Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi (quan hệ sản xuất) hơn là cách mạng về công nghệ (lực lượng sản xuất).
Ngày 18/10/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội Giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT quý III năm 2024 đối với các đối tượng quản lý nhà nước về TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị.
Việt Nam chú trọng phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử
Hội nghị đã nghe các ý kiến của các đơn vị thuộc các lĩnh vực báo chí, xuất bản, in… Đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã trình bày kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc về thúc đẩy phát triển IoT.
Cụ thể, Trung Quốc đã thúc đẩy nghiên cứu, tạo ra hệ thống công nghiệp sản xuất IoT hoàn chỉnh; đẩy mạnh ứng dụng IoT trong các lĩnh vực trọng điểm: dịch vụ công, thành phố thông minh (lấy đồng hồ đo nước, điện và gas thông mình, quản lý bãi đỗ xe công cộng, giám sát môi trường làm điểm khởi đầu), nhà thông minh.
Trung Quốc khuyến khích tất cả các địa phương ứng dụng công nghệ IoT, thực hiện thí điểm và trình diễn các mô hình điểm để nhân rộng toàn quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2027, IoT ở khắp mọi nơi. Thiết bị IoT kết nối qua 4G/5G chiếm 95%.
Trong khi đó, Hàn Quốc phát triển IoT kết hợp sức mạnh Chính phủ cùng với các DN viễn thông và các DN sản xuất. Chính quyền địa phương phối hợp các DN lớn cung cấp nền tảng và mạng lưới, các DN vừa và nhỏ phát triển phần cứng và ứng dụng. Chính phủ đầu tư phát triển các công nghệ lõi IoT, phát triển hệ sinh thái IoT, chia sẻ giải pháp giảm áp lực gia nhập cho các DN nhỏ và vừa.
Tại hội nghị, trước đề xuất DN Việt Nam phát triển IoT thì dùng chip Make in Viet Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định ngành công nghiệp điện tử là ngành đầu ra cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Việt Nam chú trọng phát triển công nghiệp bán dẫn là chú trọng công nghiệp điện tử Việt Nam. Trong Chiến lược có nêu nội dung phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam để dùng chip bán dẫn của Việt Nam.
Công nghệ số, chuyển đổi số tạo ra lực lượng sản xuất mới
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã quán triệt bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Bộ trưởng cho biết khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là các công nghệ 4.0 đã tạo ra sự phát triển rất mạnh mẽ của lực lượng sản xuất nhưng quan hệ sản xuất chưa theo kịp. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu đã nhấn mạnh phải thay đổi quan hệ sản xuất, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho đất nước.
Bộ trưởng nhận định, một số DN TT&TT đã chững lại, là vì một số quy định nội bộ hay chính là quan hệ sản xuất trong nội tại. Theo Bộ trưởng, mỗi khi khó khăn thì các DN hãy nhìn lại các quy chế, quy định nội bộ xem có kìm hãm sự phát triển.
Bộ trưởng nhấn mạnh công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS) tạo ra lực lượng sản xuất mới, tài nguyên mới, lao động mới (AI). CĐS tạo ra một môi trường mới, một không gian mới là không gian mạng với các quan hệ mới, của cải mới, cách thức quản lý mới và kéo theo các hình thức sở hữu và phân phối mới.
Theo Bộ trưởng, CĐS là cuộc cách mạng về thay đổi (quan hệ sản xuất) hơn là cách mạng về công nghệ (lực lượng sản xuất).
CĐS là cuộc cách mạng vì tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng trong mọi lĩnh vực; thay đổi căn bản, có tính bản chất, công việc và cách thức và hoạt động; thay đổi cách thức quản lý và vận hành của Chính phủ; tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra tài nguyên mới; tăng cường kết nối và toàn cầu hoá; thay đổi cách thức tiêu dùng và hành vi người dùng; tác động sâu sắc đến xã hội và văn hoá.
Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, CĐS, chuyển đổi xanh là hai chuyển đổi quan trọng nhất của nửa đầu thế kỳ XXI. Công nghệ chiến lược là các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Nội hàm chính của KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là các công nghệ chiến lược, CĐS và chuyển đổi xanh. CĐS và chuyển đổi xanh cũng dựa trên KHCN và ĐMST.
Về hạ tầng số, hiện đã được coi là hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông) và Nhà nước đầu tư. “Muốn đất nước phát triển thì phải phủ sóng 4G, 5G là phủ sóng Internet, chứ không phải phủ sóng alô nữa”, Bộ trưởng nói.
CĐS cũng phải chú trọng nhân lực. Theo đó, trong cấp uỷ phải có người làm về CĐS.
CĐS cũng gắn với an toàn, an ninh mạng. Muốn thịnh vượng trên không gian mạng thì phải đảm bảo an toàn an ninh mạng. Phát triển và bảo vệ Tổ quốc là phải đi cùng với nhau. Lĩnh vực này, Việt Nam hoàn toàn làm chủ.
Bộ trưởng cũng cho biết năm 2025, tập trung kết thúc dịch vụ công trực tuyến để năm 2026 tập trung cho chính phủ số.
Về phát triển kinh tế số, hiện có hai cách là phát triển công nghiệp CĐS, công nghiệp CNTT-TT, trong đó thúc đẩy “cầu” để tạo ra sự phát triển. Khi có "cầu" thì DN sẽ đến và hỗ trợ sự phát triển.
Việt Nam có cơ hội về chuyển đổi số
Nói về cơ hội CĐS của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Việt Nam có khát vọng hùng cường, vươn lên; Đảng lãnh đạo nên có thể thực hiện được những công việc cách mạng và Việt Nam không có gánh nặng của quá khứ như các cuộc cách mạng 1.0, 2.0, 3.0 nên Việt Nam có thể đi ngay từ đầu.
“Cuộc cách mạng CĐS không phải là cuộc cách mạng về công nghệ mà là vấn đề thay đổi về tư duy. Tư duy là điều Việt Nam có thể làm được. CĐS cũng giải được các bài toán lớn về năng suất lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, lãnh đạo các đơn vị cần nghiên cứu kỹ bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để thấm nhuần sâu sắc các tư tưởng mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để dẫn dắt các đơn vị.
Nhìn lại quá trình ứng dụng CNTT, Bộ trưởng cho biết cách đây 24 năm, Bộ Chính trị đã có chỉ thị về CNTT, theo đó, mỗi tổ chức phải cử ra một người trong Ban lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT và thường người đó là một cấp phó. Năm 2014, Bộ Chính trị có Nghị quyết chỉ rõ người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT. Năm 2024, Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về CĐS, trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2024, các đơn vị cần phải giải quyết dứt điểm các công việc trong năm. Các đề xuất cần phải chi tiết, cụ thể. Các cơ quan, đơn vị của Bộ trả lời các đơn vị cũng phải trên tinh thần ấy.
Đánh giá sự phát triển của lĩnh vực
Theo Bộ TT&TT, đến nay, chủ trương, chính sách về CĐS, phát triển Chính phủ số tại các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, hành động. Cụ thể, 5/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành Nghị quyết của Ban cán sự Đảng về CĐS; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch CĐS giai đoạn 2021 - 2025; 100% bộ, cơ quan ngang bộ ban hành chương trình, kế hoạch về phát triển Chính phủ số, Chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025.
100% tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của cấp ủy về CĐS; chương trình, kế hoạch CĐS giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình, kế hoạch riêng về phát triển Chính phủ số, Chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025. 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch thực hiện CĐS, phát triển Chính phủ số, Chính quyền số hàng năm.
100% bộ, ngành địa phương đã ban hành, cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử 2.0; 100% địa phương đã ban hành nghị quyết về CĐS, kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo về CĐS; 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch/đề án về CĐS.
Cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 93.524 tổ và gần 457.820 thành viên, trong đó 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi tổ có khoảng 4 - 9 thành viên, trong đó tổ trưởng các tổ dân phố, công an khu vực, ban chấp hành đoàn thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và DN công nghệ số là lực lượng nòng cốt.
Đặc biệt, trong tháng 8, 9 năm 2024, Bộ TT&TT đã trực tiếp phối hợp với các địa phương triển khai lễ ra quân hưởng ứng ngày CĐS quốc gia năm 2024 và tập huấn phổ cập kỹ năng số cơ bản, nâng cao nhận thức về CĐS cho tổ CNSCĐ tại gần 50 tỉnh, thành trên cả nước./.