Chìa khoá cho phục hồi kinh tế Đông Nam Á sau đại dịch

Ngọc Diệp| 16/03/2022 16:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2021, nền kinh tế Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch COVID-19. Để sẵn sàng cho hồi phục kinh tế trong năm 2022 và sau đó, chính phủ các nước cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn.

4,7 triệu người Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực vì COVID-19

Theo báo cáo mới ADB với tiêu đề "Đông Nam Á: Trỗi dậy từ đại dịch" được trình bày tại Hội nghị chuyên đề phát triển Đông Nam Á (SEADS) ngày 16/3, đại dịch COVID-19 đã đẩy 4,7 triệu người dân Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, khi 9,3 triệu việc làm đã biến mất so với kịch bản không có COVID.

ADB cho biết làn sóng Omicron có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế của khu vực tới 0,8 điểm phần trăm trong năm 2022. Sản lượng kinh tế của khu vực vào năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 10% so với kịch bản không có COVID. Trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có các lao động phổ thông và người lao động làm việc trong khu vực bán lẻ và nền kinh tế phi chính thức, cũng như các doanh nghiệp nhỏ không có sự hiện diện số.

Chủ tịch ADB, Masatsugu Asakawa, cho biết: "Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và tỷ lệ nghèo gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á".

"ADB sẽ tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong quá trình họ nỗ lực tái thiết, cải thiện hệ thống y tế quốc gia và hợp lý hóa các quy định trong nước để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN)", ông Masatsugu Asakawa nhấn mạnh.

Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, báo cáo cho thấy triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn đối với các nền kinh tế có khả năng ứng dụng công nghệ rộng rãi, xuất khẩu hàng hóa được duy trì hoặc có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Báo cáo cũng ghi nhận sự phục hồi kinh tế trên toàn khu vực, với hầu hết các quốc gia chứng kiến lượt khách ghé thăm các khu vực bán lẻ và giải trí tăng 161% trong giai đoạn 2 năm tính tới ngày 16/2/2022.

Với 59% dân số trong khu vực đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 21/2/2022, báo cáo kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á phân bổ thêm nguồn lực để giúp các hệ thống y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc, cải thiện giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Đầu tư cho y tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cường tham gia lao động và năng suất. Ví dụ: tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á có thể tăng 1,5% nếu chi tiêu cho y tế trong khu vực đạt khoảng 5% GDP, so với mức 3,0% vào năm 2021, theo nhận định của báo cáo.

Hạ tầng thương mại kỹ thuật số: chìa khóa đẩy sự phục hồi của Đông Nam Á

Theo ADB, chính phủ các nước Đông Nam Á cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng đổi mới công nghệ để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng cần xây dựng môi trường du lịch thân thiện với khí hậu, chuỗi cung ứng và các DN số để sớm thoát khỏi những thiệt hại mà đại dịch đã gây ra cho nền kinh tế.

Chìa khoá cho phục hồi kinh tế Đông Nam Á sau đại dịch - Ảnh 1.

Chủ tịch ADB, Masatsugu Asakawa: Chúng ta cần tăng cường các chuỗi giá trị và hệ thống thương mại theo những cách thức cải thiện cuộc sống của hàng triệu người

Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, cho biết ngân hàng đặt mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài trợ từ năm 2019 đến năm 2030 để đảm bảo một nền kinh tế trong sạch "vận hành cho tất cả mọi người".

Chủ tịch ADB nhấn mạnh: "Chúng ta cần tăng cường các chuỗi giá trị và hệ thống thương mại theo những cách thức cải thiện cuộc sống của hàng triệu người", đồng thời cho biết thêm rằng "các quốc gia phải đối mặt với những nhiệm vụ to lớn trong việc hỗ trợ cho quá trình phục hồi".

Báo cáo của ADB cho biết, Philippines nên kết hợp việc học nghề và làm việc để tăng cường lực lượng lao động, trong khi Indonesia, quốc gia đã sẵn sàng để có nền kinh tế Internet lớn nhất khu vực, nên tăng tốc kết nối toàn quần đảo và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Với nền kinh tế số dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 350 tỷ USD vào năm 2025 ở Đông Nam Á, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một trong những động lực chính của phục hồi kinh tế kể từ năm 2020, khi dịch vụ và các lĩnh vực nổi bật khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của ADB, cơ cấu kinh tế đang thay đổi, dẫn đầu là ICT, nông nghiệp, xây dựng và chế tạo, đây sẽ là những lĩnh vực quyết định tốc độ phục hồi kinh tế.

Bà Indranee Rajah, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore, cho biết tại hội nghị SEADS: "Chúng tôi hy vọng vào sự phục hồi ổn định trong năm nay. Cho đến gần đây, khu vực mới thực sự có những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn".

Tuy nhiên, khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, bao gồm sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới, thắt chặt lãi suất toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá dầu tăng, giá hàng hóa cao hơn, lạm phát và bất ổn địa chính trị từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Báo cáo của ADB cho biết cần cải thiện tốc độ và truy cập Internet, đồng thời đầu tư vào đào tạo kỹ năng và kiến thức số để giúp người lao động khắc phục tình trạng gián đoạn trên khắp thị trường lao động và chuyển đổi việc làm giữa các lĩnh vực... nhằm đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo khuyến nghị các quốc gia theo đuổi cải cách cơ cấu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất. Điều này có thể bao gồm đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, giảm các rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ áp dụng công nghệ mới.

Các chính phủ cũng cần duy trì sự thận trọng về tài khóa để giảm thâm hụt và nợ công, đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý thuế để nâng cao hiệu quả và mở rộng cơ sở thuế.

Hội nghị SEADS 2022 với chủ đề "Các giải pháp bền vững cho công cuộc phục hồi của Đông Nam Á" sẽ tập trung vào cách thức để khu vực có thể thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID bằng cách giải quyết những nút thắt của chuỗi cung ứng, phục hồi du lịch và tăng tốc chuyển đổi số.

Sự kiện trực tuyến kéo dài hai ngày 16-17/3, dự kiến thu hút khoảng 5.000 đại biểu tham dự./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Chìa khoá cho phục hồi kinh tế Đông Nam Á sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO