Cần quan tâm hơn về vấn đề hiệu quả của truyền thông chính sách
Chính sách để ban hành được phải đo, điều tra, rà quét, tính toán rất kỹ. Vì vậy, một trong nguồn lực quan trọng của truyền thông chính sách là khâu chuẩn bị cho chính sách ấy ra đời.
Ngày 1/11, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC), Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo sinh viên Học viện.
Công tác truyền thông chính sách phải lấy Nhân dân làm trung tâm
Là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tám về chủ đề truyền thông chính sách từ năm 2016 đến nay, hội thảo năm 2023 là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc làm rõ, đánh giá thực trạng huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực hiệu quả cho công tác này.
Hội thảo đã làm rõ những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về truyền thông chính sách; kinh nghiệm và cách làm hay trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách đã tạo ra sự chuyển động rõ nét trong nhận thức và cách tiếp cận của các bộ, ngành và cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.
Truyền thông chính sách trở thành phần thiết yếu, gắn liền với quy trình chính sách từ bước hoạch định, ban hành, thực thi đến đánh giá chính sách. Truyền thông chính sách không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân mà còn nâng cao giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Nhờ tổ chức tốt công tác truyền thông chính sách, chính sách được người dân tiếp nhận, ủng hộ và thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là hội thảo thứ 8 trong loạt hội thảo về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016 đến nay. Và năm 2023 được coi là năm chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các bộ ngành trung ương và các địa phương.
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, chúng ta luôn khẳng định, Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân và vì dân, trong đó, nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng từ các chính sách. Chính vì thế, công tác hoạch định, ban hành và thực thi chính sách phải lấy dân làm gốc. Công tác truyền thông chính sách phải lấy Nhân dân làm trung tâm.
“Đây là quan điểm chỉ đạo để đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách không chỉ cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành mà còn bảo đảm lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu”, GS.TS Lê Văn Lợi cho biết.
Các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực trong công tác truyền thông chính sách
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cho biết, kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” vào chiều 24/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị".
Để truyền thông chính sách thực sự mở ra những ảnh hưởng sâu rộng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, PGS.TS Phạm Minh Tuấn cho biết vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên quyết, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, bùng nổ thông tin diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
“Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, cả nguồn lực vật chất lẫn nguồn lực tinh thần, cả ở tất cả các khâu từ trước, trong và sau quá trình truyền thông chính sách. Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra những động lực, nguồn lực to lớn khác trong thực thi chính sách, góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững”, PGS. TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
PGS. TS. Phạm Minh Tuấn cho rằng, các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực trong công tác truyền thông chính sách. Khi truyền thông chính sách tốt, các nhà báo xây dựng diễn đàn chính sách, tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Báo chí giúp người dân tiếp nhận thông tin chính sách đồng thời tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận, phản biện chính sách đúng với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm” trong truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cần đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo, nhà truyền thông chính sách một cách chuyên nghiệp
Tại hội thảo, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho rằng, nhận thức được tầm trọng của truyền thông chính sách, truyền thông chính phủ với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, từ năm 2016 đến nay, KOICA Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong dự án nâng cao năng lực thực thi chính sách của chính phủ.
Ông Lee Byung Hwa cho rằng, muốn truyền thông chính sách hiệu quả, chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo, nhà truyền thông chính sách chuyên nghiệp, có lòng yêu nước.
“Trong xu thế xã hội này, vai trò của báo chí truyền thông bị thách thức không ngừng, đồng thời vai trò đó cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và các thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin tin cậy và tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của một nền báo chí tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông chính sách lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh.
PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong bối cảnh truyền thông số và bùng nổ thông tin hiện nay, cần đào tạo các nhà báo, nhà truyền thông chính sách chuyên nghiệp.
Từ năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mở chương trình cử nhân truyền thông chính sách nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Bộ, Ngành và cơ quan báo chí.
“Việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường truyền thông chính sách. Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phông kiến thức chính trị, kinh tế và xã hội, nhà báo, nhà truyền thông chính sách cần tham khảo mô hình, kinh nghiệm quốc tế”, PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, sự quan tâm và các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác truyền thông chính sách là một nguồn lực quan trọng cho công tác này. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan báo chí cần tăng cường đầu tư nguồn lực con người, tài chính, công nghệ và các nguồn lực khác để truyền thông chính sách hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách.
Cần quan tâm hơn về vấn đề hiệu quả của truyền thông chính sách
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chủ đề của Hội thảo hôm nay là “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”. Nếu nói về nguồn lực thì ở Việt Nam không thiếu, có rất nhiều việc trong đó có truyền thông chính sách.
“Nhưng cần suy nghĩ, học hỏi và phải thông qua hội thảo như thế này để có câu trả lời là sử dụng nguồn lực đó như thế nào cho hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, về nguồn lực, chúng ta có nhưng có thể đang dùng một cách phân tán, vì trong thực tế hoạt động, chúng ta đầu tư rất nhiều nhưng hiểu quả thu lại là chưa đo, đếm, đánh giá được. Ví dụ như tổ chức rất nhiều hoạt động mang tính chất truyền thông ở địa phương, bộ ngành, cơ quan…, trong đó có nhiều hoạt động nhỏ như hội nghị, văn nghệ…
“Tỉ trọng truyền thông chính sách từ trước tới nay là không lớn và chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần quan tâm hơn về vấn đề hiệu quả của truyền thông chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu vấn đề: “Hiện nay nguồn lực truyền thông chính sách được chi vào đâu và mang lại hiệu quả như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Đánh giá hiệu quả là một yêu cầu trong toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác chỉ đạo điều hành cũng như hiểu quả phát triển kinh tế xã hội. Nhưng, chưa có bộ công cụ và phương pháp để đánh giá được hiệu quả”.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, nguồn lực truyền thông chính sách cần được dùng vào khâu đào tạo nhân lực, đào tạo con người. Vì vậy, việc đào tạo và tái đào tạo, kể cả khi những người làm công tác truyền thông chính sách đã đi làm rồi là vô cùng quan trọng.
“Có thể mong muốn, chờ đợi vào tất cả các sinh viên báo chí đang được đào tạo trên giảng đường hôm nay, sau này có thể trở thành những nhà truyền thông chính sách. Hoặc nếu là người làm báo thì cũng hiểu được vấn đề truyền thông chính sách và vai trò của báo chí đóng góp trong công tác truyền thông chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sau Chỉ thị số 07/CT-TTg được ban hành, ý thức về kiện toàn bộ máy làm công tác truyền thông trong cơ quan Nhà nước (CQNN) rất mạnh mẽ. CQNN đã ban hành mạng lưới truyền thông chính sách, phân công, phân nhiệm rõ ràng hơn, đầu tư nguồn lực tập trung hơn và cho cán bộ đi đào tạo, nắm bắt kiên thức về truyền thông chính sách.
Chỉ thị số 07/CT-TTg cũng giao Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ xây dựng vị trí việc làm về công tác truyền thông chính sách trong hệ thống CQNN.
Hiện nay, chưa có vị trí, tên gọi về công tác truyền thông chính sách, cho nên chưa có chuẩn kỹ năng đầu vào của vị trí. Còn kỹ năng đầu ra ở các trường như thế nào, có khớp với đòi hỏi của xã hội hay không, cũng chưa được bàn kỹ. Hiện nay, cũng chưa có định biên (tức là biên chế) để tuyển người làm truyền thông chính sách vào trong bộ máy Nhà nước.
Một vấn đề nữa, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay, đang có xu hướng đẩy nhanh những thông điệp về chính sách lên trên báo chí, truyền thông và gọi đó là truyền thông chính sách. Cái này đúng nhưng chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh, việc làm chính sách từ hoạch định, đánh giá tác động xã hội, ra quyết định đều dựa trên dữ liệu.
Thứ trưởng cho biết: “Dữ liệu trong thời truyền thông số chính là tâm tư, tình cảm của người dân, xã hội trước những vấn đề cụ thể mà chính sách phải giải quyết. Chính sách đó để ban hành được phải đo, điều tra, rà quét, tính toán rất kỹ. Vì vậy, một trong nguồn lực quan trọng của truyền thông chính sách là khâu chuẩn bị cho chính sách ấy ra đời".
Các cơ quan báo chí quan tâm đến công tác truyền thông chính sách không phải là các cơ quan báo chí khó khăn về kinh tế. Khó khăn về kinh tế chung trong đó có báo chí là một thực tế, nhưng không vì thế mà các cơ quan báo chí đi tìm nguồn tiền mới từ Nhà nước để làm việc mà xưa nay vẫn làm. Hệ thống báo chí các nước vốn đã quan trọng, hệ thống báo chí ở Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng do Đảng và Nhà nước giao cho.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lưu ý, chúng ta không nên nhầm lẫn việc phản biện chính sách với việc tuyên truyền tạo sự nghi ngờ, hay tâm lý bất ổn, bất an trong xã hội. Hiện nay, một phần của báo chí thay vì việc phản biện để đi tìm giải pháp lại làm cho vấn đề phức tạp hơn.
Về thể chế để ra được giá đặt hàng cho cơ quan báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Từ nay đến giữa tháng 7/2024, sẽ có một số thể chế trong lĩnh vực này được thay đổi. Quy trình thẩm định giá để đặt hàng cơ quan báo chí sẽ phải đơn giản, nhanh gọn hơn. Giá phải bám sát thị trường, kèm theo đó là cơ chế đánh giá hiệu quả của việc đặt hàng”./.