Chuyển đổi số

Bình Thuận đề nghị hỗ trợ chuyển đổi số tại Mũi Né

Tâm An 03/05/2024 07:15

Lĩnh vực du lịch là một thế mạnh của tỉnh Bình Thuận và được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, CĐS trong lĩnh vực du lịch của Bình Thuận bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng nhất định.

Phát biểu tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS mới đây, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, du lịch Bình Thuận đã dần hồi phục và có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong năm 2023, lượng du khách đến Bình Thuận đạt 8,35 triệu lượt, tăng 45,98% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 22.300 tỷ đồng, tăng khoảng 63%.

Ngoài lợi thế về hạ tầng, đặc biệt là sau khi tỉnh chính thức đưa vào hoạt động hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nối Bình Thuận với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thì hoạt động CĐS, đẩy mạnh truyền thông về du lịch trên các nền tảng số, cung cấp các tiện ích, thông tin cho du khách cũng góp phần làm tăng lượng du khách đến Bình Thuận trong thời gian qua.

Bình Thuận cũng xác định du lịch là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

CĐS lĩnh vực du lịch đạt được nhiều kết quả quan trọng

Du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, với mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành du lịch; phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch Bình Thuận, tạo môi trường để các doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước có thể chia sẻ, liên kết cung cấp và tiếp cận các dịch vụ ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng.

Qua hơn 2 năm chỉ đạo triển khai thực hiện, CĐS trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Bình Thuận bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, Bình Thuận đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận vào tháng 4/2022 (sử dụng được trên cả nền web, ứng dụng di động, với tên App là Binh Thuan Tourism). Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh tích hợp các CSDL ngành du lịch và bản đồ số về du lịch Bình Thuận tạo thuận lợi, hỗ trợ du khách có thể chủ động hơn trong việc lên lịch trình, tìm kiếm những địa điểm lưu trú, ẩm thực một cách thuận tiện; cung cấp cẩm nang du lịch Bình Thuận.

418-202404301629001.jpg
Giao diện website Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận.

Cổng thông tin du lịch thông minh là cầu nối để đưa các sản phẩm số hóa các địa điểm du lịch của tỉnh tới khách du lịch nhanh và hiệu quả nhất. Đồng thời, đây là kênh tích hợp tất cả thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch tỉnh cũng như những nét đặc trưng riêng của văn hóa, thể thao và du lịch địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh có hơn 10,5 triệu lượt truy cập; hơn 260 tin, bài thông tin, giới thiệu các sự kiện về du lịch của tỉnh; cập nhật dữ liệu của trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lưu trú, điểm ăn uống, mua sắm, tham quan, giải trí, lữ hành…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai công nghệ thực tế ảo VR360 để giới thiệu các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng. Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo VR360 cho phép du khách sử dụng máy vi tính hoặc thiết bị thông minh có kết nối Internet trải nghiệm, tương tác trực tiếp vào không gian của địa điểm du lịch, từ đó tạo nên sự ấn tượng, thu hút du khách đến tham quan thực tế.

418-202404301629002.jpg
Du khách đang quét mã QR tại Thanh Minh tự. (Ảnh: Nguyên Vũ)

Đồng thời, Bình Thuận cũng đã triển khai sử dụng QR code để cung cấp đầy đủ thông tin giới thiệu các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của tỉnh. Theo đó, du khách khi đến các địa điểm tham quan chỉ cần dùng thiết bị di động thông minh có kết nối Internet quét mã QR sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về địa điểm tham quan mà không cần phải có thuyết minh viên.

418-202404301629003.jpg
Ứng dụng Công dân số Bình Thuận cung cấp và cập nhật thường xuyên thông tin về lễ hội, ẩm thực, địa điểm lưu trú, du lịch tại địa phương. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, ứng dụng Công dân số Bình Thuận được cài đặt trên các thiết bị di động thông minh cung cấp và cập nhật thường xuyên thông tin về lễ hội, ẩm thực, địa điểm lưu trú, du lịch tại địa phương. Đây cũng là một trong những kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân trên môi trường số.

Ngoài cổng thông tin du lịch thông minh, ngành du lịch Bình Thuận còn đẩy mạnh việc quảng bá, truyền thông về du lịch trên môi trường Internet thông qua các trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube…; hay các chuyên trang về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và của cả nước.

Một số đề xuất

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được, CĐS lĩnh vực du lịch của tỉnh thời gian qua cũng gặp một số khó khăn và hạn chế nhất định, như việc xây dựng các ứng dụng công nghệ còn rời rạc và chủ yếu là tại một số địa bàn trung tâm, nên sự liên kết đồng bộ chưa thống nhất; nguồn kinh phí, nguồn lực của tỉnh dành cho lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Với mong muốn đẩy mạnh triển khai CĐS đối với lĩnh vực du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Ủy ban Quốc gia về CĐS, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét chỉ đạo các nội dung cụ thể.

Thứ nhất là, tiếp tục chỉ đạo xây dựng, phát triển hoàn thiện các nền tảng số quốc gia trong lĩnh vực du lịch; trọng tâm là các nền tảng số quốc gia phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch để các tỉnh/thành phố sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Thứ hai là, đề nghị xem xét có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ thực hiện CĐS tại các Khu du lịch quốc gia (trong đó có Mũi Né, tỉnh Bình Thuận), với các nội dung ưu tiên: phát triển hạ tầng số (mạng 5G), các thiết bị IoT (cảm biến thu thập, phân tích về chất lượng không khí, nguồn nước,…), nền tảng số quản trị Khu du lịch quốc gia thông minh,…/.

Bài liên quan
  • Công nghệ đang thay đổi du lịch Việt Nam như thế nào?
    Trong những năm gần đây, sự giao thoa giữa du lịch và công nghệ, thường được gọi là công nghệ du lịch, đã khơi dậy sự đổi mới, với nhiều công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ du lịch đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận đề nghị hỗ trợ chuyển đổi số tại Mũi Né
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO