Đáng suy ngẫm câu chuyện chuyển đổi số của FPT
Cách đây một năm (năm 2019), FPT đang là một công ty cung cấp dịch vụ CNTT, bỗng nhanh chóng "lột xác" để trở thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Với nhiều người quan tâm, câu hỏi chung thường là: Làm sao phải đổi tên? Sao phải "lột xác"?... Nếu khi đó, câu trả lời là vì chiến lược, hoạch định, tầm nhìn… thì tựu chung là tạo ra thay đổi để phát triển.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, câu trả lời đáng để chúng ta trân trọng, suy ngẫm, được thể hiện qua câu chuyện do chính TS. Trương Gia Bình, người đứng đầu FPT, Chủ tịch Hiệp Hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chia sẻ tại Hội nghị bàn tròn 2 với chủ đề "Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA" diễn ra vừa qua tại Hà Nội.
Theo đó, ông Bình cho biết FPT có được như ngày hôm nay là nhờ đổi mới, cụ thể là đổi mới số, chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống công ty. Trong giai đoạn đổi mới, ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, tập đoàn xác định phải dùng chính sức mạnh số để đổi mới, bỏ cách truyền thống chậm, không hiệu quả. Chỉ trong hai tuần công ty áp dụng khóa đào tạo cấp tốc cho 30.600 nhân viên công ty theo ba cấp: Cấp dùng, cấp triển khai, cấp tư vấn. Đồng thời, công ty thiết kế riêng một Chương trình số online trên ứng dụng Messenger Al in One và yêu cầu các nhân viên, đội ngũ kỹ sư phải thi để đạt chứng chỉ theo yêu cầu nghiêm ngặt.
"Nhờ việc triển khai này, FPT vốn từ một công ty chuyên về thế mạnh cung cấp dịch vụ CNTT thì nay tiến xa hơn trở thành công ty cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số toàn diện, toàn cầu. Hiện nay Tập đoàn đang thắng một số thầu lớn ở nước ngoài, quy mô hàng trăm triệu USD", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng trong câu chuyện này, Chủ tịch VINASA cho rằng chuyển đổi số toàn diện đã tạo ra tiềm năng và cơ hội không giới hạn cho FPT, giúp công ty có bước phát triển đột phá về vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu.
"Trong mục đích đào tạo đó phải được thực hiện bằng những con đường số, và đào tạo là nhằm tạo ra con người biết sử dụng công nghệ số để thay đổi quy trình vận hành, trong đó mỗi người sẽ trở thành những kỹ sư CNTT xuất sắc, biết làm chủ việc mình làm để tạo ra các giá trị quý giá", Chủ tịch VINASA khẳng định.
Chuyển đổi số quyết định sự thịnh vượng nền kinh tế đất nước
Không chỉ mang đến câu chuyện lợi ích từ chuyển đổi số giúp FPT phát triển, lớn mạnh, Chủ tịch VINASA còn khẳng định vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số đối với mọi ngành nghề, nó không thể không diễn ra, phải luôn được chú trọng, nhất là đối với nền kinh tế đất nước - kinh tế số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 bùng nổ.
Theo quan điểm của Chủ tịch VINASA, những vấn đề của cuộc cách mạng 4.0 thì không thể giải quyết bằng các giải pháp 3.0 hay 2.0. Trong đó, cấu thành quan trọng nhất chính là con người. Việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong ngành, thực chất không phải cạnh tranh về thị trường mà cũng là cạnh tranh về con người.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, giờ đây, trước tác động khó khăn của đại dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra cơ hội, thách thức mới không chỉ ở Việt Nam mà quy mô rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Đó thách thức về một dạng mô hình kinh tế không tiếp xúc, do đó, mọi doanh nghiệp (DN), lãnh đạo, mọi người dân, cộng đồng phải chủ động trở thành người làm chủ công cuộc số hóa.
Cũng trên tinh thần cầu thị, chia sẻ thẳng thắn, nhiệt huyết đầy trách nhiệm, vị chủ tịch cũng đưa ra lời khuyên các DN Việt phải hành động nhanh, thay đổi nhanh bởi thời kỳ "cá lớn ăn cá bé" không còn, thay vào đó là "cá nhanh ăn cá chậm". Ngoài ra, rất cần các DN lớn tiên phong, đi đầu trong chuyển đối số để nhóm DN nhỏ và vừa học tập.
"Chúng ta và thế giới này đang thay đổi và sẽ không bao giờ trở về như cũ được nữa. Trong bối cảnh này, nền kinh tế số và chuyển đổi số là vấn đề sống còn, quyết định sự thịnh vượng của chúng ta", Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.
Luôn mong muốn tìm ra nhiều hơn các giải pháp cụ thể cũng như triển khai hiệu quả mục tiêu này, người lãnh đạo VINASA cho rằng trước hết chúng ta phải xác định vị trí của bản thân trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt để Việt Nam trở thành một điểm đến mới, đích đến mới cho các nhà đầu tư thì phải phát huy được những thế mạnh kỹ thuật số, phải phát triển được ba nhân tố quan trọng: nhân lực, đổi mới sáng tạo, xã hội hóa số.
Theo đó, về nguồn nhân lực lao động, Việt Nam đang có thế mạnh là một quốc gia trẻ, có lợi thế tạo nguồn nhân lực và độ bao phủ Internet diện rộng (có tới 62 triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số sử dụng Internet). Hơn nữa, Việt Nam lại là quốc gia có lực lượng tri thức CNTT được đào tạo, chiếm khoảng khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp (đây là các các kỹ sư được tốt nghiệp từ 150 trường Đại học trên toàn quốc cũng như các trường đào tạo khác).
Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam hiện nay đang xếp thứ 9 trong số các quốc gia về số hóa. Riêng hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam được xếp thứ 10 trong số các quốc gia áp dụng nhiều công nghệ số, đó là việc sử dụng cá các dữ liệu lớn (Big Data). Kết quả này được tạo ra từ quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, vì mục tiêu phát triển và đổi mới.
Cuối cùng là xã hội hóa số, một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan quản lý. Mọi người đều có quyền tiếp cận các dịch vụ số và được tạo điều kiện tốt nhất để dễ dàng tương tác xã hội, phát triển khả năng bản thân và sự học hỏi.
"Tóm lại ba nhân tố quan trọng trên nếu Việt Nam tận dụng, khai thác sẽ phát huy, phát triển kinh tế số, xã hội số", Chủ tịch VINASA nhận khẳng định.
Chủ tịch Bình, cho biết thêm, hiện nay VINASA là đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ số trên toàn thế giới, đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AL)… FPT luôn mong muốn được trở thành đối tác các quốc gia trên thế giới, trong khu vực, đặc biệt luôn ý thức, trách nhiệm cao để phục vụ lợi ích quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu Chính phủ số, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dần quen với sự bình thường mới của dịch bệnh, tự tin trên con đường chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Chuyển đổi số, sức mạnh tăng trưởng của FPT: Theo chiến lược kinh doanh vừa do FPT công bố, giai đoạn 2020 - 2022, với việc tiếp tục định hướng phát triển lĩnh vực chuyển đổi số. Công ty đặt mục tiêu cho Khối công nghệ đạt 1 tỉ USD vào năm 2021, với doanh thu chuyển đổi số trong ba năm tới đạt 40 - 50%. Đối với khối viễn thông, mục tiêu dài hạn của FPT là tăng trưởng thuê bao khoảng 15% mỗi năm. Khối giáo dục định hướng trở thành hệ thống trường Mega mang tính quốc tế, đào tạo hơn 20 triệu học viên mỗi năm. FPT sẽ làm những công việc của "rồng" làm, tư vấn cho các doanh nghiệp để chuyển đổi hệ thống, làm sao đi dần đến dữ liệu thời gian thực.