Chuẩn bị tích cực để Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số đi vào hoạt động
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (ĐTBDCBQL TT&TT) đã chú trọng vào nhân tố mới, mô hình mới, nội dung mới và tư duy đột phá trong năm 2023.
Hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Trường ĐTBDCBQL TT&TT diễn ra ngày 18/12, tại Hà Nội, ông Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng cho biết năm 2023, Trường được Lãnh đạo Bộ TT&TT giao thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai dự án xây dựng “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Số", kết quả thực hiện tính đến tháng 9/2023 và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ.
Đối với nhiệm vụ thứ nhất, Trường đã demo "Nền tảng đào tạo số cho cán bộ, công chức" và đã hoàn thành xây dựng 15 phân hệ chức năng của hệ thống và đang trong quá trình kiểm thử hiệu năng, an toàn bảo mật. Các phân hệ đã hoàn thành.
Trường sẽ tiến hành khai trương "Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số" vào cuối năm 2023 và đưa vào sử dụng vào năm 2024. Cùng với đó, xây dựng và ban hành quy định đối với các quy trình hoạt động của Trường trên hệ thống Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số.
Về nhiệm vụ thứ hai, Trường đã hoàn thành đúng thời hạn theo Quyết định 706/QĐ-TBDCB ngày 30/8/2023 về việc cấp chứng nhận hoàn thành khóa học.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, trong năm vừa qua, Trường đã hoàn thành tốt chương trình công tác và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, đáng chú ý về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường đã tổ chức 142 lớp cho 8.686 lượt học viên là cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) trong và ngoài Bộ TT&TT. So với cùng kỳ năm 2022, số học viên tăng 4% (Tính riêng số lớp xã hội hóa).
Cụ thể, về sử dụng ngân sách, năm 2022 có 17 lớp được tổ chức cho 1.235 lượt học viên, đến năm 2023 đã tổ chức 21 lớp cho 886 lượt học viên. Đối với lớp xã hội hóa, năm 2022, Trường đã tổ chức được 113 lớp cho 7.525 lượt học viên. Đến năm 2023, Trường đã tổ chức được 121 lớp cho 7.800 lượt học viên. Như vậy, Trường đã đạt kế hoạch do Bộ TT&TT giao.
Trường cũng thông tin về Dự án Hỗ trợ phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, Trường đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn tại các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và các buổi tập huấn tại Sơn La và Bắc Giang cho các phóng viên.
Trường đã xuất bản 2 cuốn sách "Báo chí trên thiết bị di động và nền tảng truyền thông xã hội" của tác giả Anthony Adornado và cuốn sách "Nghệ thuật phỏng vấn" của tác giả Gail Sedorkin Amy Forbes.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ đột phá trong năm qua, lãnh đạo Nhà trường chia sẻ, Trường đã hợp tác với APCICT/ESCAP tổ chức thành công 3 Khóa bồi dưỡng về nội dung mới trong thời kỳ chuyển đổi số (CĐS); Tổng hợp các bài giảng có chất lượng cao của giảng viên trong nước và quốc tế làm cơ sở xây dựng tài liệu học liệu số của Trường. Trường cũng xuất bản 02 cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị cao cho học viên các lớp bồi dưỡng của Trường.
Trường ĐTBDCBQL TT&TT cũng tạo nên những điểm nhấn đáng chú ý khi thay đổi tư duy từ góc độ quản lý đào tạo, bồi dưỡng truyền thống sang góc nhìn vấn đề từ thực tế, nhu cầu xã hội; quản lý và sẵn sàng tiếp nhận những tuy duy mới để đưa vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Trường cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hoạt động trong môi trường số.
Đồng thời, Trường sử dụng nhiều hơn phương pháp nghiên cứu tình huống thực tế (case study) và tăng thời lượng học tập thực tế tại các cơ sở, mô hình có liên quan đến nội dung bồi dưỡng đối với khóa, lớp học của Trường bằng hình thức trực tuyến.
Trường đã tăng cường mời giảng viên thỉnh giảng giỏi nhất là các CBCCVC quản lý thuộc các bộ/ngành; các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các khóa/lớp do Trường tổ chức.
Thông tin về nhân tố mới, mô hình mới của Trường áp dụng trong năm 2023, Hiệu trưởng Trường ĐTBDCBQL TT&TT Đinh Đức Thiện cho biết: "Ngay từ đầu năm, tập thể Chi ủy và lãnh đạo Trường đã thường xuyên bàn bạc nhằm đổi mới phong cách lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc, áp dụng mô hình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng mới nhằm tạo nên sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Trường.
Trong đó, Trường xây dựng cơ chế hoạt động linh hoạt; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trường trên cơ sở tôn chỉ hợp tác đôi bên đều có lợi; Tập trung đẩy mạnh công tác đổi mới trong giảng dạy, đào tạo đồng thời cải tiến phương pháp quản lý khoa học, phát huy được sức mạnh tập thể và tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân được phân công kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ".
Chuẩn bị tích cực để khai trương Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao những kết quả mà tập thể Trường đã đạt được trong năm 2023.
Thứ nhất, Trường trong nhiều năm liền đã duy trì được sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo Trường, tiếp tục hoàn thành kế hoạch doanh thu.
Thứ hai, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường tiếp tục duy trì tỷ lệ học viên từ nguồn ngoài ngân sách là chủ yếu, chiếm 88% về số lượt học viên và số lớp. Hình thức đào tạo trực tuyến tiếp tục được duy trì ở mức độ phù hợp.
Thứ ba, trong công tác biên soạn chương trình, tài liệu, Trường đã trình ban hành 4 chương trình bồi dưỡng chức danh theo hướng tích hợp các chương trình để có 1 chương trình bồi dưỡng chung, cho phép cắt giảm số lượng chứng chỉ phải có theo Nghị định 89/NĐ-CP năm 2021; Biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, Trường đã cơ bản hoàn thiện Dự án Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số, đã có những nghiên cứu bước đầu, triển khai xây dựng học liệu số theo định hướng phù hợp, chuẩn bị điều kiện để đưa dự án Trường số đi vào hoạt động từ năm 2024.
"Đây sẽ là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới với nhiều sự kỳ vọng của Lãnh đạo Bộ, đóng góp lớn cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của Bộ, của Ngành", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về Dự án Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số đi vào hoạt động sẽ là một dấu mốc chuyển mình của Trường, theo Thứ trưởng Phan Tâm, với giai đoạn đầu thì phải dùng chính nguồn lực của Trường để xây dựng các khoá học đầu tiên. Tiếp đó, Trường xây dựng để mình trở thành đơn vị cung cấp được một số dịch vụ và chuyên gia về việc này.
"Trường cần xây dựng cẩm nang xây dựng học liệu số, hoàn thiện các quy trình pháp lý, quy định tài chính và quy trình nội bộ để xây dựng học liệu và xây dựng một số lượng học liệu phù hợp trước khi khai trương", Thứ trưởng đã đề nghị./.