Diễn đàn

Bí thư Đà Nẵng nêu 3 nhóm giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho DN bán dẫn

Anh Minh 12/08/2024 06:10

Thành phố Đà Nẵng quyết tâm kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp (DN) tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của Thành phố là kết quả của quá trình lãnh đạo và chỉ đạo trong hơn 20 năm qua của Đà Nẵng.

Đáng chú ý là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/10/2000, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/3/2003 của Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến phát triển công nghiệp phần mềm, ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và kinh tế số của thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Thành ủy về chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 với những tuyên bố chung mạnh mẽ về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã triển khai nhiều bước đi cụ thể với định hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), mà trọng tâm là liên kết hợp tác các DN, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và của Thành phố.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết Thành phố đã tổ chức Hội thảo về giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng; tổ chức các chuyến công tác đến Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel, Qualcomm...

04.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

“Qua các cuộc khảo sát, làm việc, các đối tác đã đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, AI của TP. Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Ba nhóm giải pháp kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN bán dẫn

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để DN tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý tạo ra chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.

Đà Nẵng nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là kết quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, dài hạn để phát triển bền vững. Thành phố xác định ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn và AI là 1 trong 5 nhóm ngành quan trọng, đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho TP. Đà Nẵng.

Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 được Quốc hội ban hành về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, AI như các chính sách: Miễn thuế thu nhập DN, miễn thuế thu nhập cá nhân; hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; thu hút chuyên gia, nhà khoa học; hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho DN…

Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các DN, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ, ký kết hợp tác lâu dài với Thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố.

Ông Nguyễn Văn Quảng cho hay những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực và chuyển biến quan trọng để thu hút sự đầu tư, hợp tác của các DN trong và ngoài nước đến với thành phố trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và AI.

Hiện nay, Thành phố cũng đang tập trung xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và AI kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025, góp phần nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các sinh viên theo học ngành bán dẫn, vi mạch và AI chuyên gia về làm việc, chuyển giao công nghệ cũng như có cơ chế hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI của thành phố.

Giải pháp thứ hai được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ là chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các DN triển khai dự án và hợp tác về vi mạch, bán dẫn, AI. Hiện nay, Đà Nẵng có 1 Khu công nghệ cao và 3 khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Thành phố đang xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024 Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự và hiện đang xúc tiến đầu tư thêm 3 khu CNTT mới để đón nhận dự án đầu tư; đồng thời chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của các nhà đầu tư vi mạch, bán dẫn và AI.

Giải pháp thứ ba là liên kết, hợp tác với các DN trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa với khoảng 5.700 sinh viên. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, các trường đại học trên địa bàn thành phố đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với các DN thiết kế vi mạch để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu DN.

Kiến nghị sớm ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

TP. Đà Nẵng đã có những kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 3 nội dung.

Một là, sớm trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, trong đó, phân bổ các nguồn lực thích hợp, tập trung tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh trong đó có TP. Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.

Hai là, sớm có phương án đầu tư Trung tâm phục vụ công nghiệp bán dẫn quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để hỗ trợ kịp thời cho các DN bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.

Ba là, có cơ chế thành lập các Quỹ đầu tư, Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn cấp quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Làm việc và thu hút các tập đoàn quốc tế hỗ trợ cho hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.

092515-semiconductor.jpg
Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. (Ảnh: Internet)

Theo thống kê, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có khoảng 10 DN thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa và các trường Đại học trên địa bàn thành phố.

So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Thành phố chiếm gần 10%. Thành phố quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và AI trên cơ sở là nhu cầu của các DN đã và đang có dự định đầu tư tại Đà Nẵng.

Thành phố cũng hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp nhân lực cho các DN vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước. Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trong đó, 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.

Đầu năm nay, Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/01/2024. Theo Bí thư Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá đây là Trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và AI của cả nước.

Ngay sau khi thành lập, Trung tâm cũng đã ký kết 2 hợp tác chiến lược với Tập đoàn Synopsys và Tập đoàn Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và AI cho thành phố./.,

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Đà Nẵng nêu 3 nhóm giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho DN bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO