Chuyển đổi số

Chữ ký số được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam

Gia Bách 21/12/2023 13:59

Dưới tác động của công cuộc chuyển đổi số (CĐS), công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi, trong đó, chữ ký số (CKS) được coi là công cụ hỗ trợ chuyển đổi quy trình làm việc truyền thống với những giấy tờ và thủ tục phức tạp.

CKS được biết đến như một công cụ thay thế chữ ký tay với nhiều tiện ích mang lại mà vẫn đảm bảo tính pháp lý, tính chống chối bỏ. CKS giúp đơn giản hóa quy trình ký kết, giao dịch...

viettel-ca-768x307.jpg
CKS được coi là công cụ hỗ trợ chuyển đổi quy trình làm việc truyền thống với những giấy tờ và thủ tục phức tạp.

Kết quả ứng dụng CKS trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam

Nếu trước đây, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) phải bỏ nhiều thời gian, chi phí cho việc di chuyển, in ấn giấy tờ cùng những thủ tục phức tạp để thực hiện giao dịch thì hiện nay chỉ với CKS, việc ký kết sẽ trở nên nhanh chóng, dễ dàng không cần phụ thuộc vào nhiều quy trình rườm rà.

Với tính xác thực, tính toàn vẹn dữ liệu, CKS đảm bảo thông điệp, dữ liệu được trao đổi giữa các bên tham gia không bị rò rỉ, thay đổi sau khi giao dịch. Vì vậy, công nghệ ký số này đang trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển số trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Theo Luật Giao dịch Điện tử (GDĐT) 2005 quy định CKS có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm GDĐT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, CKS không được áp dụng đối với các hoạt động gồm: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác.

Hiện nay, tại Việt Nam, CKS được ứng dụng mạnh trong lĩnh vực nộp, khai thuế, khai báo hải quan, thông quan trực tuyến, bảo hiểm xã hội… Tính riêng lĩnh vực khai thuế điện tử, CKS đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. 100% DN lớn khai thuế điện tử đối với các sắc thuế chính.

Còn ở lĩnh vực hải quan, tính đến tháng 11/2023, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực tế 225 dịch vụ công, trong đó 209 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 ứng dụng CKS để xác thực. Ngoài ra, ở nhiều lĩnh vực khác, CKS cũng đang cho thấy tầm quan trọng của mình trong việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục phức tạp.

Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, CKS được ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành và cung cấp DVCTT. Các đơn vị đều đánh giá cao các hiệu quả việc ứng dụng CKS trong cung cấp DVCTT, cụ thể: công nghệ ký số đã hỗ trợ quá trình cải cách, tối giản thủ tục hành chính; tiết kiệm nhân lực trong kiểm tra, rà soát thông tin của DN, cá nhân tham gia DVCTT.

Bên cạnh đó, CKS cũng được sử dụng như phương pháp xác thực những văn bản để phục vụ công tác truyền tải thông tin nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

CKS là công cụ không thể thiếu

Với tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ cao, công nghệ ký số được sử dụng như một công cụ không thể thiếu trong các công ty, DN với mục đích: khai thuế trực tuyến, kê khai hải quan điện tử, thực hiện giao dịch chứng khoán, ký hợp đồng với đối tác làm ăn trực tuyến và các dịch khác trên cổng DVCTT. Từ đó, giúp các DN có thể thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch kinh doanh từ xa, không phụ thuộc vào nhiều hồ sơ, giấy tờ hay phương tiện đi lại cũng như những chi phí dành cho quá trình làm việc.

Trong những năm gần đây, tình hình sử dụng CKS cá nhân cũng ngày càng phổ biến, đa phần các chủ sở hữu sử dụng công nghệ ký số để thực hiện nộp thuế từ xa, bảo hiểm xã hội, hóa đơn, học bạ điện tử…

Có thể thấy, nhiều cá nhân, tổ chức, DN đã nhận thức được tầm quan trọng của CKS trong quá trình số hóa những quy trình, thủ tục phức tạp. Hiện nay, giải pháp ký số được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống là điểm sáng cho thấy những thành công mang lại từ công cuộc CĐS quốc gia.

Hướng dẫn người dân, DN sử dụng CKS hiệu quả

CKS của DN. CKS được sử dụng cho các DN, tổ chức là chữ ký được sử dụng trên môi trường điện tử, có giá trị pháp lý như con dấu của tổ chức, DN.

Các mục đích sử dụng của CKS DN, bao gồm: Ký số trên hợp đồng đối tác, CKS DN thay cho chữ ký tay của đại diện hai bên xác thực tính pháp lý của hợp đồng điện tử; Ký số đảm bảo tính pháp lý trên hóa đơn điện tử.

Hóa đơn điện tử là chứng từ bắt buộc phải có CKS mới đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp; Chứng thực giao dịch điện tử của tổ chức: Các giao dịch từ ngân hàng, nộp thuế, kê khai bảo hiểm xã hội, hải quan… cần có CKS của DN để xác minh mới có giá trị khi quyết toán với cơ quan thuế.

Để có thể đảm bảo tính pháp lý, khi đăng ký sử dụng CKS, các DN, tổ chức cần lưu ý những nội dung sau:

CKS được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó;

CKS được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho CKS chuyên dùng.

Và cuối cùng là phải đảm bảo khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

CKS cá nhân. CKS cá nhân đem đến cho người dùng nhiều tiện ích như: CKS đảm bảo tính pháp lý của văn bản: CKS là công cụ đảm bảo được các yếu tố như chống chối bỏ, giúp xác định danh tính của người ký và đảm bảo vẹn toàn văn bản; CKS cũng giúp giảm thiểu các chi phí in ấn khi thực hiện các thủ tục giao dịch truyền thống.

Để được phép sử dụng CKS cá nhân, cá nhân phải đăng ký chứng thư số cá nhân với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS. Chứng thư số cá nhân là loại chứng thư điện tử do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS cấp.

Các văn bản, tài liệu điện tử nếu được ký bởi CKS cá nhân cấp bởi đơn vị cung cấp đã được cấp phép thì sẽ có hiệu lực tương đương với văn bản giấy được ký tay bởi cá nhân đó.

Các văn bản điện tử được ký bởi CKS của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu có giá trị như văn bản giấy được lý tay bởi người có thẩm quyền đó và được đóng dấu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chữ ký số được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO