Truyền thông

Cần thiết Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên biển

Bình Minh 09:52 03/10/2023

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3.260km, với vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 và hơn 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trên đường giao thương quốc tế về hàng hải, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, phương Đông với phương Tây, châu Á với phần còn lại của thế giới.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỷ USD. Năm 2021, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 160 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường quan trọng như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.

Bằng sự nỗ lực vượt bậc của ngành thuỷ sản và bà con ngư dân, Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp thủy sản toàn cầu. Với khoảng 01 triệu lao động trực tiếp trên biển và khoảng 04 triệu lao động dịch vụ nghề cá, hoạt động khai thác thủy sản giải quyết sinh kế góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ven biển, hải đảo; đồng thời hoạt động khai thác trên biển đã góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng tham gia phát triển thủy sản ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt lĩnh vực khai thác thủy sản. Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt đã tạo cơ sở pháp lý trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, làm căn cứ cho Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện.

Những năm qua, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã từng bước phát triển cả về số lượng và quy mô, bước đầu đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, chống đánh bắt bất hợp pháp và giúp nghề cá Việt Nam có cơ hội thuận lợi thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA); tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành thủy sản tăng kim ngạch xuất khẩu trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo thống kê, có 92/125 cảng cá quy hoạch theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg đã được đầu tư, nâng cấp, trong đó mới có 68 cảng cá được công bố mở cảng (gồm 3 cảng cá loại I, 54 cảng cá loại II và 11 cảng cá loại III), các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017 với quy mô 9.298 lượt tàu/ngày, tổng công suất lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Đến nay, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão tàu cá được đầu tư, nâng cấp, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã có bước phát triển cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế; Tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành thủy sản, trong kim ngạch xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch còn một số bất cập, cùng với đó, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới quy định hạn chế việc khai thác nguồn lợi thủy sản một cách thiếu bền vững; nhiều yếu tố tiền đề cho việc xác định quy mô phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản trong Quy hoạch cần được tính toán phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu và quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

img_0331.jpg
Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Ảnh: Bình Minh)

Nguồn lợi hải sản giai đoạn 2016-2020 có sự biến động khá lớn và tiếp tục có chiều hướng giảm sút, cường lực khai thác vượt quá sản lượng cho phép khai thác không đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, do đó cần có giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản và quản lý bền vững nghề cá biển, từ đó phải quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cho phù hợp.

Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, không những gây tác động trực tiếp đến ngư trường khai thác, nguồn lợi, tàu cá mà còn làm thay đổi diễn biến luồng lạch, các yếu tố tự nhiên tác động đến cấu trúc hạ tầng cảng cá, khu neo đậu; quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg từ năm 2015 đến nay đã thay đổi nhiều nên cần lập lại quy hoạch.

Hơn nữa, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế biển và thủy sản. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018); Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022); Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”; Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, phải lập quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược khai thác thủy sản, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và các chương trình, đề án triển khai Luật thủy sản. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 đã có hiệu lực từ 01/01/2019, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nằm trong hệ thống Quy hoạch ngành quốc gia (tại danh mục số 21 Phụ lục I, Luật Quy hoạch 2017) cần được lập để phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lập đồng thời (Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia…). Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ làm cơ sở triển khai xây dựng, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

“Nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì việc lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết”, báo cáo của liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy lợi nêu rõ.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu chung đến năm 2030: Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Bài liên quan
  • Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí bền vững ở khu vực biển Đông
    Biển Đông được đánh giá là vùng giàu tiềm năng về dầu khí, giá trị khai thác có thể lên đến hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Để quá trình khai thác hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang tích cực cùng với các nước trong khu vực hợp tác khai thác nguồn tài nguyên quý giá này một cách biền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO