Chuyển đổi số - chìa khóa để ngành nông nghiệp bứt phá

TS Nguyễn Hoàng Hiệp Đại học Lincoln, Malaysia| 24/10/2022 10:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Những vấn đề cốt lõi trong quá trình CĐS ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo xu hướng hiện đại hóa và hướng đến mục tiêu phải sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, chi phí thấp nhất nhưng phải đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Trong đó, CĐS được đánh giá là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dụng được những cơ hội để bứt phá.

Dân số nước ta đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây, do vậy chúng ta cần tập trung phát triển trồng lương thực nhiều hơn để đảm bảo nguồn tài nguyên tối thiểu phục vụ cho cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó là những thách thức phải vượt qua, giảm tác động của môi trường và tối đa hóa sự hài lòng của người tiêu dùng, đảm bảo thu nhập công bằng cho nông dân khi gặp các biến động về thời tiết, cải thiện lợi nhuận trong điều kiện môi trường không thuận lợi và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng... Đây là những vấn đề cốt lõi trong quá trình CĐS ngành nông nghiệp.

Hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào có thể quản trị được các bí mật về thông tin sản phẩm và sở hữu trí tuệ của các sản phẩm được chế biến hoặc nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Việc theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm để khai thác truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khâu sản xuất đến phát triển sản phẩm và nhà cung cấp, đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận nguồn gốc xuất xứ là vấn đề khó khăn đối với nhà sản xuất và chuỗi bán lẻ.

Người nông dân hiện nay thường phải đối mặt với những điều kiện thời tiết thay đổi không thể đoán trước, trong khi ngành nông nghiệp lại trồng nhiều loại cây trồng khác nhau, và việc dự báo, theo dõi điều kiện thời tiết là điều vô cùng cần thiết cho sự sống còn của cây trồng. Sự thiếu minh bạch trong hệ sinh thái của chuỗi thực phẩm sẽ dẫn đến định giá sản phẩm tăng cao, dẫn đến chi phí tiêu dùng gia tăng đối với người tiêu dùng và người nông dân cũng bị thiệt hại.

Khả năng tiếp cận với các dịch vụ, tổ chức tài chính với các hộ nông dân nhỏ cũng đang tác động tiêu cực đến hiệu quả trong quá trình thực hiện hợp đồng, hiệu quả trong hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp. Từ đó dẫn đến người sản xuất không thể tối đa hóa sản lượng cung cấp và người tiêu thụ cũng rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa đầy đủ và đúng thời hạn.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Thúc đẩy sự CĐS trong nông nghiệp để ổn định an ninh thực phẩm

Lợi ích của cuộc cách mạng công nghệ đối với ngành nông nghiệp như một nền tảng cho dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng cho sàn giao dịch thương mại điện tử ngành nông nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho số hóa dữ liệu và là giải pháp tốt nhất để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc trong một chuỗi cung ứng, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thanh toán công bằng hơn cho người nông dân.

Nghị quyết 34/NQ-CP về vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mang tính lâu dài. Đồng thời, mục tiêu CĐS trong nông nghiệp phải được thực hiện nhanh chóng với phương châm đơn giản mà ngành nông nghiệp truyền thống mới nổi đang thực hiện đó là "nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ và hành động nhanh" nhằm cải thiện năng xuất nông nghiệp và lợi nhuận cho người nông dân sản xuất nhỏ.

Nông nghiệp hiện nay là lĩnh vực ít được đầu tư số hóa nhất tại nước ta do đó việc tăng năng xuất và cơ hội phát triển vẫn chưa được khai thác triệt để. Do vậy, việc CĐS trong nông nghiệp cần ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như kết nối mạng di động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, kết nối vạn vật IoT, công nghệ bảo mật blokchain… để thay đổi tư duy về văn hóa đổi mới cho một thế hệ nông dân mới và doanh nhân mới, tạo ra các mô hình kinh doanh mới có thể giúp người nông dân cải thiện năng xuất lao động, hiệu quả trong đầu tư và có lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, CĐS sẽ tạo điều kiện cho việc liên kết giữa người nông dân và người mua.

Do vậy, để phát triển được hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số chúng ta cần nghiên cứu ba yếu tố vô cùng quan trọng là: xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cho ngành nông nghiệp, đổi mới trong mô hình quản lý và phát triển chiến lược ngành nông nghiệp, quan hệ giữa nhiều bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân.

CĐS ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy đổi mới thể chế nhằm sử dụng chéo kiến thức và quan hệ đối tác một cách hiệu quả hơn, chia sẻ dữ liệu các thử nghiệm và kết quả trong việc đột phá công nghệ trong tương lai và giúp mở rộng qui mô các nghiên cứu đã được chứng minh thông qua các cấp để có được một hệ thống thông tin về sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, công bằng và bền vững.

Ngành nông nghiệp cần thận trọng khi thực hiện CĐS

CĐS ngành nông nghiệp ở các thị trường mới nổi khác cũng sẽ cung cấp cho chúng ta những bài học có thể thích ứng với bối cảnh của đất nước ta. Các giải pháp truyền thống để thu hẹp khoảng cách về năng suất, ví dụ bằng cách bón nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, dạy nông dân thực hành nông nghiệp tốt là không đủ mà cần có CĐS trong nông nghiệp, khi đó dữ liệu sẽ có thể mang lại kiến thức tốt hơn, kịp thời hơn và dễ dàng quyết định trong việc triển khai phát triển.

Ảnh hưởng của thời tiết, thổ nhưỡng, phản ứng của cây trồng với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng các giải pháp phổ cập. Công nghệ có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng liên tục và việc xây dựng quan hệ đối tác công tư dưới hình thức "Trung tâm đổi mới" để các doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu khai thác toàn bộ các tiềm năng trong việc CĐS nông nghiệp.

CĐS không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo, xóa bỏ cách làm cũ, truyền thống, năng xuất lao động kém. Mỗi bước di chuyển trong quá trình CĐS chúng ta cần thận trọng do điểm xuất phát thấp và nguồn lực hạn chế.

CĐS nông nghiệp vô cùng quan trọng đối với nước ta và không được phép sai lầm trong quá trình thực hiện, phải làm ngay nhưng từng bước thực hiện số hóa đồng loạt phải chắc chắn, phải đảm bảo tính khả thi lâu dài trong tất cả các công tác quản lý, giám sát từ các cơ quan cấp Bộ đến cơ quan địa phương. Đồng thời, mỗi chủ thể tham gia trong quá trình này phải biết cần làm gì trước, lựa chọn công nghệ nào ứng dụng trước theo kế hoạch triển khai giải pháp chi tiết, tránh tham lam trong quá trình triển khai để rồi dẫn đến tình trạng áp lực, quá tải và lạc hướng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - chìa khóa để ngành nông nghiệp bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO