Truyền thông

Chuyển đổi số hiệu quả tại huyện Đan Phượng

Minh Tú 11:36 25/04/2024

Triển khai chuyển đổi số (CĐS) từ cụm dân cư, tổ dân phố cho tới cấp xã, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã và đang có cách làm hiệu quả tại cơ sở, hướng đến thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về CĐS...

Thực hiện chủ trương CĐS của Chính phủ và TP Hà Nội, thời gian qua, huyện Đan Phượng đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình về CĐS.

Thực tế, chủ trương CĐS tại địa phương đã được xác định rõ bằng Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2023, huyện Đan Phượng đã tổ chức chuỗi các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng về CĐS, như: Thông tin tuyên truyền thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân ngày CĐS quốc gia; tổ chức tập huấn về CĐS, sử dụng các dịch vụ chính quyền số; tổ chức tọa đàm trao đổi, nâng cao các tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh...

Cùng với đó, hoạt động tổ chức bồi dưỡng kiến thức về CĐS, xây dựng thành phố thông minh cũng được triển khai tới cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện nhằm chuyển đổi nhận thức, tư duy và nhiệm vụ về CĐS trong mỗi cơ quan, đơn vị.

... Đến nhân rộng mô hình thôn thông minh

Qua quá trình triển khai CĐS, đến nay, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ CĐS tại huyện Đan Phượng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo hoạt động thông suốt giữa các cấp chính quyền; góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, các địa bàn thuộc huyện Đan Phượng đã triển khai một số giải pháp để hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điểm nổi bật trong xây dựng xã hội số của huyện đó là tập trung chỉ đạo và nhân rộng mô hình thôn thông minh trên địa bàn các xã, thị trấn.

anh-1-chuyen-doi-so-dan-phuong.jpg
Người dân thực hiện dịch vụ công qua thiết bị thông minh. Ảnh: Minh Tú

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi triển khai mô hình, đến nay toàn huyện đã có 16 tổ công nghệ số xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên; 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã hình thành mô hình thông minh.

Thông qua các tổ công nghệ số xã, thị trấn và các tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện các hoạt động thủ tục hành chính (TTHC), tìm hiểu thông tin về đời sống, xã hội của người dân được thực hiện trên các thiết bị cầm tay thông minh một cách dễ dàng, thuận lợi. Vừa giảm thời gian đi lại, vừa tiết kiệm được chi phí và quan trọng là tránh tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết TTHC không cần thiết.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo CĐS huyện Đan Phượng duy trì hoạt động hiệu quả; ứng dụng CNTT, CĐS đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả, năm 2023 công tác cải cách hành chính (CCHC) huyện Đan Phượng được người dân ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số CCHC (PAR INDEX), được Thành phố đánh giá đạt 93,86%, xếp thứ 21/30 quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố (tăng 2,13 % và tăng 02 bậc so với năm 2022).

Và thí điểm CĐS cấp xã trên cả 3 trụ cột

Từ những kết quả đã đạt được, thực hiện Kế hoạch 310/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND TP Hà Nội về triển khai thí điểm mô hình CĐS điển hình tại các cơ quan nhà nước Thành phố, huyện Đan Phượng tiếp tục xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm CĐS cấp xã với các tiêu chí được xây dựng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS trong hệ thống chính quyền địa phương, trong đó, chú trọng, tập trung phát triển công dân số để hình thành xã hội số.

Vừa qua, tại chương trình phát động “Xây dựng mô hình CĐS cấp xã”, lãnh đạo Huyện ủy Đan Phượng chia sẻ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS, huyện Đan Phượng đã xác định CĐS là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Việc phát động “Xây dựng mô hình CĐS cấp xã”, chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển CĐS trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, thương mại điện tử… là những lĩnh vực huyện Đan Phượng xác định phải ưu tiên CĐS nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương.

anh-2-chuyen-doi-so-dan-phuong.jpg
Người dân thực hiện dịch vụ công qua thiết bị thông minh. Ảnh: Minh Tú

Theo số liệu thống kê của UBND TP Hà Nội, hiện đã có 3.064 thôn, tổ dân phố tại 18/30 quận, huyện đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các khu phố, thôn, tổ dân phố với khoảng 23.726 thành viên. Tổ Công nghệ số cộng đồng tuyên truyền chủ trương, chính sách, lợi ích về CĐS cho người dân, doanh nghiệp và các hộ gia đình; hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để các chủ thể nêu trên có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình CĐS.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số và thành phố thông minh trên địa bàn, đơn vị quản lý; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thành phố giao, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số, quy trình số; Phát triển nền tảng, hệ thống số; phát triển ứng dụng, dịch vụ số, thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện, kết nối liên thông, đồng bộ hệ thống dịch vụ công trực tuyến…

Theo Sở TT&TT Hà Nội, về phát triển hạ tầng số, trong những năm qua, hệ thống Internet băng rộng cáp quang Hà Nội đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng hoàn thành việc kết nối mạng diện rộng (WAN) kết nối từ UBND Thành phố đến các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đến 579/579 xã, phường, thị trấn phục vụ công tác giao ban trực tuyến cùa thành phố (đạt 100%).

Bài liên quan
  • Ngành GTVT Cà Mau chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác quản lý
    Xác định chuyển đổi số (CĐS) là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Cà Mau đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số hiệu quả tại huyện Đan Phượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO