Báo chí Mỹ: Khó khăn bị "lột trần" trong đại dịch

Bảo Bình| 27/05/2020 09:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 đang chứng minh giá trị của ngành công nghiệp báo chí, tin tức với độc giả. Nhiều tờ báo cho biết số lượng độc giả đồng ý trả tiền, nhấn nút đăng ký (subscription) tăng rất tốt trong thời gian diễn ra đại dịch.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là mặc dù lượng độc giả tăng cao, song doanh thu quảng cáo lại tụt giảm. Các tòa soạn đang phải "oằn mình" chống đỡ cán cân thu-chi trong đại dịch. Nếu đại dịch chỉ diễn ra vài tháng, các tòa soạn có thể chống đỡ. Nhưng nếu đại dịch kéo dài tới 6 tháng, mọi thứ e rằng sẽ sụp đổ.

Niềm tin được nâng cao nhưng...

Báo chí, cùng với các phương tiện truyền thông khác, chính thức được xem là "thiết yếu" trong bối cảnh nỗi lo sợ đại dịch và tin giả lan rộng. Trong bài phân tích của mình, dự án nghiên cứu báo chí Nieman Lab viết rằng, giá trị và sự cao quý của báo chí trong thời gian này được ví như "ánh trăng bền bỉ và dát vàng", các nhà báo và tòa soạn được độc giả đón nhận, mong chờ mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi buổi sáng thức giấc.

"Chúng tôi nhận được những lá thư bạn đọc đầy tâm huyết và yêu thương", Mike Klingensmith ở nhà xuất bản Star Tritune, tờ báo hàng ngày của thành phố Minneapolis, Mỹ, cho biết. Nội dung những lá thư độc giả bày tỏ sự tôn trọng và khâm phục công việc của các nhà báo. Star Tritune cũng nhận thấy số lượng bạn đọc trung thành gia tăng.

Báo chí Mỹ: Khó khăn bị

"Những bài viết, những tin tức của các bạn trong khủng hoảng COVID-19 được mong đợi và đã truyền cảm hứng để tôi nhấn vào nút đăng ký theo dõi và quyên góp hàng năm", đó là lá thư của một độc giả gửi đến cho biên tập viên Larry Ryckman của tờ Colorado Sun. "Các nhà báo hãy tiếp tục công việc tốt đẹp và luôn nhớ rằng tác phẩm, công sức của các bạn rất có giá trị, không chỉ trong cuộc khủng hoảng này".

Không chỉ là những lá thư gửi đến tòa soạn, nhiều độc giả còn bày tỏ tình yêu, sự ngưỡng mộ với các phóng viên, tờ báo qua các mạng xã hội như Twitter, Facebook.

"Độc giả phản hồi rất nhiều, con số yêu mến tăng lên một cách kinh ngạc", người đứng đầu Đài phát thanh công cộng Colorado, Stewart Vanderwilt, cho biết.

Một biến động lớn, một cuộc khủng hoảng như COVID-19 chính là khi các nhà báo cảm thấy gắn kết nhất với ý thức nhiệm vụ đưa họ vào dòng xoáy công việc. Đó chính là tình yêu - cộng với sự lan truyền mạnh mẽ của số lượng khán giả, đăng ký và thành viên – những tình cảm này đang tràn ngập các nhà xuất bản, tòa soạn báo chí tại Mỹ.

... đối mặt với cuộc khủng hoảng doanh thu quảng cáo

Niềm tin của công chúng đối với báo chí là niềm tự hào cho các tòa soạn và những người làm báo. Nhưng đây là một "niềm ngọt ngào chua xót", bởi vì, cũng có thể là cơ hội cuối cùng của nhiều nhà báo, được làm việc và chứng minh công việc của họ có giá trị như thế nào.

Nhiều trong số trên 20.000 nhà báo của Mỹ những ngày này vẫn nhiệt huyết, làm việc qua điện thoại, trực tiếp, đối diện mối đe dọa vô hình để có những tin tức, những câu chuyện trong khi hầu hết mọi người đang thực hiện "giãn cách xã hội". Tất cả tự hỏi: Tôi sẽ còn được làm báo trong bao lâu nữa?

Một sự thật trớ trêu khủng khiếp khác. Đó là độc giả dành nhiều thời gian hơn cho các tác phẩm báo chí, tin tức, số lượng người sẵn sàng trả tiền để được đọc báo tăng đột biến, cao hơn cả thời điểm kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nhưng nguồn thu từ quảng cáo, từ các doanh nghiệp hỗ trợ tòa soạn lại đang có chiều hướng giảm liên tục.

Câu hỏi được đưa ra lúc này là: Có bao nhiêu nhà báo vẫn sẽ có việc làm một khi cơn hoảng loạn đại dịch thuyên giảm? Doanh thu quảng cáo đã giảm một nửa trong vòng chỉ hai tuần. Và nguồn thu này không có khả năng quay lại nhanh chóng.

Trong đại dịch COVID-19, khủng hoảng doanh thu quảng cáo không chỉ xảy ra với một tờ báo, hay nền báo chí của một quốc gia đơn lẻ, mà đang xảy ra tại Mỹ, Canada, Anh, cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu.

Trên thực tế, câu chuyện về doanh thu từ quảng cáo của ngành công nghiệp báo chí đã "khó thở" từ hơn một thập kỷ. Cuộc đại suy thoái đã rút mất 17% "nguồn oxy" quảng cáo ra khỏi hệ thống báo chí vào năm 2008 - sau đó là 27% nữa vào năm 2009 – và tiếp tục leo dốc ngày càng điên cuồng hơn. Cùng nhau, các tờ báo Mỹ đã mất hơn 70% doanh thu quảng cáo kể từ năm 2006.

Cho đến nay, trong đại dịch COVID-19 này, các nhà xuất bản tại Mỹ cho biết họ sẽ mất đi 30 - 50% tổng doanh thu quảng cáo trong tháng 4. Mọi thứ khó có thể được cải thiện cho đến khi cả thế giới vượt qua giai đoạn cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới này.

Theo Viện nghiên cứu Reuters Institute, cả các trang tin tức trực tuyến và các đài truyền hình đều ghi nhận lượng độc giả, khán giả tăng kỷ lục, khi mọi người ở nhà, giãn cách xã hội và tập trung vào tin tức, diễn biến của đại dịch. Tuy nhiên, nhiều tòa soạn, hãng tin tức độc lập lại rơi vào tình thế đầy rủi ro trong cuộc khủng hoảng này.

Quý thứ hai của năm 2020 đang là một dấu hỏi lớn, các nhà xuất bản cũng biết mức giảm 50% thậm chí chưa phải là trường hợp xấu nhất. Tất cả các ngành nghề đều ngừng trệ: các nhà bán lẻ đóng cửa, đại lý ô tô không bán được xe, rất ít công ty tuyển dụng và liệu ai đủ can đảm tìm mua một ngôi nhà mới hay căn hộ mới vào lúc này? Và ngành công nghiệp báo chí, tin tức đang và sẽ phải đối mặt với những tác động trước mắt và cả tác động lâu dài của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Và điều gì sẽ xảy ra với báo chí trong ngắn hạn?

Câu trả lời rất rõ ràng: những điều tồi tệ sẽ xảy ra! Câu trả lời dài hơi hơn một chút là điều tồi tệ sẽ diễn ra khác nhau giữa từng quốc gia, từng tòa soạn.

Doanh thu quảng cáo đang chịu một cú sụt giảm lớn. Doanh thu quảng cáo sụt giảm sẽ tổn hại cho mọi nhà xuất bản, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với các tờ báo nhỏ và ít quỹ dự phòng, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào quảng cáo.

Doanh thu độc giả khó dự đoán hơn, dù lưu lượng truy cập tăng đột biến và mọi người đều nhắc nhở về tầm quan trọng của nguồn thông tin tin cậy độc lập, ít nhất các tờ báo chính thống, đáng tin cậy cũng có cơ hội thu hút thêm độc giả mới, đặc biệt với những tờ báo đã có cơ chế thu tiền, lượng người đăng ký thuê bao tăng lên. Tuy nhiên, nguồn doanh thu này không đủ để các tòa soạn tiếp tục "sống", và liệu độc giả có tiếp tục chịu bỏ tiền đọc báo sau khi mọi thứ trở lại bình thường. Các nguồn doanh thu khác cũng thay đổi rất nhiều về cả khối lượng và tầm quan trọng đối với các nhà xuất bản. Chẳng hạn, nguồn doanh thu đến từ tổ chức sự kiện. Hiện nay, nhiều tờ báo đang mở rộng mảng kinh doanh sự kiện. Nhưng như trang The Stranger ở Seattle, Mỹ, 90% nguồn doanh thu của họ đến từ tổ chức sự kiện và đại dịch COVID-19 đã thổi sạch hoàn toàn nguồn thu này.

Về lâu dài, các tòa soạn phải làm như thế nào?

Theo phân tích của Reuters Institute, một cuộc suy thoái hoặc trầm cảm sẽ kéo dài sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách quảng cáo, truyền thông.

Quảng cáo sẽ phục hồi khi nền kinh tế phục hồi, nhưng vấn đề là chi tiêu quảng cáo không nhất thiết sẽ hồi sinh như cũ ngay lập tức. Đặc biệt, các công ty cố gắng xây dựng lại doanh nghiệp sẽ tích cực đánh giá lại chi tiêu quảng cáo và tìm cách tối đa hóa lợi tức đầu tư, và bất kỳ tòa soạn, tờ báo nào không thể cung cấp bằng chứng về điều đó sẽ chứng kiến doanh thu quảng cáo giảm vĩnh viễn. Đây là những gì đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính. Quảng cáo tăng trở lại, nhưng quảng cáo báo chí lại không theo qui luật này.

Khi các tòa soạn thực hiện giãn cách xã hội, rửa tay và làm theo lời khuyên của các chuyên gia y tế trong đại dịch COVID-19, họ đồng thời cũng lo lắng tìm lối thoát cho tờ báo của mình. Chính phủ Anh đã công bố gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 330 tỷ bảng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và người thu nhập dưới trung bình bị ảnh hướng do tác động của dịch CIVID-19. Song với báo chí chưa thấy có sự hỗ trợ nào, mặc dù Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden của xứ sở sương mù nhận ra rằng "tin tức chưa bao giờ quan trọng hơn bây giờ". Có thể chính phủ các nước khác sẽ có gói cứu trợ dành cho báo chí, tuy nhiên, điều đó để thấy rằng các tòa soạn đừng trông chờ vào cứu trợ, dù có, thì cũng chỉ giải quyết chút phần ngọn, không thể giải quyết được cái gốc triệt để của những khó khăn mà báo chí gặp phải.

Những tòa soạn muốn phát triển mạnh trong tình huống này cần tập trung phát triển và sáng tạo, thực hiện những giải pháp mà họ muốn cho tương lai, không cố gắng khôi phục quá khứ. Quá khứ chỉ là quá khứ. Và quá khứ sẽ không trở lại. Nếu không, sẽ có những đợt sa thải phóng viên mạnh mẽ.

Ngoài ra, các tòa soạn cần phải tận dụng lợi thế mà dịch COVID-19 đem lại. Đó là số lượng độc giả đồng ý trả tiền, đăng ký thuê bao với các tòa soạn báo đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19 (theo Nieman Lab). Do đó, có hai điều mà mỗi tòa soạn cần làm để duy trì mức tăng trưởng này. Đầu tiên là một tòa soạn có khả năng đưa tin đầy đủ, chính xác về các tin tức mà người đọc quan tâm với những phân tích chiều sâu và am hiểu nhất. Thứ hai là một hệ thống nền tảng của tòa soạn phải cho phép độc giả đăng ký nhanh chóng và dễ dàng nhất.

Vì vậy, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, các tòa soạn hãy hành động ngay bây giờ khi chưa quá muộn, với phương châm hành động "dựa trên cả giá trị của báo chí và dịch vụ cộng đồng"

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí Mỹ: Khó khăn bị "lột trần" trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO