Truyền thông

Báo chí mang giải pháp cho xã hội và nhìn thấy giải pháp cho mình

Bình Minh 24/09/2024 13:56

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tổng Biên tập 2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu vấn đề quan tâm đối với các cơ quan báo chí đó là mang lại giải pháp cho xã hội và qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình.

Cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp

Theo Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân (QĐND), báo chí giải pháp là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí. Báo chí thông tin và báo chí giải pháp đan xen, hoà quyện với nhau, tuy hai mà một.

tong-bien-tap-qdnd.jpg
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân.

Nhấn mạnh báo chí tồn tại được vẫn là nhờ vào cung cấp thông tin, tiếp theo đó thông tin phải có trách nhiệm, có tính Đảng, tính nhân dân và phải có giải pháp, Tổng Biên tập báo QĐND cho biết báo QĐND đã cụ thể hoá Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; triển khai cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có những bài viết về chiến lược diễn biến hòa bình từ rất sớm. Báo chí giải pháp đã được triển khai trên phạm vi cả tòa soạn, trong phạm vi một tuyến bài và ngay trong một bài.

Tổng Biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá nêu báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo cần phải cẩn trọng để không bị thiên lệch, chỉ tập trung vào những câu chuyện thành công mà bỏ qua những thất bại và hạn chế của các giải pháp, cũng như tránh việc quá lạc quan hoặc né tránh các khía cạnh tiêu cực của vấn đề.

Nêu giải pháp với chính các cơ quan báo chí thực hiện câu chuyện báo chí giải pháp, Tổng Biên tập VietNamNet cho rằng, các cơ quan báo chí cần tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên, biên tập viên về các phương pháp báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiếp cận này và áp dụng vào công việc hằng ngày.

tong-bien-tap-vietnamnet.jpg
Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet Nguyễn Văn Bá cho rằng, cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo.

Song song đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển các chuyên mục, chương trình riêng về các giải pháp xã hội, môi trường, kinh tế, và khuyến khích đối thoại cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả và tạo ra một kênh thông tin tin cậy.

Tổng Biên tập VietnamNet cũng cho rằng cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, bao gồm việc thu thập phản hồi từ độc giả và đánh giá tác động của các bài viết, sẽ giúp các cơ quan báo chí điều chỉnh và cải thiện nội dung theo thời gian.

Báo chí mang lại giải pháp cho xã hội và cần nhìn thấy giải pháp cho mình

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận, một trong những vấn đề được nêu tại Diễn đàn chính là báo chí phải mang lại giải pháp cho xã hội, qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình.

thu-truong-bo-tttt.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, làm sao phải triển khai báo chí giải pháp khi những mâu thuẫn không nhỏ trong xã hội, bao gồm những mâu thuẫn ở cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân lại nghĩ chính báo chí là vấn đề chứ không phải họ? Và khi họ tìm giải pháp cho vấn đề của chính họ, ít khi họ nói đến báo chí.

Bản thân cơ quan Nhà nước cũng đang tìm giải pháp để giải quyết tốt vấn đề truyền thông chính sách nhưng có vẻ các cơ quan ít tìm đến báo chí để làm việc này. Việc tương tác, hai bên cùng có lợi rất ít. Ví dụ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hiện có rất nhiều hình thức, cách tiếp cận để cung cấp thông tin cho người dân nhanh nhất thông qua các cổng thông tin điện tử, nền tảng số

Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. "Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác", Thứ trưởng nêu rõ và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề của mình để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại. Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, theo đó, có thể hiệu triệu, định hướng xã hội, tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.

Đồng tình với Thứ trưởng Bộ TT&TT, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thực tế, công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, công chúng không đủ sức để xử lý. Công chúng cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ.

Lúc này, các quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Các cơ quan báo chí phải vượt qua những trở ngại ở hiện tại và tương lai để giữ vị trí ngọn hải đăng.

anh-phu-3.jpg
Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Báo chí hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp.

“Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế, tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí", Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Vấn đề chính sách và kinh tế báo chí
    Hiện còn nhiều quan niệm đa dạng về kinh tế báo chí, song nổi lên điểm chung, theo nghĩa hẹp, kinh tế báo chí là các hoạt động do cơ quan báo chí tự mình hoặc liên kết thực hiện nhằm mang lại nguồn thu, lợi nhuận đảm bảo cho hoạt động, phát triển của cơ quan báo chí.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí mang giải pháp cho xã hội và nhìn thấy giải pháp cho mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO