Chỉ số PAPI 2019: Ghi nhận nhiều tiến bộ đáng khích lệ của các tỉnh, thành phố

Ánh Dương| 29/04/2020 20:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 vừa công bố, không có tỉnh, thành nào đạt mức điểm cao nhất cho cả 8 chỉ số thành phần được đánh giá.

Báo cáo PAPI 2019 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Chỉ số PAPI năm 2019 khảo sát 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành. Báo cáo đã nêu bật những tiến bộ rất đáng khích lệ trong quản trị điều hành và hành chính công nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và góc nhìn sâu sắc về các lĩnh vực cải cách của gần một thập kỷ. Đây là những thông tin hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách trong năm 2020, năm bản lề đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Theo bà Cailtin Wiesen, đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, báo cáo PAPI 2019 nêu bật giá trị trong việc đánh giá các cải cách về quản trị và hành chính công của một thập kỷ và so sánh hiệu quả quản trị đối với các mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững, trong đó ghi nhận cải thiện ở hầu hết các lĩnh vực quản trị.

"Quan trọng hơn, các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19", bà Cailtin Wiesen nhấn mạnh.

Thủ tục hành chính công chưa có tiến bộ đáng kể

Theo nhóm chuyên gia UNDP, chỉ số PAPI tổng hợp theo khảo sát từ năm 2015 - 2019 có sự thay đổi rõ rệt theo từng năm, cho thấy người dân cảm nhận công tác quản trị của chính quyền đã có sự cải thiện tích cực. Điều này thể hiện ở hầu hết nội dung cấu thành nên Chỉ số được cải thiện trong 5 năm qua, trong đó "tham gia của người dân ở cơ sở", "công khai minh bạch", "trách nhiệm giải trình với người dân", "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", "cung ứng dịch vụ công" đều có tiến bộ đáng kể.

Điểm số trung bình cấp tỉnh của 6 lĩnh vực điều hành tăng từ 34 điểm năm 2015 lên 37,4 điểm năm 2019, qua đó nêu bật sự cải thiện trong hiệu quả quản trị cấp tỉnh của nhiệm kỳ chính phủ hiện tại (2016 - 2021).

Trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận, với mũi nhọn là chiến dịch phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Chỉ số PAPI 2019: Ghi nhận nhiều tiến bộ đáng khích lệ của các tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

(Nguồn: UNDP)

Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng, chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường, với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Tuy điểm của chỉ số Kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, cần lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.

Một điều đáng ngạc nhiên là, điểm số của lĩnh vực Thủ tục hành chính (TTHC) công - lĩnh vực đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng và hiệu quả tiếp cận TTHC công cho người dân thì lại là chỉ số thành phần duy nhất gần như không thay đổi và có xu hướng đi xuống trong năm 2019.

Chính phủ đã rất cố gắng mở rộng nền tảng Chính phủ điện tử để cho phép người dân tiếp cận và hoàn thành hồ sơ trực tuyến, nhưng không có tiến bộ đáng kể trong TTHC, dù khu vực doanh nghiệp được đánh giá là có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị điện tử những năm gần đây để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.

Chỉ số PAPI 2019: Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp nhất - Ảnh 1.

Theo báo cáo PAPI 2019, thủ tục hành chính công không có tiến bộ đáng kể. (Ảnh: T.Vân)

Do đó, để cải thiện điểm số TTHC công, cần tăng cường hơn nữa những nỗ lực cải cách TTHC công để khuyến khích người dân truy cập và hưởng lợi từ việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như đối với khu vực doanh nghiệp.

Việc Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019 đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Do vậy, dự kiến sẽ có sự thay đổi điểm số của lĩnh vực quản trị điện tử trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, CCHC là một trong những nội dung trọng tâm của ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

"Việc nghiên cứu phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng, không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là chỉ báo về hiệu quả hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn" – ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cam kết tham gia hỗ trợ PAPI vì mục tiêu của dự án, góp phần nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính Nhà nước.

Chỉ số PAPI 2019: Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp nhất - Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Công)

Không tỉnh thành nào đạt điểm PAPI tuyệt đối

Đánh giá chung về Chỉ số tổng hợp của PAPI, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhóm tốt nhất nằm rải rác ở 3 miền, trong đó có một số tỉnh miền núi phía Bắc vốn có điều kiện khó khăn.

Theo đó, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.

Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp.

Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có mức điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.

Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, mức điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, mức điểm từ 42,38 đến 43,70 và Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, TTHC công và quản trị môi trường. Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

"Như vậy, chính quyền mất khá nhiều thời gian để tạo thêm sự hài lòng của người dân nhưng chưa có được cải thiện vượt bậc như mong muốn. Các địa phương đều có kế hoạch để tăng chỉ số PAPI, song từ khi có chỉ thị, kế hoạch tới khi có kết quả ban đầu là một hành trình rất khó khăn; nhiều địa phương có nghị lực chính trị nhưng triển khai ở cấp dưới chưa mạnh mẽ, trong đó Hà Nội rất cố gắng nhưng năm qua vẫn nằm ở nhóm thấp nhất, chênh lệch nhiều so với Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Chắc chắn trong năm 2020, quản trị và hành chính công của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều thách thức; hy vọng người dân, chính quyền địa phương và Trung ương sẽ nỗ lực nhiều hơn để vượt qua, tạo thêm niềm tin cho người dân" - TS Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI của UNDP 9 năm qua khẳng định.

Trong những năm tới, PAPI sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề quan trọng Việt Nam cần giải quyết để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu và trách nhiệm giải trình đối với người dân cũng như đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số PAPI 2019: Ghi nhận nhiều tiến bộ đáng khích lệ của các tỉnh, thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO