Diễn đàn

Chỉ số PAPI 2022: Bức tranh nhiều màu về quản trị và hành chính công trên cả nước

Ngọc Diệp 14:50 12/04/2023

Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 sáng 12/4, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; xếp thứ 2 là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm.

PAPI - Hành trình 14 năm lắng nghe tiếng nói của người dân Việt Nam

Báo cáo PAPI 2022 là kết quả của năm thứ 14 của mối quan hệ hợp tác nghiên cứu hiệu quả giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Quay lại với phương pháp phỏng vấn trực tiếp đã được sử dụng nhiều năm trước đại dịch, chương trình nghiên cứu PAPI 2022 đã có những cải tiến trong quy trình triển khai, và đã thành công trong việc tiếp cận và lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi. Đây là một con số kỷ lục của nghiên cứu PAPI kể từ năm 2009. Trong số đó, gần 1.200 là người tạm trú tại 12 tỉnh, thành có tỉ suất nhập cư ròng dương, góp phần bảo đảm tính đại diện hơn của mẫu khảo sát PAPI, bổ sung dữ liệu từ một trong những nhóm người dân yếu thế nhất đó là người tạm trú ở các địa phương tiếp nhận nhập cư nội địa.

Từ năm đầu tiên thực hiện nghiên cứu PAPI 2009 tới nay, gần 200.000 lượt người dân đã có cơ hội đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền về hiệu quả quản trị, điều hành, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của địa phương mình. Dữ liệu PAPI dựa trên trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp của người dân trong một năm. Mục tiêu chung của chương trình nghiên cứu PAPI là nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng DVC căn bản có chất lượng.

Với dữ liệu thực chứng thu thập từ người dân - đối tượng thụ hưởng chính từ nền quản trị công và DVC - qua khảo sát PAPI thường niên và các hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách chuyên đề, chương trình nghiên cứu PAPI góp phần tìm hiểu những khoảng trống, những điểm nghẽn chính sách cần được các cơ quan có chức năng hoạch định chính sách bổ khuyết, đổi mới, hướng tới đạt được những mục tiêu trên và góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ ở Việt Nam.

Sau 14 năm phát triển, PAPI đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ chính quyền các cấp thứ ba (2021-2026) sau hai nhiệm kỳ PAPI đã đồng hành trước đó (2011- 2016 và 2016-2021). Chính vì vậy, PAPI được ví như "mỏ vàng" phục vụ nghiên cứu và vận động đổi mới chính sách. Ngoài vai trò là hệ thống theo dõi, đánh giá những gì chính quyền các cấp đạt hoặc chưa đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân, dữ liệu PAPI giúp dự báo xu thế quản trị công, gợi mở giải pháp đổi mới phương thức và hiệu quả điều hành và quản lý Nhà nước, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp, tạo động lực để người dân đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Điều này khiến PAPI trở thành một trong các chương trình nghiên cứu xã hội học lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam, ghi chép lại những chuyển biến trong nền quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia và địa phương cũng như trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong gần một thập kỷ rưỡi vừa qua.

screen-shot-2023-04-12-at-13.35.00(1).png
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: PAPI cung cấp dữ liệu và thông tin về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2022, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng DVC”.

Tôi rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam theo dõi kết quả PAPI để điều chỉnh chính sách và cải thiện chất lượng DVC, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Điều quan trọng là PAPI thể hiện quan điểm, tiếng nói của đông đảo các tầng lớp dân cư, bao gồm phụ nữ và nam giới, cũng như người khuyết tật. Lắng nghe ý kiến công dân như vậy là rất cần thiết để cải thiện DVC. Australia đã và đang hỗ trợ sáng kiến quản trị quan trọng này suốt 7 năm qua bởi chúng tôi nhận thấy nghiên cứu này mang lại giá trị cho Việt Nam", Đại sứ Australia tại Việt Nam ông Andrew Goledzinowski chia sẻ.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: “14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện".

screen-shot-2023-04-12-at-09.36.37(1).png
TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Do vậy, theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, trong năm qua, PAPI tiếp tục củng cố chỗ đứng của mình trong sự quan tâm của công chúng, của các cấp chính quyền và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước, một cách ấn tượng. Một nửa số tỉnh/thành phố của cả nước đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh, phân tích kết quả của tỉnh mình và thảo luận các giải pháp. Hai phần ba các tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch hành động, chỉ thị mới nhằm cải thiện hiệu quả thực thi chính sách của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã trong những năm tiếp theo.

Bức tranh nhiều màu về quản trị và hành chính công trên cả nước

Hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2022 ở 8 lĩnh vực nội dung PAPI đo lường gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng DVC; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

screen-shot-2023-04-12-at-10.50.28(1).png
Xu thế biến đổi của 8 chỉ số nội dung PAPI qua các năm từ 2019-2022

Theo đó, trong năm 2022, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có những thăng trầm nhất định ở từng nhóm lĩnh vực, được thể hiện qua mức độ thay đổi về điểm ở tám chỉ số nội dung. Đáng chú ý, điểm số của ba chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Thủ tục hành chính công và Quản trị điện tử tăng lên trong năm 2022. Điểm Chỉ số nội dung "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" hầu như không có thay đổi. Tuy nhiên, điểm của bốn chỉ số nội dung còn lại có xu hướng giảm, trong đó điểm Chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng DVC" giảm tương đối mạnh.

Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương ở những lĩnh vực PAPI đo lường hầu như chững lại trong năm 2022.

Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng DVC trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng Internet hiện nay. Năm 2022, tỉ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần DVC trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021.

Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng DVCQG còn rất thấp: chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng DVCQG cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.  Tóm lại, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện tốt quản trị điện tử, song kết quả khảo sát cho thấy có khoảng cách lớn giữa điều kiện tiếp cận Internet với khả năng cung ứng DVC trực tuyến cho đối tượng người dùng là công dân.

Quảng Ninh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI năm 2022

Trong số các tỉnh/thành phố trong nhóm tứ phân vị "cao", 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của nươời dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh/thành phố không tăng so với năm 2021.

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử". Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng DVC".

Cũng theo báo cáo  này, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI 2022 với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; xếp thứ 2 là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm. Tỉnh có chỉ số PAPI thấp nhất là Cao Bằng đạt 38,80 điểm. Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng này, với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049 điểm./.

Bài liên quan
  • Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên ứng dụng AI trong hành chính công
    Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng AI trong hành chính công.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số PAPI 2022: Bức tranh nhiều màu về quản trị và hành chính công trên cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO