CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Với quan điểm này, ngày 28/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong CĐS: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi".
CĐS là xu thế tất yếu
CĐS đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, CĐS là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã xác định CĐS ngành Ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên CĐS trước. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên CĐS.
Trong những ngày đầu của khủng hoảng COVID-19, rất khó để chúng ta có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Ở thời điểm đó, cũng không mấy ai hình dung được rằng, các kế hoạch CĐS được thực hiện trước đây đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng bất chấp đại dịch.
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Phải nói rằng trong quá trình CĐS, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm vừa rồi. Bước thử nghiệm đó trở thành một thành công vượt qua cả mong đợi".
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để làm được điều đó, các ngân hàng tập trung vốn, công nghệ, con người vào CĐS, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh chi cho CĐS. Trong thời điểm đó, cũng không thể kỳ vọng được rằng CĐS sẽ đạt được hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, đại dịch là vấn đề ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho CĐS ngành ngân hàng. Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly.
"Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không CĐS thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng", ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
Và minh chứng thứ hai là ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi CĐS thành công, ví dụ một số ngân hàng lớn như VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… là những ngân hàng CĐS và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là tiền gửi không kỳ hạn CASA (Current Account Savings Account) lên đến 40 - 50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40 - 50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.
Đây cũng là một tiền đề để các ngân hàng khác từng bước CĐS đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân, người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi.
"Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Thực trạng CĐS ngân hàng tại Việt Nam
CĐS đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện CĐS, bản thân các ngân hàng đã xác định phải ứng dụng công nghệ và làm sao phải số hóa để trở thành một ngân hàng số đúng nghĩa, làm sao để người dân là chủ nhân đích thực của công cuộc CĐS ngành ngân hàng.
"Theo khảo sát của chúng tôi, 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược CĐS và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như là điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số", ông Dũng cho biết.
Trên nghĩa tích cực của CĐS, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Những tiến bộ trong công nghệ tài chính (fintech) đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển ứng dụng như: thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa….
Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm CĐS cho biết: "HDBank xác định chiến lược CĐS rất quan trọng. HDBank đã làm việc với đối tác hàng đầu thế giới là BCG để tư vấn chiến lược chuyển đổi 5 năm cho CĐS cũng như triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm. Dựa vào đó, từ năm 2020, HDBank đã thành lập trung tâm CĐS và chú trọng tuyển dụng các nhân tài trong và ngoài nước giỏi ngoại ngữ, các công nghệ về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain và kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy quá trình CĐS ngân hàng triển khai nhanh nhất".
Thời gian COVID-19 cũng thúc đẩy quá trình CĐS ở HDBank. Tất cả cuộc họp chuyển sang trực tuyến, phê duyệt các thủ tục giấy tờ làm trực tuyến thông qua các hệ thống và ứng dụng chữ ký số tuân thủ quy định của Nhà nước.
Những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại trong CĐS
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình CĐS ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, cách đây 17 năm và CĐS mạnh nhất là triển khai trong giai đoạn COVID-19 2019 - 2020, nhưng các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử mà phải nói là NHNN đã chủ động, đã nhìn nhận thấy xu hướng thế giới, cũng như trong thời gian tới ngành ngân hàng bắt buộc phải CĐS.
Vì vậy, ông Hùng cho biết NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và nhờ đó mới triển khai được. Còn nếu chờ dự thảo Luật Giao dịch điện tử thì không thể triển khai được và những hoạt động giao dịch tiện ích như vừa rồi nếu không có Nghị định 35 thì cũng không thể làm được. Điều đó cho thấy những khó khăn của Ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc triển khai CĐS.
Gần như trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai CĐS, còn lại vướng mỗi cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ ngành thì chưa thể triển khai được.
"Có được kết quả hôm nay tôi thấy rất mừng, chúc mừng ngành, các ngân hàng thương mại đã chuyển đổi thành công và thành công lớn nhất là đảm bảo an toàn trong thanh toán", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, trong chương trình CĐS giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng, NHNN và các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý nhưng cũng biết vượt qua khó khăn để đáp ứng được yêu cầu vừa đưa vào thực tế ứng dụng được, vừa triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Cho nên kết quả thành công như vừa rồi thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp phải trên cơ sở pháp luật quy định nhưng cũng phải mạnh dạn đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của mình một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất.
"Rất mong các cấp các, ngành và người dân hiểu và chia sẻ cho ngành ngân hàng nói chung cũng như các tổ chức tín dụng trong quá trình CĐS vì thời gian vừa qua cũng xảy ra những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản. Lỗi đó không phải là ngành ngân hàng, ngành ngân hàng đang phải chịu ảnh hưởng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua CĐS một cách an toàn hiệu quả, yên tâm", ông Hùng bổ sung./.