Cần tiếp tục vượt qua rào cản để chuyển đổi số thành công

Lan Phương| 14/09/2021 12:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hơn một năm triển khai Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng đề án CĐS cấp bộ/ngành, cấp tỉnh và thúc đẩy triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy quá trình CĐS nhanh hơn nữa.

Thách thức lớn nhất vẫn là nhận thức

Chia sẻ về việc triển khai CĐS của tỉnh Quảng Ninh, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết thực hiện "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Quảng Ninh coi đây là 1 trong 15 đề án trọng tâm và đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đặt mục tiêu là phải xây dựng Đề án CĐS toàn diện của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, cách tiếp cận CĐS Quảng Ninh bám sát 6 quan điểm lớn được thể hiện trong Chương trình CĐS quốc gia. Quảng Ninh cũng đặt quan điểm CĐS của tỉnh là phải tiếp tục kế thừa, phát huy các thành quả trong triển khai chính quyền điện tử (CQĐT) và mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) mà tỉnh đã bắt đầu triển khai từ năm 2014 và năm 2017.

Cần tiếp tục vượt qua một số thách thức để chuyển đổi số thành công - Ảnh 1.

Bà Lê Ngọc Hân: Tỉnh Quảng Ninh xác định 6 chủ thể sẽ tham gia vào trong CĐS của tỉnh

Trên cơ sở CQĐT, ĐTTM đã được triển khai, Quảng Ninh sẽ chuyển nhanh từ CQĐT sang chính quyền số và cách tiếp cận triển khai CĐS toàn diện của tỉnh theo 3 trục chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định 6 chủ thể sẽ tham gia vào trong CĐS của tỉnh để tăng cường tính toàn diện gồm: cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, khối đoàn thể, khối chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người dân. Yêu cầu của 6 chủ thể tham gia là phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, con người và bản sắc văn hóa của Quảng Ninh.

Trong quá trình triển khai CĐS, bà Hân nhận định thách thức lớn nhất đối với CĐS hiện nay vẫn là ở nhận thức. "Có những lãnh đạo vẫn hiểu CĐS là ứng dụng CNTT, theo đó, để thay đổi nhận thức CĐS khác với ứng dụng CNTT cũng cần một quá trình. Đây là vấn đề mấu chốt nhất", bà Hân cho biết.

Đồng quan điểm, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết thách thức đầu tiên vẫn là sự nhận thức của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị, quyết tâm làm, quyết tâm đổi mới, quyết tâm CĐS. Bộ phận tham mưu cũng phải hết sức tích cực, chủ động, có cách làm phù hợp. Thách thức nữa là liên quan đến bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, tạo sự tin cậy cho người dùng để người dùng tin tưởng, dám sử dụng các nền tảng, phần mềm trên môi trường số. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen của người sử dụng cũng là một thách thức.

"Chúng ta đã có chính sách đầy đủ, giờ là lúc để hành động triển khai, tổ chức thực hiện", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Chia sẻ về tỉnh hình CĐS trong ngành Y tế, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết thực hiện CĐS là thay đổi toàn bộ quy trình làm việc của một cơ quan, đơn vị. Đối với ngành Y tế, CĐS là chuyển đổi bệnh viện. Việc này rất khó khăn, phải thuyết phục ban Giám đốc bệnh viện đồng thuận thì mới triển khai được. Thách thức tiếp theo là thay đổi quy trình, để làm được thì phải thuyết phục đội ngũ y tế thay đổi thói quen và làm việc theo một quy trình mới. Đây là hai thách thức lớn cần phải vượt qua trong quá trình CĐS Y tế.

Cần tiếp tục vượt qua một số thách thức để chuyển đổi số thành công - Ảnh 2.

Các CIO các bộ, ngành, địa phương chia sẻ về tình hình CĐS

Trao đổi về những thách thức CĐS trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ TN&MT cũng cho biết CĐS trong lĩnh vực TN&MT cũng có những thách thức trên. Ngoài ra, CĐS còn cần một nguồn lực lớn, đặc biệt là kinh phí xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, trong đó là nền tảng dữ liệu.

"Hiện tại nguồn lực và phương thức triển khai nội dung này còn đang vướng mắc. Chúng ta đã có dịch vụ CNTT để thuê nhưng thuê dịch vụ cũng rất phức tạp về mặt trình tự, cũng như tính toán hiệu quả cũng rất khó", ông Hà cho hay.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, cho biết thách thức về ngân sách cho CĐS là rất lớn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngân sách cho CĐS từ Trung ương cũng gặp khó khăn và các địa phương phải cân đối chứ không thể phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Ngoài ra, theo ông Hùng, Bộ TT&TT có vai trò dẫn dắt CĐS có thể thúc đẩy ứng dụng nền tảng chung, đầu tư một lần để tất cả các địa phương có thể dùng lại được, việc này giúp tránh đầu tư dàn trải, lặp lại, tốn kém, không hiệu quả.

"Chúng ta phải có nhiều cách thức thực hiện để vẫn đạt mục tiêu mà không tốn kém quá. CĐS đã đang và sẽ làm, nhưng làm sao triển khai CĐS đạt hiệu quả cao và người dân đạt được lợi ích", ông Hùng nhấn mạnh.

COVID-19 là cú huých đẩy nhanh CĐS

Tuy có những thách thức trong quá trình triển khai CĐS nhưng các chuyên gia nhận định COVID-19 là "cú huých" và cần tận dụng để thúc đẩy CĐS nhanh hơn. Theo ông Lê Phú Hà, Bộ TN&MT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy CĐS là xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy nhận thức, xây dựng nền tảng dữ liệu và cùng với đó là kết nối, chia sẻ sử dụng chung cho tất cả các CQNN, DN, người dân để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ngành Y tế, ông Trần Quý Tường cho biết nhiệm vụ quan trọng để ngành Y tế CĐS trong thời gian tới, bên cạnh phòng chống dịch COVID-19 là tiếp tục kiên định với các mục tiêu, giải pháp trong chương trình CĐS của ngành Y tế đã ban hành.

"COVID-19 là thảm họa nhưng cũng là một "cú huých" để CNTT của ngành Y tế phát triển. Trong đại dịch, chúng ta họp trực tuyến rất nhiều, trong Y tế thì thay vì phải đến cơ sở khám chữa bệnh nhiều người dân đã hỏi tư vấn bác sỹ thông qua các nền tảng công nghệ. Ứng dụng CNTT trong Y tế thời gian vừa qua được đẩy mạnh, y tế từ xa đã vận hành rất tốt. Hiện nay, ngành Y tế đã kết nối khoảng 1500 điểm để tư vấn, trao đổi kinh nghiệm. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các nền tảng chăm sóc y tế, đặc biệt các nền tảng y tế từ xa để giúp cho người dân có thể tiếp cận với các thầy thuốc ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm mà không cần phải đến bệnh viện mới tiếp xúc được", ông Tường chia sẻ.

Cũng theo ông Tường, ngành Y tế cũng sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện thêm hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để giúp người dân, DN tiếp cận với các DVC của Bộ Y tế tốt hơn. Hiện Bộ Y tế có khoảng 200 DVCTT giải quyết ở cấp Cục, Vụ tiếp tục được duy trì.

Ngành Y tế cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện về các thể chế, chính sách, đặc biệt là chính sách y tế từ xa, hiện trong các quy định của ngành Y mới chỉ là tư vấn khám chữa bệnh từ xa. "Một cơ chế chính sách để theo kịp khám chữa bệnh từ xa rất là quan trọng".

Bộ Y tế cũng đang gấp rút triển khai nền tảng tiêm chủng để tất cả người dân tiêm chủng đều có thể đăng ký trên ứng dụng (app) và đang xây dựng chuẩn liên thông kết quả tiêm chủng với châu Âu để khi mở cửa trở lại, người dân có thể đi du lịch cùng với các kết quả tiêm chủng, xét nghiệm được châu Âu, thế giới công nhận.

Chia sẻ về CĐS cấp địa phương, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết trong thời gian qua, việc triển khai nền tảng phòng chống dịch bệnh giúp cho các địa phương rất nhiều trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là các nền tảng của chúng ta mức độ ổn định đạt mức tương đối. Chúng ta phải xây dựng các nền tảng ổn định để tạo niềm tin vào hệ thống, trong đó đặc biệt là chuẩn hoá, tái cấu trúc lại một số quy trình, cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Theo ông Ngô Hải Phan, đại dịch COVID-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, vì vậy, các lãnh đạo cần phải tận dụng cơ hội để thay đổi phương thức làm việc, cũng như cung cấp DVCTT cho người dân, DN. Phương thức làm việc cần phải tập trung xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử cũng như việc gửi nhận văn bản điện tử của các cấp chính quyền. "Nếu chúng ta không xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử thì rất là khó, vất vả nhiều khi do dịch bệnh thì phải làm chứ bình thường chưa chắc được thực hiện. Chúng ta vẫn đặt cơ quan quản lý nhà nước ở trên mà chưa quan tâm đến người sử dụng", ông Phan cho hay.

"Chúng ta cần phải tiếp tục quan tâm đến cải cách TTHC, cắt giảm các thủ tục không cần thiết và đặc biệt phải tổ chức triển khai Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC (Đề án 468), thông qua đó, đưa các bộ phận một cửa trở thành trung tâm hỗ trợ CĐS cho người dân, DN. Hiện nay, người dân đến bộ phận một cửa và làm theo phương thức truyền thống. Chúng ta phải đổi mới thông qua việc thêm lực lượng bưu chính công ích để hỗ trợ CĐS ngay từ khâu tiếp nhận. Có như vậy, người dân mới không phải cung cấp lại các thông tin đã có thì chúng ta mới đẩy nhanh CĐS, cung cấp DVCTT", ông Phan đề xuất.

Cần tiếp tục vượt qua một số thách thức để chuyển đổi số thành công - Ảnh 3.

Người dân có thể thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử. Ảnh: Xuân Tuấn

Triển khai CĐS tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, bà Lê Ngọc Hân chia sẻ Quảng Ninh xác định 5 nhiệm vụ lớn trong thực hiện Chiến lược CĐS quốc gia và cụ thể hóa triển khai Đề án CĐS của tỉnh, gồm: cải thiện và nâng cao chất lượng DVCTT, gắn với nhiệm vụ đầu tiên mà tỉnh Quảng Ninh xác định quan trọng là đẩy nhanh CĐS trong hệ thống chính trị để hướng tới cấp độ 3 của chính quyền số là quản trị dựa trên dữ liệu, từ đó tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị để nhằm phục vụ cho người dân ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng xác định tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, tận dụng cơ hội từ thách thức COVID-19 để triển khai xã hội số trên 3 trụ cột thiên nhiên, văn hóa và con người Quảng Ninh. Đồng thời, Quảng Ninh gắn CĐS với các yếu tố đảm bảo an toàn an ninh mạng và phấn đấu đưa Quảng Ninh đi đầu về đảm bảo an toàn an ninh mạng.

"Điểm nhấn của Quảng Ninh trong CĐS được xác định là CĐS đi đầu trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội và phải xây dựng được thành công mô hình CĐS toàn diện. Đó là nhiệm vụ lớn tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong giai đoạn tới", bà Hân nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục vượt qua rào cản để chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO