Chênh lệch hơn 20% giữa các hãng logistics
Theo báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company vừa công bố, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 được dự báo là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD. Thị trường chuyển phát cũng theo đó trở thành "miếng bánh béo bở", dẫn tới sự xuất hiện của các hãng giao hàng cả nội địa và nước ngoài với nhiều mức giá khác nhau. Điều này khiến cho không ít người dùng hoang mang trong việc lựa chọn đơn vị chuyển phát phù hợp.
Tại Việt Nam, mức cước phí chuyển phát giữa các hãng giao hàng đang có sự chênh lệch đáng kể. Theo thông tin tra cứu từ phần mềm quản lý bán hàng đa kênh Nhanh.vn, với 50kg hàng hóa vận chuyển từ Hà Nội đến TP. HCM trong cùng 1 thời gian 2 -3 ngày, mức giá của J&T Express và Chuyển phát nhanh Bưu điện đang có sự chênh lệch.
Cước phí cho 1 kiện 50kg trọng lượng hàng hóa của các hãng sự chênh lệch
Chị Nguyễn Kim Anh (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị là người thường xuyên mua hàng trên các trang TMĐT. Đơn cử như ngày 27/4/2020 vừa rồi, chị có đặt hàng sản phẩm nồi chiên không dầu có khối lượng 1,2 kg từ TP. HCM đi Hà Nội trên ứng dụng mua hàng online. Tuy nhiên, trong quá trình thanh toán, giá ship giữa các hãng giao hàng hiện ra có sự chênh lệch nhau khá nhiều khiến chị vô cùng hoang mang.
"Tôi rất phân vân và lo ngại về vấn đề chất lượng giao hàng của các hãng khi phí ship chênh lệch nhau nhiều như vậy. Phí giao hàng cao nhất ở mức hơn 101.000 đồng, nhưng cũng có hãng chỉ khoảng 79.000 đồng", chị Kim Anh chia sẻ.
Việt Nam không phải thị trường duy nhất đang trong tình trạng "loạn" giá giao hàng
Ngoài Việt Nam, tại Trung Quốc, cuộc đấu đá, so kè cước phí cũng diễn ra rất căng thẳng, đẩy thị trường chuyển phát rơi vào trạng thái cạnh tranh không lành mạnh.
Theo thông tin trang South China Morning Post đăng tải ngày 18/4/2021, hãng J&T Express đã và đang gây ra "cuộc chiến" giá cả tại Nghĩa Ô, thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc.
Cụ thể, phía J&T Express đã thực hiện chương trình giảm giá xuống chỉ còn 0,9 nhân dân tệ (NDT) để chuyển một gói hàng đi hàng trăm dặm. Việc "phá giá" xuống dưới 1 NDT này nhanh chóng gây sự chú ý của Cơ quan Bưu chính thành phố Nghĩa Ô. Theo đó, vào khoảng đầu tháng 4/2021, chính quyền tại nước này đã yêu cầu J&T Express đóng cửa một số dây chuyền sản xuất tại các trung tâm giao hàng của mình và tăng giá cước.
Để chống chọi, các công ty khác như ZTO Express và STO Express điều chỉnh đơn giá còn 1,5 NDT cùng điều kiện, thấp hơn khoảng 1/3 so với mức trung bình trên toàn quốc và có khả năng không đủ bù chi phí.
Cuộc chiến giá cả cũng là lý do chính khiến đơn vị chuyển phát lớn nhất Trung Quốc SF Express thua lỗ. Trong quý đầu tiên năm 2020, SF Holding đã báo cáo lợi nhuận 907,3 triệu NDT. Tuy nhiên, mới đây, DN này đã gây sốc cho thị trường khi cho biết dự kiến sẽ lỗ ròng từ 900 triệu NDT đến 1,1 tỷ NDT cùng kỳ năm 2021. Sau thông báo này, giá cổ phiếu của công ty này nhanh chóng giảm mạnh 20% trong 3 ngày giao dịch và giảm gần một nửa từ giữa tháng 2.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 được tổ chức cuối tháng 11/2020, nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, CNTT còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa TMĐT và logistics chưa thực sự hiệu quả.
Vì sao giá thành lại có sự chênh lệch như vậy?
Đại diện một DN bưu chính ở Việt Nam cho rằng, đúng là logistics nói chung giá thành hiện còn khá cao nhưng đối với giao hàng chặng cuối (last mile delivery – giao hàng từ trung tâm phân phối/kho lưu trữ đến điểm giao hàng cuối cùng là khách hàng) thì lại đang gặp tình trạng các DN cạnh tranh thiếu lành mạnh (phá giá) thông qua việc giảm giá thành dịch vụ, xuống mức thấp hơn giá thành, để thu hút người dùng. Đó là lý do tại sao mức giá giữa các hãng lại đang có sự chênh lệch như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường giao hàng chặng cuối đang rất sôi động, khi có sự tham gia của rất nhiều đơn vị, từ các DN nước ngoài như J&T Express, Ninja Van… cho đến các DN trong nước như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Viettel Post, VietnamPost nhưng có lẽ còn quá sớm để cho rằng có sự "phá giá" giữa các DN. Thay vào đó, các DN cần tích cực hơn trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tối ưu hóa nguồn lực… của đơn vị mình để cắt giảm chi phí không cần thiết và nâng cao hiệu suất, hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét, theo dõi chặt chẽ thị trường, đưa ra các quy định pháp lý phù hợp để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng "của rẻ là của ôi". Bởi vì, việc đưa ra khung giá cước sàn cho dịch vụ bưu chính giống như lĩnh vực viễn thông, chỉ là một trong số nhiều biện pháp để điều tiết thị trường.
Tương tự như thị trường taxi hành khách, một mặt, Uber, Grab với nguồn lực tài chính mạnh đã dùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người dùng, dẫn đến việc các hãng taxi truyền thống dần thua lỗ và đánh mất thị trường vào tay DN nước ngoài. Nhưng mặt khác, việc thua lỗ của các hãng taxi truyền thống cũng đến từ sự chậm chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành của đơn vị mình.
Vào tháng 2/2021, Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong và Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm cũng đã bị xử phạt vì không thông báo/không đăng ký khi thực hiện chương trình khuyến mãi.
Mới đây nhất, ngày 4/5, Công ty Sagawa Việt Nam cũng đã bị xử phạt hành chính vì lý do tương tự, khi thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá đến 57% so với bảng giá niêm yết.