Diễn đàn

Chiến lược phát triển quốc gia số Trung Trung Quốc

Trần Văn Liệu 14/04/2023 14:39

Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định xây dựng "Trung Quốc kỹ thuật số" là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hiện đại hóa quốc gia, là động lực mạnh mẽ để tạo ra lợi thế mới trong cạnh tranh toàn cầu, có ý nghĩa lớn và có tác động sâu rộng đến việc xây dựng một đất nước XHCN hiện đại, thúc đẩy toàn diện quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa.

trung-quoc.png

Kết quả xây dựng Trung Quốc số giai đoạn 2017 – 2021

“Báo cáo phát triển Trung Quốc kỹ thuật số (2021)” do Văn phòng Thông tin Internet quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy quốc gia này đã đạt những thành quả rất tích cực trong việc xây dựng quốc gia số thời gian qua, trong đó:

Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Đã xây dựng được 1,425 triệu trạm gốc 5G, chiếm hơn 60% tổng số toàn thế giới; số lượng người dùng 5G đã đạt 355 triệu, quy mô người dùng mạng Gigabit đạt 34,56 triệu; tỷ lệ truy nhập băng thông rộng tại các thôn xóm đạt 100%. Đến cuối năm 2021, tổng lượng tài nguyên địa chỉ IPv6 đứng đầu thế giới và số lượng người dùng IPv6 đạt 608 triệu; quy mô của sức mạnh tính toán đứng thứ hai trên thế giới.

5g-trung-quoc.jpeg

Về giải phóng giá trị tài nguyên dữ liệu. Từ năm 2017 đến năm 2021, sản lượng dữ liệu tăng từ 2,3ZB lên 6,6ZB, chiếm 9,9% và đứng thứ hai thế giới. Quy mô của ngành dữ liệu lớn tăng nhanh, từ 470 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 2017 lên 1,3 nghìn tỷ NDT vào năm 2021. Trung Quốc đang tích cực khám phá các quy tắc quản trị dữ liệu, phát triển thị trường dữ liệu, thúc đẩy lưu thông, giao dịch và sử dụng dữ liệu.

Về nâng năng lực đổi mới công nghệ. 5G đạt vị trí dẫn đầu về công nghệ, công nghiệp và ứng dụng; duy trì lợi thế trong điện toán hiệu năng cao; hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu có phạm vi phủ sóng toàn cầu; khả năng nghiên cứu & phát triển độc lập của chip và hệ điều hành trong nước đã được cải thiện nhiều. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối và thông tin lượng tử được xếp hạng trong số những công ty hàng đầu trên thế giới. Năm 2021, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế PCT trong lĩnh vực thông tin vượt 30.000, tăng 60% so với năm 2017, chiếm hơn một phần ba tổng số của thế giới.

Về quy mô phát triển nền kinh tế số: Nền kinh tế số đang dẫn đầu thế giới. Từ năm 2017 - 2021, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số tăng từ 27,2 nghìn tỷ NDT lên 45,5 nghìn tỷ NDT, đứng thứ hai thế giới, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 13,6%, tỷ trọng trong GDP tăng từ 32,9% lên 39,8%, trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế; giao dịch thương mại điện tử đã tăng từ 29 nghìn tỷ NDT năm 2017 lên 42 nghìn tỷ NDT năm 2021; chuyển đổi số đang tăng tốc, mức độ thông tin hóa trong sản xuất nông nghiệp được cải thiện.

Các dịch vụ chính phủ số: Xếp hạng toàn cầu về chỉ số dịch vụ trực tuyến của chính phủ điện tử Trung Quốc tăng lên vị trí thứ 9; “Văn phòng cầm tay” đã trở thành tiêu chuẩn của các dịch vụ chính phủ; hơn 90% các hạng mục cấp giấy phép hành chính cấp tỉnh được chấp nhận trực tuyến và “một cửa”; mức độ phổ biến sử dụng mã y tế đã đạt kết quả lớn.

Các dịch vụ xã hội số: Từ năm 2017 đến năm 2021, số lượng người dùng Internet tăng từ 772 triệu lên 1,032 tỷ và tỷ lệ sử dụng Internet tăng lên 73%, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Việc xây dựng nền tảng giáo dục thông minh quốc gia được đẩy nhanh; tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở được kết nối Internet; nền tảng thông tin bảo hiểm y tế quốc gia thống nhất được triển khai để thực hiện tự khai thác hồ sơ điều trị y tế trong cả nước; xóa đói giảm nghèo trên Internet và xây dựng làng xóm kỹ thuật số tiếp tục phát triển.

Quản trị phát triển kỹ thuật số: Hệ thống luật và quy định được đẩy nhanh, “Luật thương mại điện tử”, “Luật an ninh mạng”, “Luật bảo mật dữ liệu”, “Luật bảo vệ thông tin cá nhân”, “Quy định bảo vệ an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” đã đi vào cuộc sống. Ban hành “Quy định về quản trị sinh thái nội dung thông tin mạng”, “Quy định về quản lý dịch vụ thông tin chuỗi khối”, v.v.. Chuẩn hóa và lành mạnh các nền kinh tế nền tảng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường và người dân. Chuỗi hành động chuyên đề “làm sạch không gian mạng” được triển khai hiệu quả, tạo ra một hệ sinh thái mạng lành mạnh.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số:

Trung Quốc chủ trương triển khai các sáng kiến hợp tác quốc tế như “Sáng kiến hành động xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trong không gian mạng” và “Sáng kiến hợp tác quốc tế về kinh tế số Vành đai và Con đường (BRI)”. Tích cực tham gia vào các cơ chế quản trị kinh tế kỹ thuật số đa phương, tích cực đóng góp giải pháp Trung Quốc vào việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trong không gian mạng. Nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA).

Việc xây dựng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số (Digital Silk Road)” đã đạt được những kết quả đáng kể, đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” với 17 quốc gia và thiết lập cơ chế hợp tác song phương “Thương mại điện tử Con đường tơ lụa” với 23 quốc gia.

Định hướng phát triển Trung Quốc số trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”

Ngày 12/3/2021, Trung Quốc công bố “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia”, định hướng các mục tiêu dài hạn đến năm 2035, trong đó giành Phần V để bàn về đẩy nhanh xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” nhấn mạnh: Nắm bắt thời đại kỹ thuật số, kích hoạt tiềm năng của các yếu tố dữ liệu, thúc đẩy xây dựng sức mạnh không gian mạng, đẩy nhanh xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, xã hội kỹ thuật số và chính phủ kỹ thuật số, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, lối sống và quản trị thông qua chuyển đổi số.

kinh-te-so-tq.jpeg

Về phát triển kinh tế số: Ngày 12/12/2021, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Thông báo về Kế hoạch phát triển kinh tế số thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, trong đó nhấn mạnh: Kinh tế số là hình thái kinh tế chủ đạo sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp; lấy tài nguyên dữ liệu là yếu tố chính, mạng thông tin hiện đại làm phương tiện chính, lấy ứng dụng tích hợp công nghệ thông tin & truyền thông và chuyển đổi số (CĐS) toàn diện làm động lực quan trọng; thúc đẩy hình thái kinh tế mới thống nhất, công bằng và hiệu quả hơn. Nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, phạm vi ảnh hưởng lớn, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, lối sống và phương thức quản trị; kinh tế số trở thành yếu tố then chốt trong việc tổ chức lại các nguồn lực toàn cầu, định hình lại cơ cấu kinh tế toàn cầu và thay đổi bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Về phát triển chính phủ số: Ngày 23/6/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến chỉ đạo của Quốc vụ viện về tăng cường xây dựng chính phủ số”, trong đó nhấn mạnh: Tăng cường xây dựng chính phủ số là yêu cầu tất yếu để thích ứng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ và xu thế chuyển đổi công nghiệp, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; là nền tảng để định hướng xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc mạng; là giải pháp quan trọng để đổi mới nhận thức và phương thức quản trị của chính phủ, hình thành mô hình quản trị số mới, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị nhà nước; có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi chức năng của chính phủ, xây dựng chính phủ pháp quyền, chính phủ trong sạch, chính phủ phục vụ.

Về phát triển xã hội số: “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” nhấn mạnh cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng xã hội số, với những nội dung chính gồm:

- Cung cấp dịch vụ công thông minh và tiện lợi: Tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, việc làm, văn hóa, thể thao, hỗ trợ người khuyết tật; thúc đẩy ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật số nhằm nâng cao mức độ thụ hưởng của người dân; thúc đẩy số hóa nguồn tài nguyên công cộng trong các lĩnh vực như trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão, v.v..; phát triển phòng học trực tuyến, bệnh viện Internet, thư viện thông minh, v.v..; mở rộng các nền tảng dịch vụ công kết nối các cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển; khuyến khích các lực lượng xã hội tham gia “Internet + dịch vụ công”; v.v..

- Xây dựng thành phố thông minh và làng xóm số: Sử dụng số hóa để thúc đẩy đổi mới mô hình quản trị và phát triển đô thị, nông thôn; thúc đẩy xây dựng các thành phố thông minh; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng thống nhất và ứng dụng IoT; xây dựng hệ thống tài nguyên dữ liệu đô thị; đẩy nhanh xây dựng các làng kỹ thuật số, hệ thống dịch vụ thông tin toàn diện cho nông nghiệp và nông thôn.

- Xây dựng cuộc sống số tốt đẹp hơn: Thúc đẩy số hóa trong mua sắm và tiêu dùng, cuộc sống gia đình, du lịch và giải trí, giao thông vận tải, v.v..; thúc đẩy xây dựng cộng đồng thông minh; tăng cường hoạt động giáo dục và đào tạo kỹ năng số cho tất cả người dân.

pict_large.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: global giving)

Quy hoạch phát triển Trung Quốc số 2023

Cuối tháng 2/2023, Trung Quốc công bố “Quy hoạch bố cục
tổng thể về xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số” (gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chính gồm:

Mục đích: Xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số là động lực quan trọng để thúc đẩy hiện đại hóa mô hình Trung Quốc, là cơ sở vững chắc cho tạo ra lợi thế cạnh tranh mới của quốc gia. Đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số có ý nghĩa to lớn và tác động sâu rộng đến quá trình xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Quan điểm chỉ đạo: Bám sát sự chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, nhất là tư tưởng về một cường quốc không gian mạng; nâng cao tính tổng thể, tính hệ thống và tính phối hợp trong xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số; thúc đẩy hội nhập sâu rộng của nền kinh tế số và nền kinh tế thực; lấy số hóa để thúc đẩy thay đổi sản xuất, đời sống và quản trị quốc gia.

Định hướng phát triển:

- Đến năm 2025, cơ bản hình thành bố cục kết nối theo chiều ngang, kết nối theo chiều dọc; xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số đạt được tiến bộ quan trọng; hạ tầng số được kết nối hiệu quả; quy mô và chất lượng tài nguyên dữ liệu được tăng tốc; giá trị các yếu tố dữ liệu được giải phóng hiệu quả; lợi ích của phát triển kinh tế số được nâng cao rõ rệt; mức độ số hóa và thông minh hóa các công việc của chính phủ được cải thiện đáng kể; xây dựng văn hóa số được nâng tầm hơn nữa; xã hội số phục vụ lợi ích người dân đạt được những kết quả nổi bật; xây dựng văn minh sinh thái kỹ thuật số đạt được tiến bộ tích cực; đổi mới công nghệ số đạt được đột phá lớn; đổi mới ứng dụng đứng hàng đầu thế giới; năng lực bảo mật được nâng cao toàn diện; hệ thống quản trị số hoàn thiện hơn; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực số mở ra một cục diện mới.

- Đến năm 2035, mức độ phát triển kỹ thuật số đi đầu thế giới; việc xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số đạt được những thành tựu to lớn; tổng thể của việc xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số được khoa học hơn; phát triển kỹ thuật số trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái được điều phối toàn diện hơn; tạo động lực cho công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Giải pháp chính: Xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số dựa theo phương châm “2522”, nghĩa là: củng cố “hai nền tảng” hạ tầng số và hệ thống tài nguyên dữ liệu; thúc đẩy hội nhập sâu rộng công nghệ số với xây dựng “5 lĩnh vực trong 1” (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái); tăng cường “hai năng lực chính” là hệ thống đổi mới công nghệ kỹ thuật số và hàng rào bảo mật kỹ thuật số; tối ưu hóa “hai môi trường” phát triển số trong nước và quốc tế.

Các giải pháp cụ thể:

- Về cơ sở hạ tầng:

Một là đẩy nhanh xây dựng mạng 5G và mạng quang Gigabit; thúc đẩy triển khai và ứng dụng IPv6 quy mô lớn; thúc đẩy toàn diện Internet vạn vật di động và ứng dụng hệ thống vệ tinh Beidou; tối ưu hóa cơ sở hạ tầng sức mạnh tính toán; hình thành trung tâm dữ liệu tổng hợp, trung tâm siêu máy tính, trung tâm điện toán thông minh, trung tâm dữ liệu biên; tăng cường số hóa và chuyển đổi thông minh cơ sở hạ tầng truyền thống.

Hai là xây dựng cơ chế, hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia, hoàn thiện thể chế quản lý dữ liệu các cấp; thúc đẩy tổng hợp và sử dụng dữ liệu dùng chung; xây dựng ngân hàng tài nguyên dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng như y tế công cộng, khoa học & công nghệ, giáo dục; giải phóng tiềm năng giá trị của dữ liệu thương mại; đẩy nhanh thiết lập hệ thống quyền sở hữu dữ liệu; nghiên cứu định giá tài sản dữ liệu.

- Về trao quyền cho phát triển kinh tế và xã hội:

Một là làm cho nền kinh tế kỹ thuật số mạnh hơn, tốt hơn. Xây dựng các ngành công nghiệp cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp kỹ thuật số, tạo ra cụm công nghiệp kỹ thuật số cạnh tranh quốc tế; thúc đẩy tích hợp sâu rộng của công nghiệp kỹ thuật số và nền kinh tế thực; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, giáo dục, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, năng lượng; hỗ trợ phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số; hoàn thiện cơ chế cho việc hội nhập và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp lớn và vừa; phát huy vai trò định hướng của các dự án đầu tư thí điểm; thúc đẩy tiêu chuẩn hóa của các công ty nền tảng.

Hai là phát triển chính phủ kỹ thuật số hiệu quả. Đẩy nhanh đổi mới các hệ thống và quy tắc để tương thích với việc xây dựng chính phủ kỹ thuật số; thúc đẩy liên thông hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu, phối hợp công tác; nâng cao hiệu quả dịch vụ số, đẩy nhanh thực hiện “một cửa”; thúc đẩy tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến; tiêu chuẩn hóa việc quản lý các ứng dụng Internet di động của chính phủ.

Ba là tạo ra nền văn hóa kỹ thuật số thịnh vượng. Phát triển mạnh mẽ văn hóa Internet và cung ứng các sản phẩm văn hóa Internet chất lượng cao; định hướng các nền tảng và người dùng Internet sản xuất các sản phẩm văn hóa trực tuyến tích cực, lành mạnh. Thúc đẩy số hóa văn hóa, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về văn hóa quốc gia; đẩy nhanh phát triển các doanh nghiệp văn hóa mới, các hình thức văn hóa và mô hình tiêu dùng văn hóa.

Bốn là xây dựng xã hội kỹ thuật số toàn diện và tiện lợi. Thúc đẩy phổ cập dịch vụ công kỹ thuật số; nâng cao mức độ thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật số dùng chung; triển khai chiến lược số hóa giáo dục quốc gia và nền tảng giáo dục thông minh quốc gia; phát triển y tế kỹ thuật số, dịch vụ khám chữa bệnh Internet; phát triển hơn nữa các chương trình làng xóm kỹ thuật số; trao quyền kỹ thuật số trong thát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn và quản trị nông thôn.

Năm là xây dựng văn minh sinh thái kỹ thuật số. Thúc đẩy quản trị và đẩy nhanh xây dựng hệ thống thông tin môi trường sinh thái thông minh, hiệu quả; sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và nền tảng thông tin cơ bản đất đai; xây dựng hệ thống thủy lợi thông minh.

- Về tăng cường năng lực Trung Quốc kỹ thuật số.

Một là xây dựng hệ thống đổi mới công nghệ số tự chủ. Tăng cường liên kết sâu rộng giữa sản xuất, đào tạo và nghiên cứu do doanh nghiệp dẫn đầu; củng cố vị trí chủ lực của doanh nghiệp trong đổi mới khoa học & công nghệ; phát huy vai trò tiên phong dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ quan trọng; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hoàn thiện cơ chế chuyển đổi quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là xây dựng một hàng rào bảo mật kỹ thuật số đáng tin cậy và có thể kiểm soát. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định, chính sách về an ninh mạng; tăng cường năng lực bảo mật dữ liệu; thiết lập cơ chế phân loại dữ liệu và bảo vệ theo cấp độ; cải thiện hệ thống giám sát dữ liệu mạng, cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp.

- Về tối ưu hóa môi trường phát triển kỹ thuật số.

Một là xây dựng hệ sinh thái quản trị kỹ thuật số công bằng và chuẩn hóa. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định; tăng cường điều phối lập pháp; điều chỉnh kịp thời hệ thống pháp luật không phù hợp với phát triển số; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật; biên soạn hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật số; đẩy nhanh việc xây dựng, sửa đổi các tiêu chuẩn ứng dụng phục vụ chuyển đổi số các ngành; nâng cao trình độ quản lý; kiện toàn hệ thống quản trị Internet; làm trong sạch không gian mạng.

Hai là hợp tác quốc tế cởi mở và cùng có lợi trong lĩnh vực kỹ thuật số. Mở rộng không gian hợp tác quốc tế trong lĩnh vực số; cùng nhau xây dựng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” chất lượng cao, tích cực phát triển “Thương mại điện tử Con đường tơ lụa”; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác kỹ thuật số trong khuôn khổ đa phương, đa bên như Liên Hợp Quốc, WTO, Nhóm G20, APEC, BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); mở ra các diễn đàn mới cho hợp tác kỹ thuật số chất lượng cao; tham gia tích cực vào việc xây dựng các quy tắc quốc tế có liên quan như luồng dữ liệu xuyên biên giới.

- Về tăng cường quy hoạch tổng thể, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.

Một là kiện toàn tổ chức và lãnh đạo. Tuân thủ và tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với việc xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số; coi phát triển kỹ thuật số là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thực hiện.

Hai là hoàn thiện hệ thống, cơ chế. Hoàn thiện cơ chế phối hợp tổng thể để xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số, kịp thời nghiên cứu và giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển kỹ thuật số; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, giữa các bộ phận, giữa cấp trên và cấp dưới; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, dự án lớn; lấy kết quả xây dựng Trung Quốc số làm căn cứ tham khảo để đánh giá hiệu quả cán bộ lãnh đạo.

Ba là đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Đổi mới phương thức hỗ trợ tài chính; hướng dẫn điều tiết vốn tham gia xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số; phát huy vai trò của vốn xã hội hóa.

Bốn là tăng cường đào tạo nhân tài. Tăng cường tư duy số, nhận thức số và kỹ năng số của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; xây dựng hệ thống đào tạo phát triển kỹ thuật số bao phủ toàn dân; trau dồi những tài năng sáng tạo và định hướng sử dụng.

Năm là tạo bầu không khí tốt. Thúc đẩy các trường học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số; thành lập các cơ sở nghiên cứu Trung Quốc kỹ thuật số; quy hoạch triển khai thí điểm, đẩy mạnh thử nghiệm cải cách; tổ chức các sự kiện lớn, các cuộc thi cấp cao trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số; tạo bầu không khí tốt để toàn xã hội quan tâm và tích cực tham gia xây dựng Trung Quốc số.

Tiểu kết

Trung Quốc đang tăng tốc phát triển kỹ thuật số để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đứng thứ hai trên toàn thế giới trong nhiều năm gần đây, trở thành động lực tăng trưởng chính của nước này. Xét về quy mô và chất lượng của nền kinh tế số thì mức độ số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số của Trung Quốc tương đối tiên tiến so với các nước trên thế giới.

“Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” được xây dựng với sự quan tâm lớn vào việc xây dựng quốc gia kỹ thuật số, nhấn mạnh tham vọng trở thành cường quốc kỹ thuật số toàn cầu và tăng cường sự phụ thuộc quốc tế vào công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó, “Quy hoạch bố cục tổng thể về xây dựng Trung Quốc số” là chiến lược kỹ thuật số tổng thể, cấp quốc gia, không phải chiến lược cho riêng lĩnh vực công nghệ. Nó bao gồm các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quân sự và chính sách đối ngoại của Trung Quốc; là một chương trình được thiết kế để thay đổi bản chất của xã hội Trung Quốc.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)

Bài liên quan
  • Trung Quốc nỗ lực dẫn đầu làn sóng Web 3.0
    Trong tương lai, Web3 hay Web 3.0 sẽ trở thành một xu hướng tất yếu và chiếm lĩnh thị trường Internet. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để dẫn đầu làn sóng này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển quốc gia số Trung Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO