Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo hướng phòng thủ hay chủ động

Lan Phương| 02/06/2020 09:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện là vấn đề đang được xã hội, gia đình và nhà trường quan tâm.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là thế hệ đón nhận nhanh nhất đồng thời chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ, Internet. Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện tại Việt Nam mới đây đây cho biết theo U-Report, cuộc thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên ẩn danh của UNICEF, chỉ ra rằng 1 trong 5 trẻ em/thanh thiếu niên ở Việt Nam đã trở thành nạn nhân của việc đe dọa trực tuyến. Đáng lo ngại hơn, 3/4 trẻ em không biết nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo hướng phòng thủ hay chủ động - Ảnh 1.

AI sẽ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Ảnh: baophapluat.vn)

Với sự tiến bộ của công nghệ nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các chuyên gia công nghệ khẳng định là công nghệ có thể hỗ trợ nhà trường, giáo viên, phụ huynh đồng hành cùng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Là chuyên gia về an toàn thông tin (ATTT), ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT (VNISA) cho biết: Việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng có rất nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi các cuộc tấn công mạng hay là tạo cho các em một môi trường mạng lành mạnh để các em học tập, sinh hoạt mà phải đồng hành với các em.

Theo Hiệp hội, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng có 2 cách: Bảo vệ trẻ một cách triệt để, tức là các giải pháp liên quan đến chặn lọc, giám sát. Việc cấm trẻ em không dùng máy tính, điện thoại chỉ có thể làm tạm thời.

Tuy nhiên, có một điểm được ông Hùng lưu ý là trẻ em hay người lớn đều tò mò nên càng bị chặn thì lại càng muốn xem. Chính vì vậy, Hiệp hội cho rằng cần quan tâm đến xu hướng mới là phòng thủ một cách chủ động tức là không chặn, không giám sát, không làm gì. Nhưng tất cả các nội dung các em xem trên mạng dựa trên các công nghệ AI, dữ liệu lớn, cha mẹ có thể biết con em đang đọc, đang làm, tư duy, chat cái gì với dựa trên công nghệ AI và tối về có thể nói chuyện với con trẻ, điều chỉnh các em.

"Suy cho cùng thì bố mẹ phải hiểu các con để bảo vệ được các con. Hiệp mong muốn cách phòng thủ chủ động sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn. Theo đó, kết hợp các giải pháp bảo vệ trẻ em phòng thủ và chủ động có thể mang lại hiệu quả nhất", ông Hùng cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Hùng cho biết: Có những trường hợp, chúng tôi đã đào tạo các em nghiện game trở thành những người viết game. Bản thân chơi game không phải là không tốt nhưng chơi phải đúng cách. Nếu chơi trong một thời gian dài là phản tác dụng, phản khoa học. Chơi điều độ, sáng tạo là tốt. Thay vì học sinh nghiện game thì tạo các em tạo ra game. Thầy giáo là huấn luyện viên đồng hành các em, nên tương tác hai chiều với các em.

Hiệp hội ATTT sẽ có một loạt sự kiện để có thể nâng cao nhận thức cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong sự kiện ngày ATTT 2020 sẽ có những hội thảo chuyên đề riêng biệt về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

"Chúng ta đã có những sản phẩm ATTT Việt được nhiều cơ quan nhà nước sử dụng nhờ các cuộc bình chọn sản phẩm ATTT. Hiệp hội sẽ tổ chức bình chọn sản phẩm ATTT cho trẻ em để truyền thông những sản phẩm tốt cho trẻ em. Hiệp hội mong muốn sự đồng hành của các bên để đưa sản phẩm an toàn đến gần hơn cho trẻ em", ông Hùng cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo hướng phòng thủ hay chủ động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO