Từ khi ra đời, đặc biệt trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống quân xâm lược, báo chí đã thể hiện rất rõ vai trò khơi dậy sức mạnh tinh thần trong nhân dân, biến thành sức mạnh vật chất dẫn đến những thắng lợi trong thực tiễn.
Có thể kể đến việc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là cơ quan báo chí đầu tiên phát đi Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng ngày 20/12/1946, từ hang Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (nay thuộc thành phố Hà Nội). Trong lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát ra từ đài tiếng nói quốc gia có thể nói đã mang ý nghĩa hiệu triệu, động viên và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc để chúng ta làm nên những thắng lợi bước đầu, tạo nền tảng cho những chiến công oanh liệt về sau, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ “thiên kiến tiêu cực” đến “báo chí xây dựng”
Tuy nhiên, thế kỷ 21, đối mặt với những sự thay đổi từ truyền thông xã hội, công nghệ, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức to lớn. Một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình”. Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là “fake news” (tin giả) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này. Vấn đề là liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống.
“Thiên kiến tiêu cực” có thể hiểu là là xu hướng báo chí (và cả người đọc) không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại sao “tin xấu” dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. [2]
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp khai mạc Hội báo toàn quốc 2022 (ngày 13/4/2022), ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, không ít tờ báo, nhất là báo điện tử, lại “hùa” với mạng xã hội, sa vào “thiên kiến tiêu cực” khiến cho bức tranh xã hội toàn màu xám, với lời biện minh là nhằm “đáp ứng nhu cầu được thông tin của bạn đọc”. Cũng trao đổi về hiện tượng báo chí khai thác sâu các vấn đề tiêu cực, chuyên gia truyền thông, Thạc sỹ quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành đồng tình rằng sức ép về chỉ tiêu lượng đọc (views) hiện nay là rất lớn. Nhiều cơ quan báo chí đưa lượng đọc làm thành chỉ tiêu quan trọng đánh giá năng lực của người làm báo. Ông Thành lấy ví dụ về những vụ tự tử vị thành niên, thay vì đi vào phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, đưa ra các góc nhìn khác nhau thì một số cơ quan báo chí lại quá hào hứng đi vào chi tiết của vụ tự tử, công bố thông tin cá nhân của gia đình. [3]
Có thể ví dụ thông tin nam sinh lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội tự tử vào tháng 4/2022. Ngay lập tức đã lan tràn trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử. Bức thư tuyệt mệnh và clip ghi lại những hình ảnh đau lòng đó được nhiều tài khoản mạng xã hội cũng như các trang thông tin điện tử đưa lại đến mức, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) phải gửi văn bản tới các nền tảng mạng xã hội và các trang tin điện tử để yêu cầu không tiếp tục đăng tải, chia sẻ video về vụ việc. Cùng với đó, Cục PTTH&TTĐT cũng yêu cầu rà soát để gỡ video, thư tuyệt mệnh của nam sinh. Tuy trong sự việc này, các báo đã có đủ sự bình tĩnh nhất định để không đưa thư tuyệt mệnh được cho là của nam sinh này nhưng nếu tìm kiếm (search) cụm từ “thư tuyệt mệnh”, chúng ta sẽ đọc được nhiều bài viết trên báo “đính kèm” những lá thư trước khi chết của các cô cậu học trò hay hồn nhiên đăng tải “Video: Nam sinh nhảy lầu tự vẫn tại trường”. Tất cả đều được các báo biện minh với lý do “thông tin cần cho độc giả”.
Vẫn theo ông Lê Quốc Minh, nhiệm vụ của báo chí là phản ánh trung thực xã hội. Nhưng nếu độc giả mở một tờ báo, chỉ toàn thấy các câu chuyện tiêu cực, thì có đúng là xã hội Việt Nam hiện nay hay không? Nếu xã hội có rất nhiều tiêu cực như vậy thì làm sao xã hội chúng ta tiến lên như hiện nay được? Trong xã hội, 7 phần tốt, 3 phần xấu hay 8 tốt, 2 xấu thì báo chí phải phản ánh tương đồng như vậy. Chứ không thể là ngược lại là 3 tốt - 7 xấu được. [4]
So sánh giữa báo chí Việt Nam và báo chí thế giới, ông Lê Quốc Minh cho rằng, các cơ quan báo chí trên thế giới phát triển vì sự tồn vong của chính họ. “Về cơ bản, họ hoạt động giống như là kinh doanh. Mục tiêu là nhắm tới lợi nhuận”. Còn báo chí cách mạng Việt Nam thì trách nhiệm đầu tiên là phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân. Trong khái niệm “nhân dân” đó đã bao hàm “độc giả”. Vẫn theo ông Lê Quốc Minh, cái gì có lợi cho Nhà nước, cho dân tộc, cho nhân dân thì báo chí phải thực hiện. [5]
Nhấn mạnh, báo chí không đơn thuần là việc cung cấp thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, các nhà báo còn mang trên mình trách nhiệm với xã hội. Trong đó, “báo chí xây dựng” giúp độc giả có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. [6]
“Báo chí xây dựng” là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên vị tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Đó là một cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh về thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra. Theo đó, một lượng thông tin tiêu cực “vừa đủ” trên báo chí là cần thiết, nhưng việc thông tin tiêu cực quá đậm đặc tạo thành một “định kiến truyền thông” tiềm ẩn có tác động ăn mòn xã hội chúng ta đang sống. [7]
Làm gì để báo chí góp phần khơi dậy “khát vọng hùng cường”?
Báo chí không dừng lại ở việc giúp độc giả “có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống”, hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng “chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các cơ quan báo chí Việt Nam hãy mạnh dạn tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, trong đó có câu chuyện phát triển kinh tế, tháo gỡ các rào cản về thể chế để giải phóng sức sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm, sức chống chịu dẻo dai, linh hoạt của người Việt Nam”. [8]
Theo ông, một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm [9]. Tại Nghị quyết đại hội XIII, từ “khát vọng” được nhắc đến 6 lần. Trong đó, Nghị quyết đại hội XIII nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó chính là sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gợi mở, cần “quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.
Thủ tướng cũng yêu cầu, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển. [10]
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Bộ TT&TT đang nghiên cứu phát triển nhóm cơ quan báo chí chủ lực, tiên phong trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh, đủ năng lực chiếm lĩnh mặt trận thông tin, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thêm vào đó, Bộ xác định, cần đầu tư đúng mức cho các cơ quan báo chí đặc biệt là nhóm cơ quan báo chí chủ lực. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Cụ thể, chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng, là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2022 rằng, Chính phủ đã thông qua chủ trương tăng đặt hàng báo chí cho giai đoạn 2021- 2025. Bộ TT&TT cũng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương coi truyền thông là một chức năng của chính quyền, có bộ máy chuyên trách và có ngân sách hàng năm cho truyền thông (khoảng 1%). “Làm được việc này thì mới giữ được báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, xứng tầm nhiệm vụ và không trở thành báo chí thị trường”.
Cùng với sự hỗ trợ về chính sách, tài chính từ Nhà nước, chính các cơ quan báo chí phải bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích; các vấn đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin định hướng. Trong đó, tăng cường chất lượng thông tin tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu trong cuộc đổi mới; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc. Thông tin trên báo chí chính thống đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời sẽ không tạo ra “khoảng trống” thông tin, hạn chế các đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, chống phá. Báo chí thực hiện có hiệu quả chức năng tham gia giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng phải cân bằng tỷ lệ thông tin tốt - xấu, với mục tiêu thông tin tốt, tích cực là dòng chảy chính của xã hội.
Nghiên cứu cho thấy, những người trải qua cảm xúc tích cực khi đọc một tin tức cảm thấy tốt hơn, có thái độ thuận lợi hơn đối với câu chuyện và cho biết ý định tham gia vào một số hành vi ủng hộ xã hội mạnh mẽ hơn những người trải qua cảm xúc tiêu cực khi đọc một thông tin mới.
Karen McIntyre, 2015
Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí. “CĐS một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số” [11]. Có thể nói, trong công cuộc CĐS, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo nội lực để thực hiện thành công CĐSô quốc gia.
Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, cũng chịu sự tác động của quá trình CĐS nên sẽ phải tiến hành CĐS theo xu thế phát triển chung. CĐS sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Từ đó, báo chí sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin và dư luận xã hội.
Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, trình độ chuyên môn, đạo đức và sự say mê nghề nghiệp, cũng như khả năng nhạy bén nắm bắt và thâm nhập thực tiễn. Do vậy, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ những người đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo chính là phản ánh các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị theo hướng làm cho xã hội tốt đẹp lên. Việc lựa chọn giữa thực tiễn và điều nên phản ánh, phản biện, nêu ý kiến kiến nghị chính là thể hiện bản lĩnh của nhà báo và thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của nhà báo. Cùng với đó, đào tạo, trang bị kỹ năng số cho những người làm báo là rất quan trọng. Được biết, Chương trình đào tạo kỹ năng số cho 10.000 người năm 2022 của Bộ TT&TT sẽ dành ra 3.000 suất cho lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông.
Có thể nói, báo chí cách mạng Việt Nam chính là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước. Đó là, khát vọng đưa dân tộc bước lên những tầm cao mới như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://laodong.vn/thoi-su/bao-chi-voi-su-menh-khoi-day-dinh-huong-dong-chay-van-hoa-tich-cuc-trong-doi-song-xa-hoi-1058420.ldo
[2]. https://www.verywellmind.com/negative-bias-4589618
[3]. https://www.vietnamplus.vn/phan-anh-hien-tuong-tieu-cuc-xa-hoi-truyen-thong-khong- phai-quan-toa/782682.vnp
[4]. https://vietnamnet.vn/hay-phan-anh-dung-nhung-gi-xay-ra-trong-xa-hoi-2031620.html
[5]. https://vietnamnet.vn/su-menh-cua-bao-chi-cach-mang-voi-khat-vong-viet-nam-hung- cuong-thinh-vuong-2031975.html
[6]. https://nhadautu.vn/bao-chi-xay-dung-d53640.html
[7]. https://worldsbestnews.org/constructive-journalism/
[8]. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/154065/Phat-bieu-cua-Bo-truong-Nguyen- Manh-Hung-tai-buoi--gap-mat-bao-chi-cua-Thu-tuong-Chinh-phu.html
[9]. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/152450/Phat-bieu-cua-Bo-truong-Nguyen- Manh-Hung-tai-Hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2021-cua-dai-Tieng-noi-Viet-Nam.html
[10]. https://nguoilambao.vn/phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-le-trao-giai-bao- chi-quoc-gia-lan-thu-xvi-2021-n56063.html
[11]. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/152223/Bo-truong-Nguyen-Manh-Hung-phat- bieu-voi-khoi-quan-ly-bao-chi--xuat-ban-va-truyen-thong-cua-Bo-Thong-tin-va-Truyen- thong.html
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)