Truyền thông

Cà Mau cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển

Đỗ Thêu 15:15 10/10/2024

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ công trực tuyến được chú trọng...

Ngày 24/1/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã ra Quyết định số 137/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của tỉnh Cà Mau. Theo đó, Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp CCHC nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tái cơ cấu nền kinh tế. Các biện pháp này bao gồm giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ DN và người dân trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và thương mại của tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh

camau-cchc-2(1).jpg
Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại trực tiếp với DN, thúc đẩy quá trình CĐS cho các DN tại các khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Một trong những hoạt động trọng điểm là tái cơ cấu và đơn giản hóa các quy trình hành chính, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh thông qua việc triển khai các hệ thống thông tin điện tử, giúp quá trình giải quyết thủ tục trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Tỉnh cũng tập trung tăng cường hỗ trợ tư vấn, giúp người dân và DN nắm bắt và thực hiện đúng các quy trình hành chính, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các hoạt động CCHC theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 24/01/2024 nhằm mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tái cơ cấu nền kinh tế. Các hoạt động về hỗ trợ đào tạo và phát triển được chú trọng, do đó tỉnh đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để nâng cao kỹ năng kinh doanh và quản lý của DN và người dân. Những biện pháp này đều nhằm mục đích tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Cà Mau.

Tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại trực tiếp với DN, đồng thời thúc đẩy quá trình CĐS cho các DN tại các khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 3 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế đã chính thức thành lập, với 51 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 21.088 tỷ đồng (bao gồm 3 dự án FDI với tổng vốn 1.964 tỷ đồng và 1 dự án hạ tầng với vốn đăng ký 538,6 tỷ đồng). Trong số này, 30 dự án đã đi vào hoạt động, còn 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hơn 20 DN trên địa bàn tham dự Hội nghị đã được cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, các DN được giới thiệu về hệ thống CĐS và các cơ hội, tiềm năng đầu tư trong tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm, các DN trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt tổng doanh thu hơn 5.250 tỷ đồng, tương đương 79,5% kế hoạch năm. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1.470 tỷ đồng và ngân sách đóng góp là 90 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện Thông báo 434/TBVPCP ngày 25/9/2024 của Văn phòng Chính phủ kết luận hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị phải chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thiện thể chế, và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc thực hiện hiệu quả Thông báo 434 sẽ góp phần xây dựng chính quyền điện tử minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và DN.

Tỉnh Cà Mau cũng đang tích cực hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, tuân thủ theo hướng dẫn của các bộ, ngành và Trung ương. Địa phương tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính và bộ phận một cửa các cấp, cung cấp dịch vụ công không giới hạn theo địa giới hành chính, đồng thời hỗ trợ người dân và DN, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, trong quá trình CĐS. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tăng cường kết nối, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu để nâng cao hiệu quả xử lý.

Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu CĐS thông suốt và hiệu quả. Phong trào thi đua về CĐS cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những sáng kiến, cách làm mới và tấm gương tiên tiến trong CĐS được kịp thời động viên, khen thưởng. Việc đánh giá cán bộ, công chức cũng sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện CĐS, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Mục tiêu đến năm 2025, Cà Mau sẽ đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, và tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, DN trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong tháng 9/2024, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với phần mềm dịch vụ công liên thông để thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử theo Nghị định 63 của Chính phủ, để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện dịch vụ công.

Theo Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, trong tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình CĐS và triển khai các nhiệm vụ liên quan. Một số văn bản nổi bật bao gồm: hướng dẫn đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, thực hiện thông báo của tổ công tác Đề án 06 và công văn của Bộ Công an, cùng với việc tăng cường thu nhận mẫu ADN để xác định danh tính cho thân nhân liệt sĩ.

Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã ban hành hơn 120 văn bản chỉ đạo để triển khai Đề án 06 một cách hiệu quả. Theo số liệu cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, tính đến tháng 10/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã giải quyết 99,67% hồ sơ đúng hạn với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận là 257.959 hồ sơ, và đã xử lý 257.311 hồ sơ.

camau-cchc-1.jpg
Cà Mau đã phát động tháng cao điểm thực hiện CĐS và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia năm 2024.

Cà Mau cũng đã phát động tháng cao điểm thực hiện CĐS và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia năm 2024, như bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội cho người dân, DN; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CĐS; các hoạt động giao lưu, trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về CĐS…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO