CĐS tài chính giúp triển khai nhiều ứng dụng phục vụ, chính phủ, DN và người dân

Hoàng Linh| 17/11/2022 14:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Lĩnh vực tài chính đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số (CĐS) trong tổ chức, vận hành, quản lý, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, DN cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

CĐS tài chính mạnh mẽ mang lại hiệu quả cho toàn xã hội

Tại Hội thảo "Thúc đẩy CĐS và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính" ngày 17/11 do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ngân hàng thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

CĐS tài chính 4 lĩnh vực mang lại hiệu quả cho toàn xã hội - Ảnh 1.

Cục trưởng Nguyễn Đại Trí: CĐS trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho CĐS nói chung và thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực khác nói riêng

Với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế, CĐS trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho CĐS nói chung và thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực khác nói riêng. Điều này lại một lần nữa lại được khẳng định rõ nét tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030.

Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược, kế hoạch sau này, cụ thể như Quyết định số 1483/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030; Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch CĐS của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng tài chính điện tử, tài chính số, dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và DN; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 "không" (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ"; CĐS mạnh mẽ thị trường chứng khoán.

Trong thời gian qua, ông Trí cho biết: toàn ngành Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, thực hiện CĐS mạnh mẽ trong các lĩnh vực, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho DN, người dân.

Với những kết quả đạt được, qua 7 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT Index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ. Và đặc biệt, theo báo cáo chỉ số đánh giá CĐS năm 2020 và 2021 do Bộ TT&TT công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất 2 năm liên tiếp trong các bộ cung cấp dịch vụ công về mức độ CĐS. Kết quả này cho thấy, ngành Tài chính đang tiên phong, chủ động triển khai lộ trình CĐS.

Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về CĐS trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, ông Trí cho biết Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa CĐS trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện tốt các nhiệm vụ trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, DN phù hợp với lộ trình CĐS của chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, DN tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành về CĐS

Với những kết quả đạt được trong lĩnh vực CĐS ngành Tài chính, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: "Việc triển khai CĐS, chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện CĐS. Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index)".

CĐS tài chính 4 lĩnh vực mang lại hiệu quả cho toàn xã hội - Ảnh 2.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển: Việc triển khai CĐS của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật

Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện CĐS với các kết quả ấn tượng như ngành thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, đã cung cấp 163 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; dịch vụ thuế điện tử cho DN đã đi vào hoạt động ổn định, thông suốt với trên 99% trong tổng số gần 850.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.

Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp DCVTT mức độ 4 đạt gần 90%. Đến hết năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cơ bản hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực quản lý; hệ thống DVCTT mức độ 4 của KBNN hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT mức độ 4 của KBNN.

CĐS giúp nâng cao hiệu quả, cải thiện giao tiếp giữa chính phủ và công dân

Các chính phủ trên khắp thế giới đang tăng cường sử dụng công nghệ để hiện đại hóa khu vực công. Theo đó, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) Andrea Coppola nhấn mạnh: "CĐS giúp nâng cao hiệu quả và tính công bằng trong cung cấp DVC, cải thiện giao tiếp giữa chính phủ và công dân, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, cải thiện quản trị và giám sát cũng như hiện đại hóa các hoạt động cốt lõi của chính phủ".

CĐS tài chính 4 lĩnh vực mang lại hiệu quả cho toàn xã hội - Ảnh 3.

Chuyên gia Andrea Coppola: CĐS là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045

Chuyên gia Andrea Coppola cũng cho biết CĐS là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đã bắt đầu hành trình CĐS này từ năm 2020 khi xây dựng Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Việc sử dụng các nền tảng số của chính phủ, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội tại Việt Nam tăng mạnh. Theo Chỉ số trưởng thành về GovTech năm 2022 của WB, Việt Nam đã đạt được mục tiêu trở thành một phần của các quốc gia nhóm B trong số các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia... có trọng tâm GovTech đáng kể trong 4 lĩnh vực hệ thống chính phủ cốt lõi, cung cấp dịch vụ công, sự tham gia của công dân số và Hỗ trợ GovTech.

Chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực hợp lý hóa các thủ tục và cung cấp DVC cho người dân thông qua các công cụ số. Số lượng DVCTT tăng từ 169 dịch vụ vào tháng 3/2020 lên hơn 1.900 dịch vụ vào tháng 10/2020. Đến nay, hơn 4.000 dịch vụ đã được chuẩn hóa và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, từ cấp phép lái xe đến đăng ký thuế, đăng ký DN. Kết quả là 5,6 triệu trường hợp đã được xử lý trực tuyến thông qua cổng DVC quốc gia.

Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhấn mạnh Bộ Tài chính đã đi đầu trong CĐS trong những năm qua. "Bộ đã triển khai thành công nhiều ứng dụng phục vụ cả chính phủ và cộng đồng DN như Hệ thống thông tin quản lý kho bạc và ngân sách, hệ thống thuế và hải quan, hệ thống thông tin quản lý nợ, hệ thống quản lý tài sản công… Các hệ thống này đã giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng độ chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất và làm cho quy trình minh bạch hơn. Những nỗ lực cung cấp thông tin ngân sách cho người dân cũng đã được thực hiện thông qua cổng thông tin tài chính, đã ghi nhận hàng triệu lượt truy cập kể từ khi ra mắt vào năm 2020".

Tuy nhiên, theo ông Andrea Coppola, các hệ thống thông tin này được phát triển riêng lẻ bởi các cục, vụ khác nhau trong Bộ Tài chính mà không có cách tiếp cận toàn chính phủ về hệ thống thông tin quản lý tài chính. "Bộ có thể tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện khả năng kết nối và khả năng tương tác của các hệ thống và cổng hiện có, hưởng lợi từ đám mây chính phủ, bus dịch vụ và các giao diện lập trình ứng dụng", ông Andrea Coppola đề xuất"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS tài chính giúp triển khai nhiều ứng dụng phục vụ, chính phủ, DN và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO