Bộ Tài chính trên hành trình tới tài chính số: Xây dựng hệ sinh thái giao dịch tài chính số (Phần 2)

Kim Liên| 04/02/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ghi nhận những thành công trong cải cách, trong việc ứng dụng tin học hóa và số hóa.

Đặc biệt là các lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. Doanh nghiệp (DN), người dân đã thấy rõ sự công khai minh bạch. 

Ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ nội bộ và các hoạt động chuyên ngành

Bên cạnh việc triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) nhằm từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuế, hải quan, ngân quỹ,.... Bộ Tài chính cũng dành nhiều nguồn lực để xây dựng các hệ thống CNTT phục vụ công tác quản lý nội ngành nhằm từng bước nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính. 

Một số kết quả chính của công tác triển khai ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ Tài chính như: Các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ hầu hết đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) nội bộ của Bộ Tài chính và các Tổng cục. Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để có thể tham gia các cuộc họp trên môi trường mạng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc họp sơ kết, tổng kết của Bộ trưởng Bộ Tài chính với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng.

Ngoài ra, phần mềm kế toán nội bộ đã được triển khai tại tất cả các đơn vị trong ngành Tài chính. Đặc biệt, tại Kho bạc Nhà nước đã được triển khai đầy đủ với cả 4 phân hệ nghiệp vụ là: Quản lý Tài chính - Kế toán; Lập và Phân bổ dự toán; Lương và các khoản chi cá nhân; Quản lý Ấn chỉ. Nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về quản lý kế toán, Bộ Tài chính dự kiến sẽ triển khai ứng dụng Kế toán nội bộ tại các đơn vị và kết nối phục vụ tổng hợp quyết toán, kế toán toàn ngành.

Chương trình quản lý văn bản và điều hành đã được Bộ Tài chính triển khai, khai thác sử dụng hiệu quả ở trụ sở cơ quan Bộ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Toàn bộ văn bản đến, văn bản đi, tờ trình lãnh đạo Bộ (trừ các văn bản có nội dung mật) đã được quét, xử lý, lưu trữ trên chương trình quản lý văn bản và điều hành. Việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính cũng được thực hiện hiệu quả thông qua việc kết nối các chương trình quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị với Hệ thống trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính. 

Bên cạnh đó, việc gửi nhận văn bản điện tử được thực hiện thông suốt với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Sau 05 năm khai thác sử dụng, số lượng văn bản điện tử được lưu trữ, quản lý trên chương trình là khoảng 2.191.869 văn bản (1.745.297 văn bản đến; 201.056 văn bản đi; 243.443 tờ trình Bộ; 2.073 các loại văn bản nội bộ khác), trung bình hàng năm số lượng văn bản được lưu trữ, quản lý trên chương trình là hơn 400.000.

Ngoài ra, hệ thống thông tin quản lý cán bộ Bộ Tài chính theo mô hình tập trung đang được triển khai tại các đơn vị hành chính thuộc Bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: Khối cơ quan Bộ; 05 đơn vị cấp Tổng cục thuộc Bộ; đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 10 tổ chức, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Theo kế hoạch dự án hệ thống thông tin quản lý cán bộ Bộ Tài chính theo mô hình tập trung sẽ hoàn thành triển khai trong năm 2021. Sau khi hoàn thành triển khai phần mềm 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử. Thiết lập mã định danh duy nhất về cán bộ công chức ngành Tài chính.

Thêm vào đó, ngành Tài chính đã triển khai hơn 100 phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn, sẵn sàng cho việc truy cập và khai thác thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, trong đó đặc biệt quan trọng là các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi như: Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS), Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM), Hệ thống trao đổi dữ liệu số ngành Tài chính (trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN),... 

Hiện nay một số hệ thống thông tin cốt lõi sau khi đã được triển khai, ứng dụng trong thời gian dài đang được các Tổng cục nghiên cứu xây dựng các hệ thống mới để thay thế như Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số (VDBas - thay thế cho hệ thống TABMIS) hoặc thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số (thay thế cho hệ thống VNACCS/VCIS).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng mới các hệ thống ứng dụng CNTT mang tính tích hợp cao theo phương thức tập trung trên các lĩnh vực chuyên ngành: thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc, chứng khoán, dự trữ; từng bước hình thành hệ thống thông tin tài chính tích hợp. Một số ứng dụng điển hình: Hệ thống Tổng kế toán Nhà nước, Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước xây dựng hệ thống Tổng Kế toán Nhà nước, đảm bảo yêu cầu ghi nhận, tổng hợp và trình bày hệ thống thông tin tài chính nhà nước dưới hình thức báo cáo tài chính của Chính phủ và chính quyền địa phương, bao gồm đầy đủ các đối tượng KTNN đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế và lần đầu tiên KBNN đã có báo cáo tài chính nhà nước niên độ 2018, báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2020.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, giai đoạn 2016 – 2020, nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đã đạt được kết quả mang tính đột phá, mang tính cách mạng. Tính đến ngày 15/6/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 226 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 Bộ, ngành kết nối với khoảng 3,89 triệu hồ sơ của 47,7 nghìn DN.

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và DN; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của DN xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của DN. Đến nay, Hệ thống VASSCM đã được triển khai tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh và thành phố.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình làm thủ tục hải quan cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, từ ngày 15/3/2017, Cổng thông tin tờ khai hải quan chính thức được vận hành, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các Bộ, ngành có liên quan để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các TTHC khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Về phía Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Việc triển khai hóa đơn điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho DN, qua đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của DN. 

Bộ Tài chính trên hành trình tới tài chính số: Xây dựng hệ sinh thái giao dịch tài chính số (Phần 2) - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Phát huy kết quả đạt được, nhiều DN khác ngoài các DN lớn được lựa chọn thí điểm đã và đang lựa chọn hình thức hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đường sắt, Công ty Thế giới di động, Công ty CP bán lẻ FPT, Ngân hàng Phương Đông, Công ty AVG, Công ty Cáp treo Bà Nà,... Đến nay khoảng 250 DN tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã dần đi vào thực tiễn và một số DN tham gia thí điểm đã lựa chọn sử dụng hình thức hóa đơn này để thay thế hoàn toàn các hình thức hóa đơn trước đây. Nhiều DN nhận thấy lợi ích của hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã chủ động liên hệ đến cục thuế để đăng ký được tham gia triển khai. Một số DN đã tự đầu tư nhân lực và chi phí để cập nhật ứng dụng quản lý hóa đơn của mình kết nối đến cổng cấp mã của cơ quan thuế cho thấy mức độ cần thiết sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế của DN.

Trên cơ sở lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và kết quả triển khai thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế, ngày 12/9/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 Quy định về hóa đơn, chứng từ. Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1194/QĐ-BTC về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử tại cơ quan thuế”.

Triển khai quy định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại Điều 9 - Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành các Nghị định, đồng thời ban hành các Thông tư, các bộ tiêu chí để cụ thể các nội dung thực hiện. Các quy định cũng được nghiên cứu theo định hướng ứng dụng hiệu quả các giải pháp, kỹ thuật CNTT hiện đại như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI). Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ để nâng cấp kiến trúc và triển khai ứng dụng đáp ứng nghiệp vụ phân tích rủi ro trong quản lý thuế khi các quy định về nghiệp vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế được ban hành.

Hướng tới người dân, DN là trung tâm phục vụ

Hiện nay Bộ Tài chính và các Tổng cục đều đã triển khai Cổng/Trang thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và công khai TTHC, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến người dân và DN, đã đóng góp lớn vào công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức theo từng lĩnh vực. 

Đến nay, tổng số TTHC và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính là 895, trong đó số DVCTT mức độ 1 là 94 (đạt tỷ lệ 10,5%); số DVCTT mức độ 2 là 281 (đạt tỷ lệ 31,4%); số DVCTT mức độ 3 là 80 (đạt tỷ lệ 8,9%); số DVCTT mức độ 4 là 440 (đạt tỷ lệ 49,2%). Tổng DVCTT mức độ 3,4 là 520 (đạt tỷ lệ 58,1%).

Về tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính lên Trục quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG): Tính đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 285/520 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng DVCQG, đạt tỷ lệ 54,8%, trong đó: Tổng cục Thuế 150 DVCTT, Tổng cục Hải quan 72 DVCTT, Kho bạc nhà nước 7 DVCTT, Cơ quan Bộ Tài chính 56 DVCTT.

Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã cung cấp 31 DVCTT mức độ 3, 27 DVCTT mức độ 4 trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Quản lý, giám sát kế toán và kiểm toán, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý giá, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý công sản và Cục Tin học và Thống kê tàichính. Đối với dịch vụ công cấp mã số do Cục Tin học và Thống kê tài chính chủ trì đã được triển khai nâng cấp thành DVCTT mức độ 4 tại trụ sở Bộ Tài chính và các Sở Tài chính của 63 tỉnh, thành phố, cho phép các đơn vị có quan hệ ngân sách và các tổ chức có thể đăng ký và nhận giấy chứng nhận đăng ký mã số trên mạng.

Việc triển khai dịch vụ cấp mã số trực tuyến bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Cụ thể, tại một số tỉnh như: Sơn La, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận có 100% hồ sơ cấp mã được thực hiện trực tuyến. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp mã số mức độ 3, 4 đã giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước; giảm thiểu công sức đi lại để đăng ký mã số; được các địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách đánh giá cao, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi. 

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục một số hạn chế trong quá trình xử lý trả lời các câu hỏi do độc giả gửi đến, Bộ Tài chính đã từng bước áp dụng công nghệ AI để xây dựng hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động. Mỗi câu hỏi do độc giả gửi đến sẽ được sinh mã tự động, giúp người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi được tình trạng câu hỏi của mình. Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động cũng giúp việc tổng hợp báo cáo, thống kê về tình trạng tiếp nhận câu hỏi và trả lời được đầy đủ khoa học, giảm thiểu tối đa tình trạng thất lạc câu hỏi và câu trả lời.

Đến nay, số lượng TTHC thuế được cung cấp trực tuyến là 303 TTHC. Trong đó có 182/304 TTHC đã triển khai nâng cấp lên DVCTT mức 3, 4. Các nhóm dịch vụ công từ mức độ 3 trở lên gồm: Hệ thống dịch vụ thuế điện tử (gồm: Khai thuế điện tử; Nộp thuế điện tử; Hoàn thuế điện tử); Hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn (hóa đơn điện tử). Cơ quan thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai nộp thuế điện tử, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là khoảng 99,17%, số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là khoảng 99% trên tổng số DN đang hoạt động.

Đẩy mạnh CĐS lĩnh vực Thuế, Hải Quan và Kho Bạc

Hoàn thiện hệ thống Thuế điện tử

Tổng cục Thuế cũng đã triển khai ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC bao gồm quản lý hồ sơ vào/ra (hồ sơ của NNT gửi đến cơ quan thuế và ngược lại). Các TTHC thuộc lĩnh vực thuế đã đáp ứng DVCTT mức độ 3,4 bao gồm: số lượng DVCTT mức 3 có 32 TTHC; số lượng DVCTT mức 4 có 150 TTHC. Số lượng DVCTT lĩnh vực thuế đã tích hợp lên Cổng DVCQG là 150 DVCTT; số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên hồ sơ lên Cổng DVCQG trong năm 2020 là 10.636.819 hồ sơ.

Trong thời gian 5 năm qua, Tổng cục Thuế đã duy trì hệ thống website của mình hoạt động ổn định cung cấp đầy đủ, kịp cung cấp các thông tin chính sách pháp luật, các họat động của cơ quan Thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác công khai thông tin trên trang website của Tổng cục Thuế.

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến nay đã có trên 800.000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,9% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận gần 60 triệu hồ sơ.

Tính đến hết năm 2020, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ điện tử với cơ quan thuế là 800.007 DN, đạt tỷ lệ 98,76% trên tổng số 809.307 DN đang hoạt động. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 798.101 DN trên tổng số 809.307  DN đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 98,52% trên tổng số DN đang hoạt động. Đến hết năm 2020, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 16.162.683 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 3.059.880 tỷ đồng và 65.103.199 USD.

Bộ Tài chính trên hành trình tới tài chính số: Xây dựng hệ sinh thái giao dịch tài chính số (Phần 2) - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Ngày 04/8/2017, Tổng cục Thuế triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế tại 63 tỉnh/thành phố. Tính từ năm 2017 đến năm 2020, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử là 16.119 trên tổng số17.61 DN hoàn thuế đạt tỷ lệ 91,51%. Số hồ sơ tiếp nhận là 80.309 hồ sơ trên tổng số 86.355 hồ sơ đạt tỷ lệ 93 %. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 64.445 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 387.876 tỷ đồng.

Từ tháng 12/2017, Tổng cục Thuế triển khai khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2019 triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Tính đến hết năm 2020, số tài khoản đã đăng ký: 241.258 tài khoản (trong đó, Cục Thuế TP. Hà Nội: 41.724 tài khoản; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: 115.579 tài khoản; Các Cục Thuế còn lại: 83.955 tài khoản). Số tờ khai đã gửi: 408.843 tờ khai (trong đó, Cục Thuế TP. Hà Nội: 102.793 tờ khai; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: 276.342 tờ khai; các Cục Thuế còn lại: 29.708 tờ khai). Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối dữ liệu với 7 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng VietcomBank, VietinBank, AgriBank, BIDV, PVBank, MBBank, TPBank) phục vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Hiện nay, các cá nhân có thể nộp thuế điện tử trên các kênh thanh toán của ngân hàng.

Triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử: trong tháng 6/2020 Tổng cục Thuế đã triển khai khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy tại 2 Cục Thuế TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến tháng 8/2020 đã triển khai nộp thuế điện tử trên cả nước. Kết quả triển khai đến hết năm 2020 như sau: Tại Cục Thuế TP. Hà Nội số lượng tờ khai điện tử 15.505 hồ sơ, chiếm 7,18% trên tổng số 215.925 hồ sơ; Cục Thuế TP Hồ Chí Minh số lượng tờ khai điện tử 12.806 hồ sơ, chiếm 5,07% trên tổng số 252.372 hồ sơ. Số lượng chứng từ điện tử 171.584 chứng từ, chiếm 7,77% trên tổng số 2.209.081 chứng từ cả nước... 

Tiến tới Hải quan thông minh

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng, cụ thể: kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức gần như giữ nguyên (mỗi năm tăng trung bình hơn 01%). Nhờ ứng dụng CNTT, việc làm thủ tục hải quan của DN được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng.

Hiện nay, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, hơn 99,65% DN tham gia; thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị Hải quan trên toàn quốc, thông qua việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DNp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây.

Bộ Tài chính trên hành trình tới tài chính số: Xây dựng hệ sinh thái giao dịch tài chính số (Phần 2) - Ảnh 3.

Công tác ứng dụng CNTT trong 5 năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển, trong đó lĩnh vực XNK chiếm vị thế ưu việt với tốc độ tăng trưởng cao duy trì đều đặn năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể kim ngạch XNK qua các năm là 2015 đạt 327,59 tỷ USD (tăng 9,9%), năm 2016 đạt 351,38 tỷ USD (tăng 7,3%), năm 2017 đạt 428,13 tỷ USD (tăng 21,8%), năm 2018 đạt 480,57 tỷ USD (tăng 12,2%), năm 2019 đạt 517,66 tỷ USD (tăng 7,7%), năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD (tăng 5,4%). Kết quả này đã chứng minh công tác ứng dụng CNTT đã góp phần không nhỏ cho hoạt động thương mại, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại đã giảm rất nhiều TTHC cho DN.

Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác với 42 ngân hàng thương mại nhằm trao đổi thông tin nộp tiền bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế có mở tài khoản tại ngân hàng thương mại trong đó có 28 ngân hàng thương mại tham gia thanh toán điện tử 24/7. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Hải quan và ngân hàng thương mại đã phối hợp triển khai hình thức nhờ thu, qua đó khi người nộp thuế đăng ký sử dụng hình thức này phát sinh số phải thu, Tổng cục Hải quan sẽ tự động gửi thông tin số phải thu này cho ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán tiền thuế cho DN. Hình thức nhờ thu này chính thức được triển khai từ 26/11/2019 với 05 ngân hàng thương mại tham gia.

Đến thời điểm hiện tại, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 97,1% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Như vậy, số thuế XNK thu bằng phương thức điện tử của giai đoạn 2016 - 2020 gấp hơn 1,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 (tính đến tháng 12/2015, số thu thuế XNK bằng phương thức điện tử chỉ chiếm khoảng 63,4 % số thu ngân sách của ngành Hải quan).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Hải quan đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường cung cấp DVCTT phục vụ người dân, DN và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, số lượng TTHC cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 3, mức độ 4 là 203 TTHC, tăng gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; số hồ sơ xử lý đạt 871.662, tăng gấp 30 lần so với số hồ sơ xử lý trong giai đoạn 2011 - 2015.

Nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình làm thủ tục hải quan, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin liên quan đến TTHC trên Cổng TTĐT hải quan. Theo đó, thông tin TTHC đã được công bố kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan và Cổng trang TTĐT của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Thông tin TTHC được tổ chức, phân loại theo từng lĩnh vực để thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.

Hoàn thiện hệ thống dịch vụ của Kho bạc điện tử

Theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 11/2/2020 của Chính phủ quy định về TTHC trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, trong tổng số 11 TTHC, có 10/11 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 đạt 91% (trong đó 09/11 TTHC đã được cung cấp DVCTT mức độ 4); còn 02/11 TTHC đang cung cấp DVCTT mức độ 2. Tính đến năm 2020 đã triển khai được 87.684 đơn vị sử dụng ngân sách trên tổng số 89.514 đơn vị giao dịch, đạt tỷ lệ 98%; Tỷ lệ giao dịch chi NSNN đi qua hệ thống DVCTT đạt khoảng 91%. Kho bạc Nhà nước đã tích hợp 07 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, vượt 01 DVCTT so với kế hoạch đã đăng ký.

Thực hiện cơ chế “một cửa một giao dịch viên” trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch, từ đó rút ngắn thời gian thanh toán, giảm bớt được đầu mối kiểm soát chi. Đồng thời, hồ sơ TTHC về kiểm soát chi NSNN được niêm yết công khai tại các trụ sở Kho bạc Nhà nước trong toàn hệ thống; kịp thời tiếp nhận, xử lý, phản ánh các kiến nghị của cá nhân, tổ chức nên những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị phản ánh đều được Kho bạc Nhà nước tháo gỡ kịp thời, đáp ứng được yêu cầu chi tiêu của đơn vị.

Ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa gồm: Hệ thống Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước (một cửa trực tuyến) bao gồm phần dịch vụ công bên ngoài cho các đơn vị quan hệ ngân sách truy cập (phần frontend), phần dịch vụ công cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước (phần backend) tiếp nhận kết quả xử lý từ các hệ thống nghiệp vụ để trả về Frontend của hệ thống. Hệ thống TABMIS (một cửa trực tiếp) là hệ thống tập trung tại trung ương, đóng vai trò là trung tâm, có khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan trong đó có kết nối với hệ thống DVCTT.

Dữ liệu chứng từ yêu cầu thanh toán trên hệ thống DVCTT sẽ ánh xạ vào hệ thống TABMIS để thực hiện các nghiệp vụ hạch toán, đối với các chứng từ thanh toán qua ngân hàng sẽ truyền dữ liệu thanh toán từ hệ thống TABMIS sang các hệ thống thanh toán song phương, hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước thực hiện lập chứng từ theo các mẫu trên hệ thống DVCTT và scan các hồ sơ phải gửi kèm chứng từ để chuyển thành tệp tin điện tử gửi Kho bạc Nhà nước qua hệ thống DVCTT. Bộ phận kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước thực hiện tiếp nhận hồ sơ, thực hiện giao diện vào hệ thống TABMIS, chuyển yêu cầu thanh

toán và in chứng từ phục hồi chuyển sang phòng/bộ phận kế toán để thực hiện quy trình thanh toán. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến có ghi nhận thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ và phản hồi thông tin giải quyết hồ sơ. Thông tin tình trạng tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ được phản hồi kịp thời cho đơn vị qua hệ thống DVCTT của Kho bạc Nhà nước.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã hình thành thêm kênh giao dịch điện tử của Kho bạc Nhà nước để khách hàng có thể tự do lựa chọn giao dịch, đưa Kho bạc Nhà nước đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng Internet. Đây là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của Kho bạc Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng tới Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020.

Với những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính có nền tảng vững chắc để từng bước tiến tới mục tiêu đặt ra đến năm 2025 thiết lập được nền tài chính mở và đến năm 2030, xây dựng xong Hệ sinh thái Tài chính số hiện đại với cơ chế kết nối, Chia sẻ thông minh, từ đó không ngừng tạo ra những giá trị gia tăng để hướng tới một nền kinh tế số hiện đại.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính trên hành trình tới tài chính số: Xây dựng hệ sinh thái giao dịch tài chính số (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO