có thể gửi kèm bằng chứng cho những phản ánh này bằng ảnh chụp, video… giúp CQBC có thêm cơ sở và tư liệu để tiếp nhận thông tin, tiết kiệm thời gian xác minh và xử lý thông tin hơn.

Nhận thức được lợi thế này của MXH mang lại, CQBC hoàn toàn có thể tận dụng MXH để “nuôi” tin với điều kiện đảm bảo thực hiện quy trình kiểm chứng thông tin chặt chẽ trước khi đăng tải.

b2.png

Mạng xã hội là “cánh tay nối dài” của báo chí

Hiện nay, nhiều CQBC tại Việt Nam đã có từ một đến vài tài khoản MXH trong số các MXH được yêu thích tại Việt Nam là Facebook, Tiktok, Youtube… Các CQBC từ cấp Trung ương đến địa phương hầu như đều có thể tìm thấy tài khoản MXH. Những cơ quan lớn, hoạt động tích cực, bài bản có lượng công chúng theo dõi đông đảo thường đạt chứng nhận tick xanh bảo chứng thương hiệu từ các MXH. Đặc biệt, với tỉ lệ người dùng trên tổng số người dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi lên đến gần 92%2, Facebook là MXH xuyên biên giới được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam và được các CQBC ưu tiên lựa chọn để xây dựng thương hiệu, hình ảnh.

Hoạt động như một tài khoản trên MXH, các CQBC sử dụng được đầy đủ các tính năng thế mạnh của MXH, như đo đếm lượng người tương tác với từng bài viết, từng tin tức. Đồng thời dễ dàng thực hiện khảo sát dư luận xã hội và có số liệu phục vụ cho các tin bài khác. Các CQBC cũng tận dụng được khả năng tương tác tức thời với công chúng, và sử dụng kho lưu trữ không giới hạn trên các MXH.

Ngoài ra, các CQBC có thể sử dụng cách truyền thông phù hợp trên MXH như: Đăng thông tin chữ nổi bật trên phông nền màu; Đăng thông tin ảnh; Đăng thông tin video… Kèm với đó là nội dung tin, bài đầy đủ được gắn vào đường link đặt trong ô bình luận dẫn đến trang chính của CQBC. Điều này cộng sinh tương tác của cả tài khoản MXH và lưu lượng trang chính của CQBC. Tuy nhiên, để CQBC hoạt động bài bản, cần thực sự hiểu về cơ chế, tính năng của MXH, và tự thiết lập cho mình những biện pháp mang tính thuật toán an toàn như kiểm soát hiển thị những bình uận xấu, độc, không đủ chuẩn, đường link không rõ nguồn gốc v.v.

Mạng xã hội là đối tượng để báo chí “thanh lọc” tin giả

Tin giả có thể xuất hiện khắp nơi, nhưng với “dung môi” MXH, nó dường như dễ dàng được phát tán nhanh và rộng hơn ở bất cứ môi trường nào khác. Người dùng MXH chủ yếu là người dân, vốn không được đào tạo để có kỹ năng phân biệt tin giả, nên dễ dàng chia sẻ, phát tán thông tin không kiểm chứng, mà không nhận thức được về hậu quả, gây hoang mang dư luận.

Đây chính là cơ hội cho báo chí, để báo chí khẳng định thế mạnh của những người đưa tin chuyên nghiệp. Báo chí cần nhạy cảm đoán biết những thông tin có khả năng gây tác động tiêu cực, trên diện rộng và chú trọng kiểm chứng để lên tiếng kịp thời. Báo chí tuyệt đối không “hùa theo” khi chưa kiểm chứng thông tin.

Mỗi CQBC cần có quy định trong việc xác minh, kiểm chứng thông tin và có công bố về tin giả. Đồng thời cần coi đây là một trách nhiệm xã hội bắt buộc theo tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình. Trên thế giới, nhiều CQBC đã nhanh chóng tham gia vào cuộc chiến chống tin giả như: The Washington Post thiết lập đội ngũ chuyên gia kiểm duyệt thông tin, Reuters triển khai chương trình đào tạo cho các phóng viên để nâng cao năng lực nhận diện tin đồn, tin giả; Reuters và AP hợp tác với Twitter (năm 2016) để cung cấp thông tin đáng tin cậy; BBC (Anh) với chuyên mục “Beyond Fake News” giáo dục độc giả nhận biết tin giả, tin sai sự thật v.v.

Nhận thức cần có của mỗi nhà báo đối với mạng xã hội

Về cơ bản, nhận thức của mỗi nhà báo đối với MXH có sự thống nhất hoàn toàn với nhận thức của cơ quan báo chí đối với MXH. Ở góc độ tác nghiệp báo chí cá nhân, mỗi nhà báo cụ thể hóa thành nhận thức để ứng xử với MXH.

Mạng xã hội là nơi cung cấp đề tài cho nhà báo

MXH là nguồn tin cho báo chí, nên nhà báo hoàn toàn có thể nắm bắt thông tin trên MXH, thu thập, phát triển, xác minh và kiểm chứng thông tin để phục vụ việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

Đề tài báo chí trên MXH có thể xuất hiện ở các trang, các nhóm chat, các bài đăng cá nhân… trong và ngoài nước. Nhà báo khi phát hiện đề tài, cần thu thập thêm thông tin, xác minh kiểm chứng thông tin để có cơ sở quyết định có triển khai thành tác phẩm không.

Nhà báo cũng cập nhật các thông tin thời sự trên MXH để hiểu tiến trình của một sự kiện, vấn đề (kể cả không thuộc lĩnh vực mình theo dõi) mà dư luận quan tâm đang ra sao. Qua đó, có các kiến thức xã hội, chuyên môn để xử lý các đề tài báo chí.

Mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin liên hệ nhân vật báo chí

Báo chí có thể xác minh nguồn tin xuất hiện trên MXH và nhà báo hoàn toàn có thể liên hệ với chuyên gia, nhân vật, nhân chứng… trên MXH. Bởi hiện nay gần như ai cũng có tài khoản MXH, nên việc liên hệ chuyên gia, nhân vật, nhân chứng không phải là điều khó.

Thông qua tài khoản MXH của các nhân vật, đặc biệt như trên Facebook, nhà báo có thể tìm hiểu về mức độ minh bạch, công khai, đáng tin cậy của nhân vật, đồng thời nghiên cứu phần nào về sở thích, tính cách của nhân vật. Nếu nhắn tin cho nhân vật qua MXH, nhà báo cũng có thể biết được họ đã đọc tin nhắn của mình hay chưa.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia, nhân vật cũng có thể tìm hiểu về nhà báo, để có thêm cơ sở quyết định có nhận lời cung cấp thông tin hay không.

bc-mangxh_b3(1).png

Mạng xã hội là nơi tương tác với công chúng

Đây là nơi nhà báo có thể nhận tương tác, phản hồi của công chúng về tin bài của mình. Công chúng có thể theo dõi trang MXH của một nhà báo và tương tác qua nhiều hình thức: nhắn tin, bình luận, tương tác trong story, reel, livestream… Đồng thời, công chúng có thể cung cấp thêm thông tin hoặc phản hồi, phản biện nhà báo về những tác phẩm nhà báo đăng tải. Vì vậy, bên cạnh những lợi thế mà MXH cung cấp, nhà báo hoạt động MXH cần cẩn trọng trong tương tác với công chúng, tránh sa vào những tranh cãi, trao đổi không cần thiết.

Mạng xã hội là nơi nhà báo thể hiện uy tín

Dù nhà báo hoạt động trên MXH bằng tài khoản cá nhân với tư cách một người dùng MXH như bao người, nhưng trên thực tế, khi đã biết một tài khoản MXH là của một nhà báo cụ thể, công chúng thường trông chờ vào trách nhiệm của nhà báo đó ngay cả trên tư cách người dùng MXH.

Trên môi trường MXH, nếu nhà báo hoạt động tích cực với tư cách nhà báo, thông qua việc cập nhật tin tức, phân tích, bình luận các vấn đề cần có định hướng, quan điểm rõ ràng, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi, gây hoang mang… sẽ khẳng định được trách nhiệm xã hội của mình và bồi đắp uy tín của bản thân, nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Tiếng nói của nhà báo trên MXH, nếu gây dựng được uy tín, cũng có thể tạo tác động tích cực, khiến tiếng nói của họ ở cơ quan báo chí được thừa nhận hơn.

Hoạt động trên MXH, bên cạnh những quy định riêng của mỗi MXH, nhà báo cần nắm rõ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội3 (Bộ Thông tin và Truyền) cũng như Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm Báo Việt Nam4 (Hội Nhà báo Việt Nam), đặc biệt là Điều 3: Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và Điều 4: Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Ở góc độ lãnh đạo, quản lý báo chí tại Việt Nam, các cơ quan chức năng hơn ai hết cần nhận thức về những thách thức cũng như cơ hội đối với báo chí mà MXH đang mang lại và có thể sẽ mang lại, để từ đó hoạch định những chiến lược cả trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Báo chí hiện nay cần có những cơ chế, chính sách đón đầu được xu hướng phát triển của MXH, đồng thời cần được khuyến khích để đổi mới, thích nghi, cần được động viên khi có những cách làm hay, hiệu quả.

Trong quá trình vận động để phát triển, những thử nghiệm, sai sót là điều không tránh khỏi, và đây cũng là những nội dung báo chí rất cần đến tầm lãnh đạo, quản lý bao quát được trong hoạch định chiến lược. Vì suy cho cùng, mục đích là để báo chí Việt Nam thực sự vững mạnh trước những tác động như vũ bão của mạng xã hội, để có thể phục vụ đắc lực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

-----
1,2. We are social (1/2023), Digital 2023

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội)

4. Hội Nhà báo Việt Nam, Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ngày 24/12/2018 về việc Ban hanh Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Báo chí có nên trở thành mạng xã hội?!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO