Báo cáo được Risk Based Security công bố tuần qua cho thấy măm 2019 đang hình thành một mốc quan trọng đối với các các vụ việc xâm phạm dữ liệu, khi đã có hơn 3.800 vụ xâm phạm.
"Trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ việc xâm phạm đã tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái", báo cáo nêu rõ.
Ảnh minh họa (Yahoo.com)
Tuy nhiên, số lượng hồ sơ bị lộ lọt trong nửa đầu năm 2019 thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vậy, điều này có thể thay đổi trong nửa cuối năm nay, bởi các báo cáo gần đây về vụ dữ liệu bị rò rỉ bởi Paige A. Thompson, một hacker bị cáo buộc xâm phạm dữ liệu của công ty cổ phần ngân hàng chuyên về thẻ tín dụng Mỹ Capital One, cho thấy hacker này là sở hữu "nhiều terabyte dữ liệu bị đánh cắp từ hơn 30 công ty, tổ chức giáo dục và các tổ chức khác".
Mặc dù có nhiều lo ngại trong cộng đồng an ninh mạng về các mối đe dọa trong nội bộ, 89% các vụ xâm phạm dữ liệu là kết quả của những cuộc tấn công bên ngoài. Báo cáo lưu ý rằng "dữ liệu nhạy cảm bị lộ khi người trong cuộc không xử lý đúng hoặc không bảo mật thông tin". Báo cáo chỉ ra cấu hình sai cơ sở dữ liệu và các dịch vụ chiếm 149 trong số 3.813 vụ việc được báo cáo từ đầu năm đến nay, dẫn đến việc lộ lọt hơn 3,2 tỷ hồ sơ.
Risk Based Security cũng chỉ ra sự nguy hiểm của việc đặt dữ liệu nhạy cảm vào các bên thứ ba, có thể kể đến vụ việc của Cơ quan thu thập y tế Mỹ (American Medical Collection Agency - AMCA), trong đó "tin tặc xâm nhập vào mạng của AMCA và lấy đi hơn 22 triệu hồ sơ của những người khách nợ, bao gồm cả dữ liệu như tên, địa chỉ, ngày sinh, số an sinh xã hội cũng như các chi tiết tài chính” được xem như là một vụ việc điển hình nghiêm trọng.
"Những vụ việc xâm phạm này rất khó để xử lý do nhiều bên liên quan tham gia, họ cũng có thể gây ra hậu quả tai hại hơn cho các cá nhân có dữ liệu bị lộ trong vụ việc", báo cáo cho biết xâm phạm dữ liệu đã gây hậu quả nghiêm trọng cho AMCA, vì công ty "đã buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản chỉ 2 tuần sau khi tin tức về xâm phạm dữ liệu được đưa ra”.
Cũng theo báo cáo, ngành chăm sóc sức khỏe là ngành bị ảnh hưởng cao nhất, cùng với các ngành Bán lẻ, Tài chính/Bảo hiểm, Hành chính công và CNTT nằm trong top 5.
Xâm phạm dữ liệu có thể tàn phá tổ chức, doanh nghiệp
Chi phí cho xâm phạm dữ liệu đã tăng 12% trong 5 năm qua, trung bình khoảng 3,92 triệu USD. Sự phát triển nhanh chóng của CNTT tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa (Techrepublic.com)
Xâm phạm dữ liệu có thể làm tổn hại về tài chính cho một tổ chức, nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp dữ liệu gây ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng cũng như những vấn đề về điều tra pháp lý và nỗ lực để khôi phục dữ liệu. Chi phí tài chính cho xâm phạm dữ liệu có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thiệt hại cho tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Theo một nghiên cứu của IBM Security, trong năm 2018, chi phí cho xâm phạm dữ liệu đã tăng 12% và hiện mỗi DN phải chịu thiệt hại trung bình khoảng 3,92 triệu USD. Chi phí tăng do nhiều yếu tố khác nhau như: tác động tài chính kéo dài nhiều năm do vi phạm gây ra, những quy định ngày càng tăng và thách thức trong việc giải quyết các cuộc tấn công của tội phạm mạng.
Một vụ xâm phạm dữ liệu có thể tàn phá hầu hết các DN, đặc biệt là các DN có quy mô vừa và nhỏ. Nghiên cứu cho thấy rằng, các tổ chức dưới 500 nhân viên thường bị thiệt hại trung bình khoảng 2,5 triệu USD, một con số khá lớn đối với các DN có doanh thu trung bình hằng năm là 50 triệu USD.
Các xâm phạm dữ liệu tạo ra các khoản chi phí phát sinh kéo dài nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy trung bình có 67% chi phí do xâm phạm dữ liệu phát sinh trong năm đầu tiên, 22% được tích lũy trong năm thứ hai và 11% khác là sau hơn hai năm sau khi vi phạm xảy ra.
IBM cũng đã phân tích tác động tài chính từ các hành vi xâm phạm gây ra bởi các tác nhân độc hại (như mã độc hay phần mềm tống tiền - ransomware…) và tội phạm mạng so với các tác nhân gây ra bởi lỗi hệ thống và lỗi của con người.
Theo nghiên cứu này, xâm phạm do tác nhân độc hại chiếm 51% tổng số các xâm phạm, trong khi những xâm phạm do trục trặc kỹ thuật và lỗi của con người chiếm 49%. Tuy nhiên, các xâm phạm độc hại này khiến các DN tổn thất về tài chính lớn hơn nhiều, trung bình khoảng 4,45 triệu USD. Xâm phạm gây ra bởi các trục trặc hệ thống và do lỗi của con người khiến các DN thiệt hại lần lượt là 3,5 triệu USD và 3,24 USD.
Trên toàn cầu, các xâm phạm dữ liệu ở Mỹ cao nhất với mức giá vào khoảng 8,19 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các quốc gia khác. Các tổ chức ở Trung Đông cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng hồ sơ xâm phạm trung bình cao nhất khoảng gần 40.000 hồ sơ cho mỗi sự cố, so với mức trung bình trên toàn cầu khoảng 25.500 hồ sơ.
Các tổ chức chăm sóc sức khỏe được khảo sát trong nghiên cứu phải chịu chi phí ở mức cao nhất trung bình gần 6,5 triệu USD, cao hơn 60% so với các ngành khác.
Ông Wendi Whitmore, Trưởng nhóm toàn cầu về Dịch vụ tình báo và ứng phó sự cố X-Force của IBM cho biết, khi các tổ chức phải đối mặt với việc mất hoặc bị đánh cắp hơn 11,7 tỷ hồ sơ chỉ trong vòng 3 năm qua, họ cần phải nhận thức rõ, đầy đủ những tác động về tài chính mà xâm phạm dữ liệu có thể gây ra và tập trung vào những biện pháp để giảm thiểu các chi phí này.
Xâm phạm dữ liệu hay rò rỉ dữ liệu vẫn là mối đe dọa cho bất kỳ tổ chức, DN nào và chi phí tài chính cho vấn đề này có thể là rất lớn. Vì vậy, các tổ chức, DN cần phải có những hành động ngay để có thể giảm bớt các thiệt hại về tài chính như: tăng cường hợp tác giữa ngành tài chính - ngân hàng, cơ quan nhà nước và chính phủ điện tử với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các tổ chức, DN sở hữu và vận hành CNTT, các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung trên Internet, các nhà nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật… nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo mật dữ liệu cũng như bảo đảm an toàn, an ninh mạng.