Truyền thông

Báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo thúc đẩy các thay đổi tích cực trong xã hội

TT 16:04 26/09/2024

Bằng cách tập trung vào các giải pháp và thúc đẩy đối thoại tích cực, báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo thúc đẩy các sáng kiến bền vững và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh báo chí toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự suy giảm lòng tin của công chúng, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) và sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng thông tin khác, xu hướng báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo đang nổi lên như những phương pháp tiếp cận mới đầy hứa hẹn.

Báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin, góp phần thúc đẩy các thay đổi tích cực trong xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ MXH, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Đây là vấn đề được các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo chia sẻ, thảo luận tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống” do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức tại Bình Thuận mới đây.

tc-dien-dan.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống”.

Báo chí giải pháp thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực, tốt đẹp

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: Nói đến báo chí giải pháp là đề cập đến cách tiếp cận các vấn đề trong xã hội từ góc nhìn giải pháp, thay vì chỉ đưa tin.

Báo chí giải pháp tập trung xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các phản ứng về vấn đề đó; đồng thời giới thiệu, đề xuất giải pháp, tổ chức nghiên cứu sâu về các giải pháp. Từ đó, hướng bạn đọc có cái nhìn chân thực, đầy đủ về những vấn đề đã, đang xảy ra, mang lại cho công chúng báo chí thông tin hữu ích, giúp thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực, tốt đẹp.

Không ít cơ quan báo ở Việt Nam đã định hình phong cách báo chí giải pháp. Số lượng tin, bài truyền thông chính sách trên báo chí hằng năm chiếm khoảng gần 20% tổng số lượng tin bài trên báo chí, trong đó có hàng ngàn bài viết đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện pháp luật, chính sách, thúc đẩy thay đổi nhận thức để có hành động tích cực cho xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Phúc, vẫn còn có những bài viết mang tính “bới móc”, “đánh đấm”, thiếu tính xây dựng, vô hình chung làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Thách thức hiện hữu hơn cả là chất lượng nguồn nhân lực báo chí. Toàn ngành báo chí có hơn 40.000 người, trong đó chỉ có gần 50% trong số đó là những nhà báo được cấp thẻ. Tỷ lệ những nhà báo có chuyên môn chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực theo dõi còn ít, đa phần giải pháp trong bài viết dẫn ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà khoa học, mà ít có chủ kiến xây dựng mang tính khoa học, nghiên cứu từ người viết bài.

Trong khi đó, chất lượng cộng tác viên, chuyên gia, nhà khoa học được báo chí lựa chọn nhiều trường hợp còn chưa tiêu biểu, chưa đúng người, giải pháp mà họ đưa ra ít cơ sở thực tiễn, còn nặng về lý thuyết.

Hơn thế nữa, báo chí cũng ít diễn đàn sôi nổi tranh luận, phản biện để đưa ra chính sách, giải pháp.

“Vì thế báo chí cần có lối đi của mình để tiếp thu được nhiều ý kiến và tri thức nhất từ người dân, giới nghiên cứu khoa học và các chuyên gia. Cùng với đó, báo chí cần chuyển đổi số nhanh chóng để có các nền tảng số thân thiện, nơi mà người dân có thể chia sẻ ý tưởng, tranh luận, phản biện”.

Qua việc phỏng vấn chuyên gia hoặc trích dẫn các nguồn thông tin tin cậy, báo chí có thể giới thiệu các giải pháp tiềm năng cho những vấn đề đang được thảo luận; có thể tạo diễn đàn để công chúng, chuyên gia và các nhà lãnh đạo thảo luận, tranh luận về các giải pháp khả thi; làm rõ vấn đề và đề cập đến các cách giải quyết mà cộng đồng hoặc các nhà lãnh đạo có thể xem xét.

“Đưa ra giải pháp không phải là một chức năng chính của báo chí, nhưng xu hướng vận động của báo chí từ thực tiễn nhu cầu của độc giả, đã hình thành một phong cách mới được gọi là “báo chí giải pháp”- báo chí tham gia vào việc đề xuất hoặc khuyến khích các giải pháp, với các bài phân tích, bình luận hoặc điều tra sâu về các vấn đề xã hội, kinh tế, và chính trị”, ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết: Báo chí giải pháp còn được biết đến là “Báo chí kiến tạo” hay “Báo chí truyền cảm hứng”, là một xu hướng hiện nay. Thay cho việc đuổi theo các xu hướng trên MXH, “kéo view” bằng cách đăng tải thông tin độc lạ, thông tin tiêu cực, thiên về phê phán, chỉ trích, báo chí giải pháp không chỉ nêu vấn đề, mà tập trung tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

ba-nguyen-thi-hong-nga.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga: Báo chí giải pháp không chỉ nêu vấn đề, mà tập trung tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

Đặc điểm của báo chí giải pháp là cơ quan báo chí, người làm báo phải đồng hành với người dân, chính quyền, doanh nghiệp, phải có kiến thức, chủ kiến và trải nghiệm thực tế, không ngại bám đuổi sự việc đến cùng… nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi giải quyết chủ đề được dư luận quan tâm.

“Khi phản ánh hay phê phán, nhà báo, cơ quan báo chí đặt trách nhiệm của mình trong việc tham gia giải quyết hoặc đề xuất giải pháp giải cụ thể, chứ không đứng ngoài “chỉ tay năm ngón”, hô khẩu hiệu chung chung. Thậm chí, toà soạn trực tiếp thực hiện giải pháp với một số sự kiện phù hợp năng lực, điều kiện của mình”, bà Nguyễn Thị Hồng Nga chia sẻ.

Báo chí giải pháp giúp cho báo chí truyền thống khẳng định chỗ đứng trong lòng bạn đọc

Theo ông Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, trước nguy cơ bị cạnh tranh dữ dội bởi các nền tảng MXH, báo chí truyền thống không còn cách nào tốt hơn là phải khẳng định được thế mạnh của mình so với các dạng thức truyền thông phi truyền thống. Và báo chí giải pháp chính là một trong những lời giải có thể giúp cho báo chí truyền thống vượt qua và khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc, mặc cho “cơn bão” thông tin từ MXH có sức càn quét khủng khiếp đối với nhu cầu của độc giả.

“Báo chí lúc này không chỉ "phanh phui sự thật" (phản ánh tiêu cực), mà còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tìm ra nguyên nhân, tập trung vào giải pháp để khắc phục, giải quyết, hướng tới kết quả tích cực, nhấn mạnh vai trò tích cực và trách nhiệm xã hội của báo chí. Nhà báo có thể phơi bày thực trạng tiêu cực, nhưng cuối cùng vẫn cho thấy giải pháp khắc phục”.

Vì vậy, xu hướng "báo chí kiến tạo" (constructive journalism) hay "báo chí giải pháp" (solutions journalism), tin tức kiến tạo (constructive news) là tất yếu trong sự phát triển của báo chí hiện đại, không chỉ đề phù hợp nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí với sự phát triển của xã hội, của cộng đồng…

Để tăng cường xu hướng báo chí giải pháp (báo chí kiến tạo), ông Nguyễn Văn Hoài cho rằng, mỗi tòa soạn cần phải quyết liệt trong khâu đào tạo cho đội ngũ phóng viên, nhà báo của mình. “Mỗi người viết không đơn thuần chỉ là một nhà báo, một phóng viên đưa tin, họ phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó, có năng lực phân tích, dự báo và đưa ra những kiến giải hợp lý để xử lý vấn đề đó”.

Nhà báo phải nhất thiết có kiến thức, có sự hiểu biết nhất định ở mức cao về chính trị, pháp lý, văn hóa và đặc biệt nắm vững tri thức chuyên ngành mà mình viết, kỹ năng nghiệp vụ, trên cơ sở cái tâm trong sáng… của người cầm bút, nhà báo cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà báo cũng phải biết tận dụng cả kiến thức của những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để làm phong phú thêm kiến thức, phong phú thêm thông tin cho các bài viết về kiến tạo giải pháp của mình, bên cạnh những yếu tố bắt buộc của một bài báo căn bản như thông tin đa chiều, vì lợi ích chung.

“Báo chí kiến tạo không chỉ đưa ra giải pháp, báo chí kiến tạo cần phải có tính phản biện, khách quan và cân bằng; đề cập những vấn đề quan trọng mà xã hội đang phải đối mặt…Vì vậy, báo chí kiến tạo là báo chí với mục đích xây dựng, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí kiến tạo nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Báo chí không chỉ là nơi đưa ra các giải pháp, bày cho công chúng làm việc này việc kia... Báo chí phải cùng với công chúng "giải" các bài toán hiện thực xã hội”, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cho hay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo thúc đẩy các thay đổi tích cực trong xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO