Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020

Lan Phương| 19/10/2021 19:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/10, Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã công bố báo cáo Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) cấp bộ, cấp tỉnh (DTI) năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

Những điểm nổi bật của báo cáo DTI

Báo cáo kết quả đánh giá CĐS của cơ quan nhà nước (CQNN) năm 2020, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, cho biết năm 2020 là năm đầu tiên Bộ TT&TT đánh giá chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá chỉ số CĐS qua hình thực trực tuyến tại đại chỉ https://dti.gov.vn.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Tiến: DTI các bộ không có sự chênh lệch quá lớn.

Đối tượng đánh giá của báo cáo, tập trung vào hai khối: Khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là cấp bộ) và và khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), trong đó khối bộ được chia là 2 nhóm: bộ có cung cấp DVC và bộ không cung cấp DVC.

DTI 2020 cấp bộ bao gồm 07 chỉ số chính, 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí (109 tiêu chí được thực hiện đánh giá từ số liệu thu thập của bộ, ngành báo cáo; 02 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, doanh nghiệp (DN)). DTI 2020 cấp tỉnh, bao gồm 03 trụ cột là Chính quyền số; kinh tế số; xã hội số, với tổng 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí (57 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, DN, các công chức).

Mỗi trụ cột đều có 07 chỉ số chính và các chỉ số thành phần, tiêu chí tương ứng, cụ thể: Chính quyền số có 45 chỉ số thành phần và 133 tiêu chí; kinh tế số có 2 chỉ số thành phần và 101 tiêu chí; xã hội số có 27 chỉ số thành phần và 72 tiêu chí.

Cụ thể, kết quả DTI 2020 cấp tỉnh đánh giá, đo lường mức độ CĐS của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo 03 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong khi đó DTI 2020 cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung. DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp DVC trung bình là 0,3982 và DTI 2020 của các bộ không cung cấp DVC trung bình là 0,2342.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 2.

Xếp hạng DTI 2020 cấp bộ cung cấp DVC: Bộ Tài chính xếp vị trí thứ nhất với 0.4944. Giá trị DTI thấp nhất (0,2472) và cao nhất (0,4944). DTI các bộ không có sự chênh lệch quá lớn.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 3.

Xếp hạng DTI 2020 cấp bộ không cung cấp DVC, Đài Truyền hình Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với 0,2995. Giá trị DTI thấp nhất (0,0992) và cao nhất (0,2995)

Đối với DTI 2020 cấp tỉnh, kết quả xếp hạng DTI cho thấy, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng trong top 10 của bảng xếp hạng DTI 2020 lần lượt là: TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, TP. Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang, Bắc Giang. Với DTI là 0,4874, TP. Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. TP. Đà Nẵng cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 03 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 4.

Với DTI là 0,4874, TP. Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong các chỉ số chính của DTI 2020 cấp bộ, cấp tỉnh, chỉ số hoạt động CĐS của DTI cấp bộ và chỉ số hoạt động chính quyền số (thuộc trụ cột Chính quyền số) của DTI 2020 cấp tỉnh có bước tiến nhanh hơn so với các chỉ số chính khác.

Theo lý giải của ông Nguyễn Phú Tiến, việc này kế thừa những thành quả từ việc thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT)/Chính quyền điện tử. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Theo báo cáo DTI 2020, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các các CQNN đạt 90,819 %; tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 đạt 30,86% và ở hiện tại tỷ lệ này đạt 41,05 %. Chỉ số đánh giá trên không gian mạng về CĐS, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở ngưỡng 0,4 cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức tương tác giữa 3 đối tượng: người dân, DN và cơ quan nhà nước (CQNN) đã đến chuyển từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Mặc dù vậy, theo ông Tiến, việc đào tạo và phát triển nhân lực cho CĐS vẫn là hạn chế lớn, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Chỉ số này ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số còn rất thấp; với trung bình chỉ số đào tạo và phát triển nhân lực lần lượt 3 trụ cột như sau: Chính quyền số: 0,29; kinh tế số: 0,10; xã hội số: 0,23.

"Điều này cho thấy rằng, mặc dù mức độ sử dụng DVC trực tuyến và sử dụng dịch vụ trên Internet của người dân đã được cải thiện liên tục; hạ tầng và nền tảng số đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhưng việc đào tạo và phát triển nhân lực số để người dân hoạt động hiệu quả trong xã hội số và tận hưởng dịch vụ số còn chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả này cũng cho thấy CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu", ông Tiến cho biết.

Một điểm nhấn nữa, theo ông Tiến, năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các CQNN, các DN tham gia vào quá trình CĐS ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết CĐS; 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch CĐS giai đoạn 2021 - 2025".

Cụ thể, 12 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết CĐS: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, TP. Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hải Dương, Hậu Giang, Ninh Bình, Quảng Nam, Tây Ninh và Thái Nguyên. 50 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch CĐS giai đoạn "2021 - 2025".

Bức tranh tổng thể về CĐS Việt Nam năm 2020

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết báo cáo năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nên chủ đề CĐS năm 2020 được chọn là "CĐS mở đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động".

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Bộ chỉ số để mỗi cơ quan, tổ chức chúng ta tự đánh giá mức độ CĐS của chính mình

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ có nhận thức kịp thời về CĐS và sau năm khởi đầu hy vọng sẽ có làm được nhiều việc hơn. CĐS là quá trình, không phải đích đến. Để CĐS thành công chúng ta luôn phải có đồng hồ, có thước đo để chúng ta biết chúng ta đi đúng hướng, đi với tốc độ nào trên chặng đường CĐS này. Nói cách khác chúng ta cần một bộ chỉ số đo lường về mức độ CĐS".

Theo Thứ trưởng, bộ chỉ số đo lường CĐS cũng giống như rất nhiều bộ chỉ số đo lường xếp hạng khác, có ý nghĩa tương đối và mong rằng các cơ quan, tổ chức, các vộ, tỉnh coi đây là bộ chỉ số để đánh giá và so sánh với chính mình hơn là bộ chỉ số xếp hạng. Mức độ CĐS của các cơ quan, tổ chức là khác nhau và phụ thuộc vào đặc thù của cơ quan, tổ chức đó và mọi bảng xếp hạng nếu có thì cũng chỉ là tương đối. Vì vậy, đây là bộ chỉ số để mỗi cơ quan, tổ chức chúng ta tự đánh giá mức độ CĐS của chính mình. Còn nếu tham chiếu, so sánh, tham khảo với các bộ, tỉnh thành khác, câu chuyện thành công khác thì cũng là bổ ích.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 6.

Toàn cảnh buổi công bố bộ chỉ số CĐS

"Bộ chỉ số nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về CĐS năm 2020 của Việt Nam. Trong năm 2021, chúng ta cũng đặt mục tiêu cao là đưa 100% DVC trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 và đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng cho biết thêm.

Bộ chỉ số được xây dựng công phu

Thông tin về việc xây dựng bộ chỉ số CĐS, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết quá trình xây dựng bộ chỉ số, có thể nói, là rất công phu, nghiêm túc, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu một cách hết sức cầu thị. Quá trình tổng hợp, thu thập số liệu báo cáo của các CQNN TW và địa phương, kết hợp với kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, tính toán theo các tiêu chí định trước, cho ra chỉ số CĐS của từng bộ, tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020 - Ảnh 7.

Chủ tịch VDCA: Quá trình xây dựng bộ Chỉ số, có thể nói, là rất công phu, nghiêm túc, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi

Chủ tịch VDCA cho biết CĐS tại Việt Nam đã tăng tốc và đạt kết quả mạnh mẽ ở các lĩnh vực, như: thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch và đi lại, dịch vụ giáo dục… Trong khu vực công, tiến trình xây dựng CPĐT trong những năm vừa qua, hướng tới Chính phủ số trong thời gian vừa qua, cũng đạt được kết quả ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp DVC trực tuyến.

Chủ tịch VDCA cho rằng, đi vào chiều sâu của "CĐS" sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. Sau thành công của giai đoạn vừa qua, tức là nêu cao được tính cần thiết của CĐS; thách thức sẽ là làm sao CĐS thực sự hiệu quả.

Từ phía Nhà nước, Chủ tịch VDCA cho rằng cần có được những chính sách khai thác được hiệu quả những nguồn lực đã đầu tư cho hệ thống hạ tầng; cho hệ thống CPĐT, đô thị thông minh; cũng như các nền tảng/ứng dụng đã xây dựng ở các ngành khác nhau. Ở góc độ đó, bộ chỉ số DTI sẽ là "chỉ dấu" quan trọng để biết tính hiệu quả của CĐS đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VDCA, điều này cũng đặt ra yêu cầu, bản thân bộ chỉ số DTI cũng cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của CĐS. Trong các năm tiếp theo Báo cáo cũng nên có những phân tích sâu hơn, chỉ ra các bài học thành công; những điểm hạn chế và những "vùng" cần cải thiện trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hàng năm, có thể chọn một chuyên đề nổi bật để đưa vào phân tích, tạo ra điểm nhấn cũng như tăng tính hấp dẫn cho báo cáo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính, Đà Nẵng đứng đầu mức độ CĐS năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO