Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Những việc khó thì "nghĩ dễ" để làm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, làm cái mới bao giờ cũng khó, bao giờ cũng vất vả, trục trặc, không hiểu nhau, làm rồi mới vỡ ra. Câu chuyện làm trợ lý ảo hỗ trợ công việc là một ví dụ.
Ngày 3/10/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 9/2024. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.
Bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực Chính phủ điện tử và An toàn thông tin mạng
Tại hội nghị, Văn phòng Bộ TT&TT đã báo cáo nhanh một số kết quả hoạt động của ngành trong tháng 9/2024. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính ban hành:
Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số (CĐS) hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, tạo ra con đường phát triển nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn, ngành công nghiệp nền tảng đang trở thành một trong các trụ cột của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam;
Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án CĐS của các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu mỗi Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình, xây dựng một đề án về CĐS có tính chất tương tự như Đề án 06 và đảm bảo kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo và thực hiện xong từ nay đến hết năm 2025, qua đó góp phần tạo ra những kết quả đột phá cho công cuộc CĐS quốc gia.
Trong tháng 9/2024, Việt Nam đã được ghi nhận bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực Chính phủ điện tử (CPĐT) và An toàn thông tin (ATTT) mạng khi Việt Nam tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193 về Chỉ số CPĐT (EGDI), thuộc nhóm “EGDI rất cao” nhờ tiến bộ ở các tiêu chí dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, vốn con người và tham gia kỹ thuật số.
Đồng thời, Việt Nam cũng tăng 8 bậc trong Chỉ số ATTT mạng toàn cầu (GCI), lọt top 46 quốc gia “kiểu mẫu” về an toàn, an ninh mạng với số điểm gần như tuyệt đối, khẳng định cam kết và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trong tháng 9, Bộ TT&TT đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về các nội dung: Sơ kết 5 năm NQ 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4; tổng kết 10 năm Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế và Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội để thảo luận, góp ý và đề xuất phương án tham mưu Bộ chính trị về việc ban hành Nghị quyết về CĐS.
Làm cái mới nghĩ dễ để làm
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe tình hình triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc và những vướng mắc của các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai.
Bộ trưởng, các Thứ trưởng Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương cùng lãnh đạo các đơn vị đã có những trao đổi để làm rõ các vướng mắc.
Theo Bộ trưởng, câu chuyện làm cái mới bao giờ cũng khó, bao giờ cũng vất vả, trục trặc, không hiểu nhau, làm rồi mới vỡ ra.
“Câu chuyện làm làm trợ lý ảo hẹp hỗ trợ công việc là một như vậy bởi cả thế giới chưa ai làm. Do vậy, cần phải biến việc khó thành việc dễ, nếu không càng làm càng rối. Trợ lý ảo là một sự tiến hóa, nên nghĩ dễ đi, đừng đứng vào vai của người làm công nghệ thì sẽ khó làm”.
Bộ trưởng cho rằng triển khai trợ lý ảo thì việc đầu tiên là làm cẩm nang của đơn vị trước, để trợ lý ảo học, tiếp theo là phát triển trợ lý ảo theo hướng viết phát biểu, viết báo cáo tự động, xử lý những vấn đề mới, thêm tri thức nhân loại, thời đại…
Theo Bộ trưởng, vai trò của người đứng đầu các đơn vị trong triển khai trợ lý ảo rất quan trọng.
Nhìn lại quá trình ứng dụng CNTT, Bộ trưởng cho biết cách đây 24 năm, Bộ Chính trị đã có chỉ thị về CNTT, theo đó, mỗi tổ chức phải cử ra một người trong Ban lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT và thường người đó một cấp phó. Năm 2014, Bộ Chính trị có Nghị quyết chỉ rõ người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT. Năm 2024, Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về CĐS, trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng.
Trong thời đại biến đổi nhanh như hiện nay, Bộ trưởng cho biết người lãnh đạo thành thạo sử dụng thì công việc mới tốt, thiết thực.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng
Cũng trong tháng 9, từ ngày 23 - 25/9, Đoàn công tác của Bộ TT&TT Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm, lãnh đạo thành phố Helsinki, các doanh nghiệp (DN) và đại học (ĐH) hàng đầu của Phần Lan trong lĩnh vực TT&TT.
Đây là lần đầu tiên, Bộ trưởng phụ trách về TT&TT hai nước Việt Nam, Phần Lan gặp gỡ và thảo luận về các định hướng, ưu tiên thúc đẩy hợp tác song phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thảo luận với các Bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức, DN của Phần Lan về việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hỗ trợ các trường ĐH và DN triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Phần Lan là một quốc gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu, khởi nghiệp. Phần Lan rất mạnh về ĐMST với phương châm R&D&I tức là nghiên cứu - phát triển và đổi mới. Phần Lan là “điểm nóng” của khởi nghiệp khi có tới 12 kỳ lân (unicorn).
Khởi nghiệp đã trở thành phong trào toàn dân tại Phần Lan. Giảng viên, sinh viên đều có thể khởi nghiệp khi đang ở trong trường ĐH và khởi nghiệp với số vốn rất ít ỏi, rồi phát triển lên.
Nhà nước không hỗ trợ nhiều mà cơ bản là tạo không gian gặp gỡ cho các công ty khởi nghiệp (startup) được tiếp xúc với các DN lớn, nhà đầu tư, các ngân hàng tại trung tâm ĐMST.
Về viễn thông, nhà mạng của Phần Lan có hai bộ phận mạng và kiến tạo doanh thu (monetization) có vai trò lớn như nhau. Phần Lan đặt mục tiêu thử nghiệm 6G vào năm 2028, trong đó, điểm nhấn của mạng 6G là AI được đẩy vào thiết kế mạng ngay từ đầu (AI Native).
Theo Bộ trưởng, Phần Lan có công ty viễn thông Nokia nổi tiếng đã gặp phải suy thoái, tuy nhiên, đây lại là bài học quý báu cho Phần Lan bởi không có thất bại thì không thể thành công.
Trong khi đó, thành phố Helsinki là nơi thu hút các thử nghiệm công nghệ mới (techbed) và đặt ra phương châm là dữ liệu là để phục vụ người dân, chứ không phải là để khai thác. Thành phố Helsinki mỗi năm dành tới 20% ngân sách của thành phố cho ICT.
Tiếp đó, từ ngày 26 - 30/9/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng của Bộ TT&TT đoàn công tác đã làm việc tại Liên bang Nga. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Phát triển số và Truyền thông đại chúng, lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Thương mại, lãnh đạo thành phố Saint Petersburg, các DN và trường ĐH hàng đầu của Liên bang Nga trong lĩnh vực TT&TT.
Lãnh đạo các Bộ và cơ quan, tổ chức của Liên bang Nga đều trân trọng và đánh giá rất cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác, chia sẻ các chính sách và công nghệ mới nhất trong phát triển hạ tầng số và đảm bảo ATTT.
Đặc biệt, với chiến lược đẩy mạnh công nghiệp ICT trong nước và tự chủ công nghệ, Liên bang Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các công nghệ tiên tiến nhất. Hai bên đã trao đổi về việc mở rộng hợp tác xây dựng các nền tảng số, ATTT, quản lý mạng xã hội, triển khai đô thị thông minh, phát triển mạng viễn thông thế hệ mới, sản xuất vệ tinh quỹ đạo thấp, thúc đẩy ứng dụng mã nguồn mở, cùng tổ chức các diễn đàn số để kết nối các DN, viện nghiên cứu và trường ĐH của hai nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh đi ra thế giới là để học hỏi, lắng nghe những câu chuyện. Khi cán bộ “đau đáu” công việc, những chuyến công tác sẽ giúp nắm bắt tri thức, kinh nghiệm để đưa về Việt Nam ứng dụng./.