Các nền tảng Đông Nam Á chạy đua phát triển “siêu ứng dụng” cạnh tranh với Grab và Gojek

Tâm An| 05/02/2022 19:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Các công ty ở Đông Nam Á đang diễn ra cuộc đua phát triển các phiên bản “siêu ứng dụng” nhằm cạnh tranh với các "ông lớn" Grab và Gojek đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Thuật ngữ "siêu ứng dụng" lần đầu tiên được sử dụng để mô tả WeChat, một ứng dụng phổ biến được 1,2 tỷ người sử dụng, hầu hết ở Trung Quốc. WeChat là ứng dụng kết hợp giữa nhắn tin, thanh toán, thương mại điện tử (TMĐT) và nhiều tiện ích khác thông qua các chương trình nhỏ, khiến ứng dụng này trở thành thứ không thể thiếu đối với nhiều người Trung Quốc.

Các công ty như Facebook cũng đã cố gắng xây dựng các ứng dụng tương tự cho người dùng bên ngoài Trung Quốc, nhưng chưa thu được thành công.

Ở Đông Nam Á, Grab và Gojek là hai nhà phát triển siêu ứng dụng lớn nhất trong khu vực và thuật ngữ này đã trở thành một nhãn hiệu được săn đón cho các nền tảng cung cấp cùng một bộ dịch vụ tiêu dùng. Với nhu cầu ngày càng mở rộng của người dùng, nhiều người chơi cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường rộng lớn này.

Năm 2020, hãng hàng không giá rẻ AirAsia có trụ sở chính tại Malaysia đã giới thiệu "Siêu ứng dụng ASEAN dành cho tất cả mọi người". AirAsia chuyển mình từ một hãng hàng không số thành một nền tảng phong cách sống toàn diện cho tất cả mọi người. Đánh dấu một kỷ nguyên mới cho Tập đoàn AirAsia, siêu ứng dụng airasia.com cung cấp trải nghiệm người dùng đơn giản, nhanh và thuận tiện hơn với hơn 15 loại sản phẩm và dịch vụ thuộc ba trụ cột chính là du lịch, TMĐT và fintech.

Chia sẻ về nền tảng siêu ứng dụng, Tony Fernandes, CEO Tập đoàn AirAsia cho biết, "AirAsia luôn hướng về con người. Chúng tôi tự hào là một nhà lãnh đạo đột phá, kết nối khu vực ASEAN, cung cấp giá trị, sự đơn giản và hòa nhập cho tất cả mọi người. Giờ đây với airasia.com, chúng tôi đang cho phép tất cả mọi người có thể bay, ở, mua sắm, ăn uống, tất cả đều thuận tiện với một ứng dụng siêu việt".

AirAsia đã tận dụng cơ hội từ cuộc khủng hoảng COVID-19, sử dụng khoảng thời gian ngừng hoạt động để hoàn thiện nền tảng của mình, thống nhất trải nghiệm người dùng và đơn giản hóa việc thanh toán chỉ bằng một cú nhấp chuột.

"Chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh số của mình và mở rộng cung cấp sản phẩm của airasia.com từ du lịch đến cuộc sống hàng ngày. Cũng giống như cách chúng tôi xây dựng thương hiệu AirAsia, airasia.com sẽ nổi lên như một siêu ứng dụng, là người bạn đồng hành tốt nhất về phong cách sống và du lịch của người dùng", CEO Tập đoàn AirAsia khẳng định.

Trong thời gian tới, AirAsia cũng sẽ sớm triển khai dịch vụ gọi xe, giao hàng tạp hóa và chuyển phát nhanh bưu kiện tại Indonesia. Trong khi đó, các dịch vụ gọi taxi và giao đồ ăn cũng đã được triển khai ở Malaysia và Singapore.

Tiềm năng phát triển "siêu ứng dụng" khu vực Đông Nam Á

Nền tảng công nghệ du lịch Indonesia Traveloka hiện cung cấp dịch vụ gọi taxi với sự hợp tác của Blue Bird, nhà điều hành taxi hàng đầu của quốc gia này. Với tên gọi QuickRide, dịch vụ này chính thức ra mắt vào ngày 19/1 và có sẵn tại 16 thành phố của Indonesia bao gồm Jakarta, Bandung, Semarang và Denpasar…

Các nền tảng Đông Nam Á phát triển “siêu ứng dụng” cạnh tranh với Grab và Gojek - Ảnh 1.

Traveloka đang nỗ lực phát triển để trở thành một siêu ứng dụng.

Trước Traveloka, Shopee cũng đã thiết lập quan hệ đối tác tương tự với Blue Bird vào tháng 12/2021. Gọi xe là một thành phần quan trọng của một siêu ứng dụng. Bằng cách khai thác đội xe taxi của Blue Bird, Shopee đang thể hiện động thái trở thành siêu ứng dụng tiếp theo ở Indonesia sau Gojek và Grab. Shopee có các dịch vụ giải quyết hầu hết mọi nhu cầu thường xuyên của người thành thị, bao gồm mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, mua sắm tạp hóa, vận chuyển, đặt phòng khách sạn, cũng như mua vé tàu và vé máy bay.

Trong những năm gần đây, cả Traveloka, Shopee đã mở rộng cung cấp những dịch vụ tiêu dùng ngoài các dịch vụ cốt lõi của mình. Hai công ty này cũng đầu tư vào cả lĩnh vực fintech: Traveloka đã giới thiệu tính năng PayLater vào năm 2018 và ShopeePay chính thức hoạt động vào năm 2019.

Các nền tảng Đông Nam Á phát triển “siêu ứng dụng” cạnh tranh với Grab và Gojek - Ảnh 2.

Hai công ty thậm chí còn chia sẻ những cơ hội phát triển song song cùng nhau. Năm 2021, Traveloka và Shopee từng triển khai dịch vụ giao đồ ăn, gọi là Eats Delivery và ShopeeFood. Với hoạt động tiếp thị tích cực và triển khai rầm rộ, ShopeeFood đã chiếm được khá nhiều thị phần của GrabFood và Gojek’s GoFood trong năm đầu tiên hoạt động. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp được những người dẫn đầu thì vẫn còn một chặng đường dài.

Theo Momentum Works, năm 2021, GrabFood dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn của Indonesia, chiếm 49% thị trường. Theo sau là GoFood với 43% và ShopeeFood chiếm 8% thị phần.

Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa hơn nữa các dịch vụ, Traveloka cũng bắt đầu lấn sân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa. Gần đây, hãng này đã giới thiệu một tính năng cho phép người dùng tham khảo ý kiến bác sĩ trực tuyến, đặt lịch xét nghiệm COVID-19 và hẹn khám sức khỏe.

Những phát triển này cho thấy các ứng dụng tiêu dùng lớn của khu vực đang đi theo con đường tương tự của các ông lớn "siêu ứng dụng" là sử dụng cơ sở người dùng lớn của họ để cung cấp nhiều dịch vụ hơn như: gọi xe, fintech, TMĐT và giao đồ ăn.

Theo ông Bhima Yudhistira Adhinegara, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS) có trụ sở tại Jakarta, cuộc chạy đua để phát triển thêm các siêu ứng dụng có thể mang lại lợi ích cho người dùng khi không cần tải xuống hàng tá ứng dụng để giải quyết nhu cầu hàng ngày của họ. Đồng thời, người dùng có thể tận dụng các chương trình khuyến mãi chéo hoặc giảm giá do các nền tảng cung cấp.

Việc có nhiều người chơi tham gia vào thị trường hơn đồng nghĩa với người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng có những mặt trái nhất định. Các ứng dụng được sử dụng rộng rãi với nhiều dịch vụ lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân có thể bị khai thác, chẳng hạn như cho các quảng cáo được nhắm mục tiêu. Và nếu bảo mật dữ liệu của nền tảng bị xâm phạm, người dùng có thể trở thành nạn nhân của vi phạm dữ liệu. Điều này cũng đã xảy ra với Tokopedia vào năm 2020, khi dữ liệu của 91 triệu người dùng bị tin tặc đánh cắp và chia sẻ.

Với một thị trường rộng lớn và tiềm năng như khu vực Đông Nam Á, cuộc đua siêu ứng dụng sẽ còn sôi nổi trong nhiều năm tới với nhiều người mới tham gia hơn. Tuy nhiên, Grab và Gojek có thể sẽ vẫn là những người đi đầu trong cuộc đua siêu ứng dụng cho đến thời điểm hiện tại, khi họ nắm giữa phần lớn thị trường đặt xe và giao đồ ăn trong khu vực. Và Shopee, Traveloka và AirAsia sẽ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, trước khi họ có thể đạt được danh hiệu "siêu ứng dụng"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các nền tảng Đông Nam Á chạy đua phát triển “siêu ứng dụng” cạnh tranh với Grab và Gojek
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO