Cần bảo vệ sinh mạng và duy trì sinh kế của người dân
Thưa ông, năm 2020, khi COVID-19 mới bùng phát, Việt Nam được coi là điểm nhấn của thế giới về khả năng phòng chống dịch hiệu quả song hành với phát triển kinh tế với GDP tăng 2,91% và thuộc nhóm những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Ông đánh giá thế nào về con số tăng trưởng này?
TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2020, COVID-19 tràn vào Việt Nam còn ở quy mô nhỏ, chúng ta có thể kiểm soát được với những giải pháp hiện có. Tuy nhiên, đến giờ, khi dịch đã tràn vào như cơn lũ, chúng ta đã nhìn thấy sức hủy diệt của COVID-19 khi làn sóng thứ 4 đang tác động đến Việt Nam và nhiều nước khác, ngay cả những nước phát triển nhất. Các nước đang phát triển thì thiệt hại còn nghiêm trọng hơn do khả năng chống chịu kém hơn, đi kèm theo đó là sự phục hồi sau đại dịch cũng khó khăn hơn nhiều.
Vì vậy chúng ta bắt buộc phải thay đổi chiến lược chống dịch. Cần nhìn nhận COVID-19 một cách khách quan, chúng ta mới có bước chuẩn bị và đối đầu với nó hiệu quả hơn. Nếu tự hào, tự mãn sẽ khiến người dân chủ quan, dẫn đến cách đối phó với dịch cũng chủ quan. Con số 2,91% của năm 2020 là nhờ vào kiểm soát tốt dịch bệnh. Song, điều này không đáng để tự hào vì đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm đổi mới.
Đại dịch cũng tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế, các doanh nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy, theo tôi, Chính phủ nên đưa ra thông điệp rõ ràng giúp các doanh nghiệp, người dân, chứ không phải là đưa ra con số.
Tới thời điểm này, chúng ta vẫn đang phải chống đỡ với"cơn lũ" COVID-19 lần thứ 4 nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu kép: Đó là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tăng trưởng kinh tế. Để đạt được, theo ông, chúng ta cần làm gì?
TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta cần làm rõ cụm từ "mục tiêu kép" trong thời điểm hiện nay. Kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế là hai phạm trù riêng biệt hay có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi nói đến mục tiêu đơn hay kép, cần phải hiểu rất rõ về nội hàm và mức độ của nó nếu không muốn đưa ra một thông điệp không nhất quán và rõ ràng. Ví dụ, giữ vững mục tiêu tăng trưởng là 6,5%/năm trong năm nay là bất khả thi.
Tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, chúng ta không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng là bao nhiêu vì nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều tiên quyết nhất là cần có sự ưu tiên giữa y tế và kinh tế. Nếu y tế được ưu tiên, nghĩa là khả năng đến một thời điểm nào đó dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Chỉ khi dịch bệnh được ngăn chặn, chúng ta mới có thể tính đến yếu tố tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, năm nay, Chính phủ nên ưu tiên hai vấn đề chính: Đó là bảo vệ tính mạng và duy trì sinh kế của người dân.
Hiện nay, chúng ta đang làm tốt phần bảo vệ sinh mạng, nhưng sinh kế thì chưa hiệu quả. Người dân chịu thiệt hại không cần biết họ sống ở đâu, thiệt hại như thế nào,… mà nên có sự hỗ trợ đại trà. Mặt khác, đừng vì bảo vệ sinh mạng mà lock down toàn bộ, từ giao thông, đến chợ búa,… Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến sinh kế để người dân không bị tổn hại quá nhiều và có khả năng phục hồi sau đại dịch một cách tốt hơn, đặc biệt là người dân lao động, nhóm dễ bị tổn thương bởi tác động của đại dịch.
Đất nước ta trải dài hơn 3000km, không phải ở bất kỳ đâu, dịch bệnh cũng tàn phá. Chúng ta nên xác định mức độ dịch bệnh ở các vùng, miền, địa phương,… để đảm bảo hàng hóa được lưu thông, đặc biệt là ở các cửa ngõ xuất khẩu. Chúng ta là một đất nước kinh tế mở nên những thứ đó không được ách tắc.
Một thực tế như ông vừa đề cập đến là sinh kế của người dân, đặc biệt là dân nghèo, một phần do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng logistic. Vậy, theo ông, có những giải pháp nào để vừa đảm bảo sinh mạng, vừa giúp sinh kế của người dân được đảm bảo?
TS. Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về việc đứt gãy chuỗi cung ứng logistic do tình trạng lock down giữa các địa phương. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, chúng ta biết, virus Corona không lây từ hàng hóa sang người. Vì vậy, tất cả các loại hàng hóa, trừ mặt hàng bị cấm, nên được lưu thông bình thường trên cơ sở đảm bảo kiểm soát dịch cho người vận chuyển, người nhận hàng cũng như kho, bãi…
“Nền kinh tế giống như sức
khỏe con người vậy. Nếu
vừa ốm dậy mà không có
thuốc bổ, thực phẩm bổ
sung và một chương trình
hồi phục thì sẽ khó mà
khỏe lại trong một thời
gian ngắn.”
Vắc xin nên được tiêm trước cho những người tham gia vào chuỗi logistic để đảm bảo hàng hóa được lưu thông tốt. Hiện nay, việc vận chuyển bị ách tắc khá phổ biến, ở khu vực miền Đông Nam Bộ là do dịch bệnh, nhưng còn ở nơi khác là do kiểm soát quá mức cần thiết và không khoa học, chưa dựa trên đánh giá về mức độ rủi ro. Điều đáng tiếc là hiện nay, chúng ta chưa có một quy trình thống nhất, mỗi địa phương làm một kiểu nên chưa tạo ra được một hành lang cung ứng hiệu quả.
Chính phủ nên có chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế bổ sung
Năm 2020, khi Việt Nam còn ở trong nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng khuyến cáo rằng sự kéo dài và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng như rủi ro về tài chính, thu hẹp thu nhập hộ gia đình, nạn thất nghiệp tăng nhanh,… Những điều này đã và đang xảy ra với Việt Nam. Theo ông, Chính phủ sẽ làm gì trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề này?
TS. Nguyễn Đình Cung: Những điều ADB nói đúng là đã và đang ảnh hưởng tới chúng ta. Hàng chục triệu lao động mất việc làm, hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, … Đây là lý do Chính phủ đã hỗ trợ gói an sinh xã hội trị giá 62,000 tỷ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020. Song, điều đó chưa thấm vào đâu ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, để cơ bản giải quyết được những thách thức trên, tôi nghĩ rằng Chính phủ nên có một chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế từ năm 2022, đặc biệt là khi chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tiêm vắc xin phổ quát.
Chương trình này không nằm trong kế hoạch 2021-2025, mà là chương trình bổ sung, mạnh mẽ hơn cho kế hoạch 5 năm. Nếu không, chúng ta khó mà đạt được kế hoạch đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng 2021-2025. Nền kinh tế giống như sức khỏe con người vậy. Nếu vừa ốm dậy mà không có thuốc bổ, thực phẩm bổ sung và một chương trình hồi phục thì sẽ khó mà khỏe lại trong một thời gian ngắn.
Ông có thể nói sâu hơn về chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế bổ sung?
TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, cần một chương trình phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới, tập trung vào các giải pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư.
Theo đó, phải đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khuyến khích, thúc đẩy ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới phát triển. Thay vì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó, chúng ta cần chương trình khuyến khích đầu tư, ưu đãi, giảm thuế... cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục hay những loại hình kinh doanh mới như công nghệ, điện tử, sáng tạo đổi mới... Theo đó, những chương trình này phải thực chất hơn, nhanh chóng hơn.
Chính sách này có thể hoàn toàn mới hoặc nếu không mới thì phải dựa trên cơ sở Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... để đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết hướngdẫn về những ưu đãi, giảm thuế cho doanh nghiệp... để có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Chúng ta cũng nên khuyến khích đầu tư vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… những vùng kinh tế trọng điểm để tạo đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.
Cùng với đó, cần khuyến khích chuyển đổi đầu tư công nghiệp vùng đồng bằng Đông Nam Bộ để nâng cao tỷ lệ công nghiệp của vùng này. Thúc đẩy và phục hồi kinh tế ở thời điểm này phải cụ thể và chi tiết. Có như vậy mới thực sự tạo được làn sóng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển đổi số.
COVID-19 nếu cứ kéo dài và mức độ nghiêm trọng càng tăng lên thì sẽ cần thêm những giải pháp cấp thiết gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Cung: Quan trọng nhất là cần ổn định và duy trì kinh tế vĩ mô. Sau đó, làm rõ vấn đề mục tiêu kép, nhưng vẫn ưu tiên sinh mạng và sinh kế của người dân. Chính phủ nên vẫn áp dụng những giải pháp hiện tại nhưng với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn.
Chúng ta có thể đẩy nhanh những gói hỗ trợ người dân như gói 62.000 tỷ đồng nhưng cần áp dụng một cách hiệu quả hơn. Ví dụ đi hỗ trợ người nghèo mà đi theo cách truyền thống, cứ đòi giấy xác nhận, giấy chứng minh hộ nghèo, chứng minh thiệt hại thì khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.
Nên chăng chúng ta có thể áp dụng các giải pháp phi truyền thống như ứng dụng công nghệ số…?
TS. Nguyễn Đình Cung: Điều đáng tiếc là mặc dù hô hào nhiều về Cách mạng 4.0, công nghệ số, thương mại số… nhưng thực tế chúng ta chưa ứng dụng được bao nhiêu. Đơn giản như khai báo y tế. Chúng ta đang áp dụng nhiều nền tảng như Bluezone, website, NCOVI, Zalo,… nhưng ở các chốt kiểm dịch, việc khai báo y tế đơn thuần vẫn là khai trên giấy. Hay việc đi tiêm, đi test,… vẫn phải có tờ giấy xác nhận.
Tôi cho rằng, hiện chúng ta đang nghẽn ở nhiều thứ, trong đó có việc huy động và phân bổ nguồn lực. Chỉ khi nào tạo ra động lực cho thị trường, thúc đẩy nguồn lực, khi đó chúng ta mới sử dụng được nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.
Tại sao chúng ta không đồng nhất việc này trên một nền tảng công nghệ số để, dù đến địa phương nào, cũng chỉ cầnquét mã QR là xong. Tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn để chúng ta thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm tạo ra một bước tiến mới trong cách thức quản lý Nhà nước.
Nhiều chuyên gia nhận định, giai đoạn 2021-2025 là thời điểm tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái. Quan điểm của ông về nhận định này?
TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta nên đi vào thực chất của việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian này. Để làm được điều đó, cần phân tích một cách rõ ràng rằng hiện nay kinh tế Việt Nam đang bị nghẽn ở những điểm nào cần khơi thông mới có thể giúp hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ.
Tôi cho rằng, hiện chúng ta đang nghẽn ở nhiều thứ, trong đó có việc huy động và phân bổ nguồn lực. Đây là vấn đề Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định. Một nền kinh tế sử dụng nguồn lực kém hiệu quả rất khó phát triển. Chỉ khi nào tạo ra động lực cho thị trường, thúc đẩy nguồn lực, khi đó chúng ta mới sử dụng được nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.
Đại hội Đảng XIII đã xác định trọng tâm Cải cách thể chế là đột phá chiến lược, trong đó phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Cho nên, quan trọng là chúng ta phải khai thông được điểm nghẽn đó, sau đó mới đến chuyển đổi số. Nếu không sử dụng hiệu quả nguồn lực, không có thị trường thì cũng không có sự thúc đẩy việc sáng tạo trong chuyển đổi số.
Nếu như Đại hội XII tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thì Đại hội XIII chuyển trọng tâm sang cơ cấu lại danh mục đầu tư, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp dịch vụ. Một số loại thị trường như đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ, … cần được phát triển để tạo điều kiện cho việc phân bố và sử dụng nguồn lực.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021))