Cà Mau: Chuyển đổi số cho dân và vì dân

Trần Đình Hoạch| 09/12/2021 14:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định phê duyệt số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 12/2020. Luôn ưu tiên lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện có hiệu quả tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng, từng bước số hóa các chương trình và công cụ quản lý.

Ưu tiên các ứng dụng mang lại tiện ích cho dân

Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 10% GRDP; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đưa ra nhiều giải pháp, phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ cho việc tiến tới chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm đem lại tiện ích cho người dân. Nhờ hệ thống hạ tầng được hoàn thiện, việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đang được thực hiện hiệu quả tại Cà Mau như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, công thương, du lịch, nông nghiệp...

Tỉnh Cà Mau là địa phương có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tương đối nhiều. Trung bình hàng tháng, bộ phận một cửa tỉnh tiếp nhận, giải quyết khoảng trên 45.000 hồ sơ. Vì vậy, việc đưa vào các ứng dụng thông minh là rất cần thiết. Một ứng dụng hiện đang triển khai rất hiệu quả là Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã được triển khai liên thông đến cấp xã. Hệ thống này đã hỗ trợ các đơn vị, cơ quan nhà nước tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ở các hình thức trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính công ích. Hiện Cổng dịch vụ công tỉnh Cà Mau đã được phát triển để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng thiết bị di động.

Cà Mau: Chuyển đổi số cho dân và vì dân - Ảnh 1.

Bộ phận tiếp nhận ban đầu của Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cũng đã tích cực triển khai hoạt động số hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đã và đang được Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh nghiên cứu, đề xuất và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng tổ chức triển khai áp dụng thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng công nghệ số. 

Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm khẳng định trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phấn đấu cải thiện ít nhất 5 bậc Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính. Tháng 7/2021, Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau đã cho đưa vào vận hành ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính trên thiết bị thông minh. Cùng với đó, trong những tháng cuối năm hàng loạt giải pháp kỹ thuật sẽ được tích hợp kết nối và vận hành như công cụ thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí; thiết lập Kho dữ liệu số cá nhân về thủ tục hành chính; thiết lập, tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử để giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân....

Dùng Zalo để giải quyết thủ tục hành chính cho dân

Để đa dạng các hình thức hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hiện nay Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau đã thiết lập kênh Zalo đặt lịch hẹn giờ thủ tục hành chính. Bên cạnh đường dây nóng, người dân có thể vào trang Zalo "Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau", sau khi bấm chọn quan tâm, tại giao diện chính người dân có thể thực hiện các bước đặt lịch hẹn giờ theo hướng dẫn. 

Cà Mau: Chuyển đổi số cho dân và vì dân - Ảnh 2.

Đặt hẹn, lấy số thứ tự qua zalo trước khi làm thủ tục tại tỉnh Cà Mau

Bên cạnh việc đặt lịch hẹn, từ 15/11 vừa qua, người dân tỉnh Cà Mau còn có thể trực tiếp làm thủ tục đăng ký căn cước công dân tại Trung tâm. Người dân cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân có mã vạch đã được cấp, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin trên tờ khai đề nghị cấp căn cước công dân có thay đổi so với thông tin trong sổ hộ khẩu hoặc trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp

Là một địa phương có nhiều ưu thế về sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản đang được Cà Mau quan tâm triển khai. 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh đã triển khai Dự án xây dựng "Phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển sản xuất của ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau - gọi tắt là phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp". Hiện phần mềm đã hoàn thiện, đi vào hoạt động và được tỉnh tăng cường triển khai thực hiện nhằm góp phần phát triển mạnh, toàn diện, bền vững ngành nông nghiệp tỉnh nhà. 

Phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp được tỉnh Cà Mau thực hiện từ tháng 11/2018, tính đến nay đã hơn 2 năm và do Sở NN & PTNT tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Tin học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh thiết kế, xây dựng. Phần mềm được thiết kế theo 02 phiên bản: Phiên bản ứng dụng trên thiết bị di động với app "Nông nghiệp Cà Mau" được phát triển trên hai nền tảng Android và iOS, hoạt động được trên hầu hết các điện thoại thông minh, máy tính bảng; phiên bản web sử dụng trên máy tính, người dùng truy cập theo địa chỉ https://nongnghiepcamau.vn để khai thác.

Cà Mau: Chuyển đổi số cho dân và vì dân - Ảnh 3.

Người dân dùng phần mềm trên điện thoại để quản lý nông nghiệp

Phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực của ngành thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn, giống cây trồng, vật nuôi và thông tin về giá cả, thị trường; hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả cao trên các lĩnh vực; thông tin cảnh báo về thời tiết, môi trường, dịch bệnh, phòng chống thiên tai và cung cấp hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất. 

Bên cạnh đó, phần mềm còn giúp người dân phản ánh nhanh cho ngành chức năng về tình hình dịch bệnh, sạt lở, thiên tai, xâm nhập mặn. Đồng thời, giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có thể đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của mình lên hệ thống "thông tin giao dịch nông sản" để quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Chuyển đổi số cho dân và vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO