Bưu điện phát huy thế mạnh mạng lưới, công nghệ để phát triển bền vững

PV| 29/11/2019 14:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát huy thế mạnh về hơn 13.000 điểm giao dịch trải rộng tới tận cấp xã cùng hệ thống dữ liệu khách hàng tới từng hộ gia đình, thông qua hạ tầng công nghệ số, tới đây Bưu điện Việt Nam (BĐVN) sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số.

Đây là hướng đi cần thiết để BĐVN ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho xã hội, người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi về những nội dung này, ngày 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Tổng công ty BĐVN. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn.

Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Tổng công ty BĐVN

Đánh giá cao về sự đổi mới của BĐVN trong thời gian gần đây, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả cao của doanh nghiệp này trong các dự án gắn liền với nền tảng công nghệ mới như: Cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; nền tảng Bản đồ số Việt Nam - Vmap; mã bưu chính quốc gia, thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội... Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng BĐVN có một thế mạnh đó là mạng lưới hoạt động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc

Con người Bưu điện sinh sống và hiện diện trong từng thôn, bản. Đây là lợi thế để Bưu điện Việt Nam dễ dàng tiếp cận, trao đổi, nắm bắt thông tin tới từng khách hàng. Trong khi đó, thời đại số hiện nay điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là dữ liệu khách hàng.

Hiện Bưu điện Việt Nam đang phối hợp với nhiều Bộ, ngành, điển hình là Bảo hiểm xã hội để thu nhập dữ liệu về tình trạng tham gia BHYT của các hộ gia đình trong toàn quốc. Nếu phát huy tối đa được thế mạnh của mình về dữ liệu khách hàng hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với hạ tầng công nghệ số, BĐVN chắc chắn sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, BĐVN không phải là công ty về công nghệ, nên việc quan trọng của Bưu điện là đưa ra những ý tưởng kinh doanh, đưa ra các đầu việc, các đề bài và quy tụ người tài để triển khai các đầu việc đó trên nền tảng công nghệ.

Bộ trưởng lưu ý thêm, BĐVN cần có cách tiếp cận khách hàng mới trên cơ sở phát huy lợi thế của mạng lưới. Mỗi nhân viên Bưu điện phải nắm bắt các thông tin cơ bản cũng như những nhu cầu thiết yếu của người dân tại địa bàn mình quản lý để phát triển khách hàng cho đơn vị mình. 24 triệu hộ gia đình không chỉ đơn thuần là khách hàng mà còn là 24 triệu cửa hàng, đại lý của Bưu điện trên nhiều lĩnh vực, dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý  cần có cách tiếp cận khách hàng mới trên cơ sở phát huy lợi thế của mạng lưới

Tại sao Bưu điện phải trở thành một doanh nghiệp công nghệ? Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ về Zug, từng là thành phố nghèo nhất của Thụy Sỹ. Thành phố này không chuyên về công nghệ blockchain.

Thời điểm blockchain mới ra đời, chỉ có Zug là tạo điều kiện để các startup, công ty blockchain phát triển. Đến nay Zug đã trở thành trung tâm của hàng loạt tập đoàn công nghệ, dịch vụ, hàng trăm công ty tiền ảo và là thiên đường số 1 thế giới của blockchain.

Tiếp thu những ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Chu Quang Hào khẳng định quyết tâm đổi mới và thực hiện thành công chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2020, toàn mạng lưới sẽ tập trung đổi mới, tận dụng thế mạnh về công nghệ để triển khai các giải pháp kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho BĐVN phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện phát huy thế mạnh mạng lưới, công nghệ để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO