Chuyển đổi số, ngân hàng đã được đền đáp trong đại dịch

Tuấn Trần| 01/07/2021 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm qua, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã đầu tư vào số hóa và họ đã ghi nhận lợi nhuận tăng dù gặp phải các bất ổn do đại dịch gây ra.

Trong những ngày đầu của khủng hoảng Covid-19, rất khó để chúng ta có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Ở thời điểm đó, cũng không mấy ai hình dung được rằng, các kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) được thực hiện trước đây đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng (NH) bất chấp đại dịch.

NH tận dụng CĐS để đối phó với đại dịch

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2015, thậm chí là sớm hơn nữa, nhiều NH đã nhận ra, công nghệ là một lợi thế cạnh tranh. Họ đã sử dụng năng lực công nghệ để xây dựng DNA công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, khi đại dịch xảy ra, các NH đã có "vũ khí" được xây dựng trong suốt thời gian qua để ứng phó.

Ngành NH tại Việt Nam đang là một trong những ngành hiếm hoi được hưởng lợi nhất từ việc áp dụng CĐS. Theo Báo cáo về "Bức tranh lợi nhuận ngành NH năm 2020 và dự báo năm 2021" do Nhóm nghiên cứu, Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV công bố, 18 NH thương mại niêm yết đã công bố báo cáo, cho thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của họ trong năm 2020 là 15,8%. Vẫn theo nhận định từ báo cáo, NH số đã giúp cho doanh thu từ hoạt động đạt tăng trưởng cao, hơn 20%; chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu dịch vụ năm 2020 của các NH.

Bất chấp dịch bệnh, ngành NH tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Một trong những công cụ chính, trợ giúp cho các NH phát triển, theo nhiều chuyên gia, đó là thành quả có được từ việc ngành này đã CĐS. Trong đại dịch, ngành NH đã tiếp tục đẩy mạnh CĐS hơn nữa. Một loạt các ứng dụng di động đã được xây dựng, cập nhật phiên bản mới với các cuộc "cách mạng" lớn về tính năng và giao diện, ví dụ như trường hợp của Vietcombank, hay Vietinbank...

Ngành NH đã sớm áp dụng đám mây và ưu tiên chiến lược tính di động là phương tiện hoạt động khi thực hiện giãn cách xã hội hay làm việc tại nhà. Nhờ có cơ sở hạ tầng đám mây linh hoạt, khả năng tăng dung lượng mạng riêng ảo (VPN), và cơ sở hạ tầng máy tính để bàn ảo (VDI) trong thời gian ngắn, các NH đã nhanh chóng thích ứng nên hầu như không bị giảm năng suất.

ThS. Trần Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ NH, ĐHQG - HCM cho biết, theo nhiều cách, Covid-19 cũng đã "kiểm tra" mức độ sẵn sàng của cả phần cứng và phần mềm của các tổ chức. Các NH có thể phản hồi nhanh, ứng phó tốt khi họ đã tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại trong suốt nhiều năm qua là những NH đã có sự CĐS nghiêm túc, và rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Sự an toàn của nhân viên cũng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Ngay từ khi đại dịch bùng phát, các NH đã mang khả năng công nghệ và dữ liệu của mình để tăng cường sự an toàn cho nhân viên của họ tại nơi làm việc.

Vẫn theo ông Sơn, "Các NH đã đạt được các thành tựu đầu tiên trong việc quản lý tính liên tục của hoạt động, ngay cả khi 100% các khách hàng phải làm việc tại nhà. Đồng thời, để cho phép nhân viên làm việc an toàn tại nhà, các biện pháp kiểm soát an ninh cũng nghiêm ngặt như kiểm soát đối với khách hàng". Chiến lược "bên trong là bên ngoài", các giải pháp bảo mật nâng cao cho phép các NH mở rộng cơ sở hạ tầng một cách an toàn và bảo mật.

CĐS số khác biệt sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong đại dịch 

Chuyển đổi số, ngân hàng được đền đáp như thế nào trong đại dịch? - Ảnh 1.

Mô hình giao dịch trực tuyến thông minh cho phép người dùng thực hiện gần như toàn bộ các giao dịch với NH mà không bị giới hạn bởi thời gian và cũng không cần tiếp xúc với nhân viên của NH.

Khi nói về CĐS, đa số các NH tại Việt Nam đều có các hoạt động khá giống nhau, ví dụ về phía khách hàng là các ứng dụng di động, còn các hoạt động nội bộ sẽ là chuyển đổi dữ liệu và hệ thống lên đám mây v.v...

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có những NH đã tiến xa hơn so với các NH khác. TP Bank là một ví dụ. Đây đang là NH duy nhất tại Việt Nam đã triển khai dịch vụ giao dịch trực tuyến hoạt động 24/7 có tên gọi Live Bank. Đây không đơn giản là một cây ATM, mô hình giao dịch trực tuyến thông minh cho phép người dùng thực hiện gần như toàn bộ các nhu cầu giao dịch với NH, không bị giới hạn bởi thời gian, và cũng không cần tiếp xúc với nhân viên giao dịch của NH nhờ ứng dụng các công nghệ mới. Người dùng có thể rút hay nạp tiền mà không cần có thẻ ATM, chỉ cần dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt; Hoặc người dùng cũng có thể làm thủ tục cấp đổi thẻ ATM mới; Gửi tiền tiết kiệm và thậm chí là mở tài khoản...

Với tất cả những khả năng ấy, hơn bao giờ hết, trong đại dịch, Live Bank đã phát huy được hiệu quả cao, và hữu dụng hơn khi nó cho phép khách hàng của TP Bank không cần đến các điểm giao dịch. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi NH phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, hoặc phải hạn chế tiếp xúc tránh lây lan dịch bệnh. Điều mà hầu hết các NH khác tại Việt Nam không làm được dù họ đã thực hiện CĐS từ lâu. Live Bank đã góp phần giúp TP Bank có mức tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế quí I/2021 so với cùng kỳ năm ngoái là 40,87% (theo Báo cáo Tài chính Quí 1/2021 của TP Bank). 

Chuyển đổi số, ngân hàng được đền đáp trong đại dịch - Ảnh 2.

Với RACE, người dùng có thể thực hiện giao dịch vay mua ô tô ngay tại các showroom bán xe.

Trong khi đó, cũng với cách CĐS khác biệt, một NH khác là VP Bank đã triển khai "hệ thống phê duyệt kỹ thuật số RACE" - mô hình giao dịch trực tuyến thông minh. Cũng giống Live Bank, RACE cho phép người dùng thực hiện hầu hết các nhu cầu giao dịch với NH mà không bị giới hạn bởi thời gian, không cần tiếp xúc với nhân viên giao dịch của NH. Từ đó giúp ích cho việc phòng chống Covid-19, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Với RACE, người dùng có thể thực hiện giao dịch vay mua ô tô ngay tại các showroom bán xe, một cách thức mà theo như VP Bank nói là "siêu tốc", trong 5 phút là có thể nhận được thông báo phê duyệt. Rút ngắn rất nhiều thời gian chờ đợi và đi lại của khách hàng cũng như của nhân viên NH.

"Hệ thống phê duyệt kỹ thuật số RACE" đã được VP Bank triển khai thử nghiệm từ tháng 11/2020, và chính thức triển khai từ tháng 6/2021 trên toàn quốc, ngay trong thời gian đại dịch. Theo VP Bank, NH này đang tích cực tăng cường sự hiện diện của RACE tại các showroom bán xe ở  Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, và Cần Thơ...

Vẫn theo VP Bank, giải pháp thẩm định khách hàng thông qua công nghệ chấm điểm thông minh, kết hợp với công nghệ OCR (Optical Character Recognition - hệ thống nhận diện hình ảnh số) chính xác, giúp NH gia tăng khả năng số hóa giấy tờ, xử lý hồ sơ để phê duyệt các khoản vay ô tô tự động và nhanh gọn. 

RACE đã giúp cho VPBank trở thành một trong những NH có tốc độ phê duyệt hồ sơ khoản vay mua xe nhanh chóng nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt có ý nghĩa trong khi Việt Nam đang trải qua đại dịch bởi người tiêu dùng không phải đi lại nhiều, tránh được tiếp xúc, hạn chế lây lan dịch bệnh. 

Những công nghệ mới được các NH đầu tư để thực hiện kế hoạch "bình thường mới".

5G và các công nghệ mới nổi khác sẽ đóng vai trò lớn trong một thế giới hậu đại dịch. Để chuẩn bị cho kỷ nguyên 5G, một số NH đã tiến hành các thử nghiệm đầu cuối đối với máy ATM không tiếp xúc và máy rút tiền video (VTM). Máy ATM không tiếp xúc 5G kết hợp các công nghệ khác nhau giúp loại bỏ cáp vật lý, do đó có thể được đặt ở bất cứ đâu. Với VTM không tiếp xúc, người dùng có thể được xác thực thông qua khuôn mặt bằng dữ liệu sinh trắc học, thay vì thẻ ATM hoặc số PIN (giống trường hơp Live Bank của TP Bank).

NH cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm các công nghệ mới và tìm cách tích hợp chúng vào hệ sinh thái công nghệ của mình một cách có ý nghĩa, tiến tới giai đoạn tiếp theo của quá trình CĐS - từ thiết lập nền tảng cho đến công nghiệp hóa khả năng vận hành trên quy mô toàn doanh nghiệp.

Ví dụ, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học. Một số NH đã bắt đầu ra mắt cơ sở hạ tầng dữ liệu ổn định và có khả năng mở rộng. Với khả năng xử lý khối lượng lớn dữ liệu, AI và máy học là những nền tảng tự phục vụ toàn doanh nghiệp để trao quyền cho các nhân viên có thể sử dụng dữ liệu và AI, với các khả năng vốn có về nhập dữ liệu, bảo mật, lưu trữ, quản trị, trực quan hóa và phân tích.

Các NH sẽ tiến tới việc tạo ra các thư viện tài sản có thể tái sử dụng cho các mô hình AI/học máy và phân tích để giảm thời gian và nỗ lực trong việc triển khai học máy và rút ngắn vòng đời xây dựng. Điều này tạo tiền đề cho NH hướng tới các đề xuất dịch vụ và khách hàng, siêu cá nhân hóa cho cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ.

Công nghệ blockchain sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để định hình tương lai của ngành NH. Các NH có thể tận dụng blockchain để khởi chạy sàn giao dịch kỹ thuật số, một hệ sinh thái tích hợp thông qua mã hóa tài sản và giao dịch thứ cấp các tài sản kỹ thuật số./.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số, ngân hàng đã được đền đáp trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO